ThienNhien.Net – Từ khi 2 công ty vàng của Tập đoàn Besra tuyên bố đóng cửa do bị cưỡng chế thuế, nạn khai thác vàng trái phép bùng phát tại 2 huyện Phú Ninh và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam.
Sáng sớm, con đường vào khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) vốn im ắng bị khuấy động bởi hàng chục chiếc xe máy “cà tàng” nối đuôi nhau chạy vô rừng. Theo chân đoàn người này, chúng tôi chứng kiến một ngày làm vàng hết sức nhọc nhằn và nguy hiểm của họ.
Công nhân thất nghiệp làm “vàng tặc”
Đến khu vực Nhà máy Vàng Bồng Miêu, đường bị chặn lại bởi cánh cổng khép kín. Những phu vàng liền mở một lối mòn trong rừng keo để tiến vào khu vực khai thác vàng. Con đường này đi bộ cũng khó vì dốc dựng đứng, bị xói mòn tạo thành khe rãnh sâu hoắm nhưng những phu vàng vẫn chạy xe máy ào ào. Leo lên 2 con dốc, vài lần chúng tôi suýt ngã nhào nên đành để lại xe máy rồi cuốc bộ.
Khi chúng tôi vào đến bãi Đồi Sim, nơi người dân tận dụng mỏ vàng để khai thác trái phép, nhiều người đã bắt tay vào việc. Những đám đất đào bới loang lổ, tiếng máy nổ vang động cả một khoảng rừng. Xung quanh, hàng chục tấm bạt dựng lên san sát để các phu vàng che nắng, che mưa.
Nhóm 5 người của anh Trần Văn Trường mồ hôi nhễ nhại đang hì hục đục các tảng quặng. “Tụi tôi thay nhau đào 2 ngày mới phát hiện nơi có quặng. Những thỏi quặng được cho vào bao, chở về thôn xay mịn rồi dùng hóa chất để tuyển vàng. Để tuyển được vàng phải trải qua nhiều công đoạn rất vất vả nhưng tính ra ngày công chỉ được 150.000 đồng thôi” – anh phân bua.
Trong nhóm Trường, nhiều người cách đây không lâu từng làm tại Công ty Vàng Bồng Miêu, nay mất việc nên rủ nhau đi đào đãi vàng để trang trải cuộc sống. “Tôi làm việc cho Công ty Vàng Bồng Miêu từ năm 2009. Từ cuối năm 2013 đến nay, công ty liên tục đóng cửa khiến gia đình tôi rất khó khăn. Hàng trăm công nhân của công ty cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Trong đó, người phải vào rừng kiếm củi về bán, người đi theo phu vàng khai thác trái phép…” – anh cho biết.
Gặp chúng tôi, 2 phụ nữ đã luống tuổi ở thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh đi mót quặng tỏ vẻ mệt mỏi. Bà Nguyễn Thị Phương cho biết gia đình không có đất sản xuất nên mới đi mót quặng vàng nuôi 2 con ăn học. Theo bà Trần Thị Mai, do đã luống tuổi nên 2 người chỉ đi mót lại những nơi công ty vàng đã khai thác. “Mỗi tháng, nếu trúng đậm thì cũng được 5-6 triệu đồng, còn thường thì khoảng 3 triệu đồng” – bà Mai nói.
Trưa, các phu vàng mang cơm vào những đám keo ngồi ăn rồi tranh thủ nghỉ ngơi. Thấy chúng tôi, 3 phụ nữ đang ngồi ăn cơm phân trần: “Dân không có đất, không có ruộng, không làm vàng thì biết làm gì để sống đây?”.
Khoảng 13 giờ, nắng cuối hè như thiêu đốt, các phu vàng rời lán trại để tiếp tục công việc trên những ngọn đồi, tiếng máy nổ lại rền vang. Những gương mặt khắc khổ phơi mình trong nắng gió. Gần sông Bồng Miêu, nhiều nhóm thanh niên dùng xe rùa đẩy đất vừa đào đưa lên máy để tuyển vàng trực tiếp. Nước thải cùng hóa chất xả thẳng xuống sông.
Dưới những đống đất cao ngút chực chờ sạt lở, nhiều thanh niên hì hục tìm kiếm quặng vàng. “Tụi em làm vàng thuê mỗi tháng được 4,5 triệu đồng. Trước đây, tụi em làm tại khu vực Hầm Lò trong núi sâu. Nghe tin công ty vàng đóng cửa, chủ của em mới chuyển máy móc ra đây khai thác” – một thanh niên bộc bạch.
Không truy quét xuể
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho biết xã có khoảng 500 công nhân làm việc cho Công ty Vàng Bồng Miêu. Công ty này đóng cửa khiến đời sống công nhân xáo trộn. Để mưu sinh, một bộ phận đã quay lại các bãi vàng khai thác trái phép khiến an ninh trật tự diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, địa hình đồi núi hiểm trở, lực lượng lại mỏng nên chính quyền địa phương không thể nào truy quét xuể lực lượng này.
“Nhà nước đã cấp cho Công ty Vàng Bồng Miêu tới 365 ha đất thuộc xã Tam Lãnh đến hết năm 2016. Người dân vào rừng khai thác vàng trái phép một phần do thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, đáng lo nhất là việc người dân lén lút chở quặng về khu dân cư để tuyển vàng, gây ô nhiễm môi trường” – ông Minh băn khoăn.
Không riêng gì mỏ vàng Bồng Miêu, Công ty Vàng Phước Sơn đóng tại huyện Phước Sơn ngừng hoạt động cũng khiến hàng trăm công nhân mất việc. Họ phải tìm kế sinh nhai và không tránh khỏi chuyện đi đào đãi vàng trái phép.
“Một số công nhân Công ty Vàng Phước Sơn thất nghiệp phải vào rừng khai thác vàng trái phép. Địa phương chưa có phương án giải quyết việc làm cho bộ phận này vì chưa rõ số phận của Công ty Vàng Phước Sơn thế nào” – ông Hoàng Hoa, Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Sơn, lo ngại.
Ưu ái trái luật cho công ty vàng
Liên quan đến việc 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu của Tập đoàn Besra nợ gần 300 tỉ đồng tiền thuế bị cưỡng chế buộc phải đóng cửa, ngày 2-8, ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh yêu cầu cục thuế làm việc với 2 công ty vàng theo phương án dừng cưỡng chế và cho phép gia hạn trả nợ dần trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, ông Bốn cho rằng nếu thực hiện theo công văn của UBND tỉnh là trái luật vì luật chỉ cho phép gia hạn trả nợ trong vòng 12 tháng. “Chúng tôi đã gửi giấy mời 2 công ty làm việc vào ngày 4-8, sau đó sẽ báo cáo lại tỉnh và Tổng cục Thuế xin ý kiến” – ông Bốn khẳng khái. |