ThienNhien.Net – Trong số gần 400 doanh nghiệp được chọn để điều tra về việc xử lý nguồn khí thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, có đến 55% doanh nghiệp bị phát hiện không đầu tư hệ thống xử lý khí thải. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong khi đã có Luật Xử lý hành vi vi phạm môi trường?
Khó định dạng nguồn thải gây ô nhiễm
Bà Dương Thị Minh Hằng, Phó phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trong số những doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải, những doanh nghiệp dệt nhuộm may mặc có lượng phát thải khí thải lớn nhất, chiếm 35%. Kế đến là doanh nghiệp ngành sản xuất sản phẩm kim loại chiếm 18%. Doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, đồ uống 12%. Còn lại là những doanh nghiệp các ngành bột giấy và hóa chất, nông nghiệp, lâm nghiệp… Những doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp có lượng phát thải khí thải thấp hơn 20% – 27% tùy vào nồng độ các loại chất thải so với những doanh nghiệp ngoài khu và đang nằm xen lẫn trong khu dân cư.
Điều đáng nói là hiện nay trong số nguyên liệu sử dụng tạo nhiệt và sinh ra khí đốt là củi và vỏ hạt điều, theo các nhà chuyên gia, hiện chưa có công nghệ xử lý khí thải nào có thể xử lý đạt yêu cầu khí thải phát sinh từ nguồn nguyên liệu đốt này. Kết quả điều tra cũng đã cảnh báo hiện những quận huyện như Bình Chánh, Thủ Đức, Tân Bình và Tân Phú có nồng độ chất ô nhiễm trong khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều nhất. Phó giáo sư Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, điều này rất khớp với kết quả điều tra về những tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân TPHCM. Thống kê số lượng bệnh nhân tại các bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và một số bệnh viện khác của TP cho thấy, số người mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp thường tập trung nhiều tại những quận huyện trên. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm khí thải từ hoạt động giao thông của nội thành cũng theo hướng gió đẩy về những khu vực này. Điều này càng gây nên những tác động kép trong việc ô nhiễm khí thải tại những khu vực trên.
Cần lấp lỗ hổng trong quản lý khí thải
Phó giáo sư – tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho biết thêm, cách tính về ô nhiễm khí thải của nước ta nói chung và TPHCM chưa đầy đủ. Hiện chỉ mới tập trung vào nguồn khí thải phát ra từ ống khói nhà máy. Còn những nguồn khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông, bay hơi dung môi hữu cơ từ hệ thống bồn chứa, bụi từ xưởng sản xuất, bụi từ hệ thống kho chứa hàng… chưa được tính đến. Do vậy, để có thể kiểm soát được nguồn thải gây ô nhiễm khí thải, cần phải dựa vào khả năng phát tán nguồn thải cao (ống khói, ống thải), nguồn thải thấp (bay hơi của hóa chất, bụi từ hoạt động sản xuất, giao thông, kho chứa…). Từ đó mới có những phương pháp đo thích hợp.
Tuy nhiên, đại diện nhiều tỉnh thành cho rằng, cái khó của các địa phương không phải là việc phân loại nguồn thải gây ô nhiễm khí thải mà chính là trang thiết bị phục vụ cho hoạt động này. Hiện việc kiểm tra và xử lý khí thải tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đều bị bỏ lửng vì không có trang thiết bị để đo đạc và xác định mức độ vi phạm của doanh nghiệp. Việc quản lý chủ yếu dựa vào báo cáo kết quả của doanh nghiệp mà kết quả này thì luôn luôn an toàn với môi trường. Trong trường hợp các cơ quan chức năng muốn thực hiện kiểm tra đối chứng thì cũng rất khó vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định rõ hoạt động đo đạc thì đo tại vị trí nào, thời gian nào thì phù hợp với từng loại ngành nghề…
Đồng thuận với ý kiến trên, bà Dương Thị Minh Hằng cho biết, hiện TPHCM đã có kế hoạch xây dựng trung tâm quan trắc khí thải thay cho những trang thiết bị quan trắc vốn đã bị hư hỏng từ năm 2013. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa được duyệt kinh phí để thực hiện. Những kết quả quan trắc hiện nay chủ yếu dựa vào phương pháp thủ công nên độ chính xác và tin cậy của kết quả không cao. Không chỉ vậy, việc tác nghiệp của đội ngũ thanh kiểm tra trong quá trình kiểm tra chất lượng khí thải của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn nên thường bỏ khâu kiểm tra khí thải. Tuy nhiên, hiện nay để đạt mục tiêu mà thành phố đã đặt ra là giảm 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất, và 50% ô nhiễm không khí và tiếng ồn từ hoạt động giao thông vận tải, sở đang phải áp dụng nhiều giải pháp khác.
Cụ thể như di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư ngành nghề gây ô nhiễm trong khu dân cư tập trung; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí ô nhiễm…Cũng cần phải thừa nhận rằng, để có thể kiểm soát chất lượng môi trường một cách hiệu quả, nhất thiết phải được đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý, đo đạc và kiểm tra. Có như thế mới tạo điều kiện để tăng hiệu quả công tác thanh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, xây dựng hệ thống dữ liệu đáng tin cậy để dự báo xu hướng diễn biến của chất lượng không khí. Từ đó, đề xuất những giải pháp thích hợp nhằm cải thiện chất lượng không khí vốn đang bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng tại Việt Nam nói chung và TP nói riêng.