ThienNhien.Net – Chưa khi nào vấn đề xử lý bụi lò của các nhà máy thép tại Bà Rịa -Vũng Tàu lại “nóng” như lúc này. Hiện tại khối lượng bụi lò của năm nhà máy thép trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng hơn 34 nghìn tấn, chưa kể mỗi ngày các nhà máy lại thải ra hàng trăm tấn bụi lò mới. Phương án nào để giải quyết tình trạng nói trên?
Trung tâm luyện, cán thép của cả nước
Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, chưa bao giờ Bà Rịa – Vũng Tàu xác định trở thành trung tâm luyện, cán thép của cả nước. Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã có tới năm nhà máy thép, với công suất thiết kế 3,25 triệu tấn phôi/năm. Nếu không có gì thay đổi, trong thời gian tới, hai nhà máy thép nữa sẽ đi vào hoạt động, nâng tổng công suất của bảy nhà máy lên 4,75 triệu tấn, chiếm hơn 60% công suất của tất cả các nhà máy thép trong cả nước.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, mỗi năm, các nhà máy thép này cũng thải ra hàng chục nghìn tấn bụi lò, cần phải được xử lý. Theo các nhà khoa học, bụi lò thép được xem là chất thải nguy hại, chứa nhiều kim loại nặng độc hại như: chì, asen,… dễ hòa tan, thẩm thấu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc cho ra đời hàng loạt các nhà máy thép đã khiến Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm “bất đắc dĩ” của ngành thép Việt Nam, phá vỡ toàn bộ quy hoạch của ngành thép cả nước. Điều này cũng đi ngược chủ trương thu hút đầu tư của địa phương, do đây đều là những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Văn Sâm cho biết: Ngành tài nguyên và môi trường đã không thể “bắt kịp” sự phát triển quá nhanh của các nhà máy thép. Việc xử lý nguồn chất thải phát sinh trong quá trình luyện cán thép hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự giác của doanh nghiệp, bởi hàng chục nghìn tấn bụi lò thải ra vẫn phải xếp lớp nằm chờ tại kho lưu giữ của chính các nhà máy này. Ngoài việc diện tích sản xuất bị thu hẹp, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, thì nguồn chất thải này rất dễ bị thẩm lậu ra ngoài nếu công tác quản lý không chặt chẽ. Không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp cố tình vận chuyển chất thải chưa qua xử lý ra ngoài vì mục đích kinh tế.
Để khắc phục hậu quả do sự phát triển ồ ạt các nhà máy thép trên địa bàn thời gian qua, ngoài việc kỷ luật Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng một số sở, ngành liên quan xây dựng giải pháp xử lý nguồn chất thải phát sinh, trong đó chủ yếu là bụi lò và xỉ thép.
Trong kế hoạch của ngành tài nguyên và môi trường Bà Rịa -Vũng Tàu, kể từ năm 2012 đến nay, vấn đề xử lý bụi lò luôn được nhắc đến như một nhiệm vụ trọng tâm. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng từng khẳng định sẽ xử lý dứt điểm vấn đề này trong năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chắc chắn kế hoạch này sẽ không thành hiện thực.
Nguy cơ dừng sản xuất
Tính thời điểm hiện nay, khối lượng bụi lò đang tồn đọng tại năm nhà máy thép trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu (gồm Công ty TNHH thép Đồng Tiến, Công ty cổ phần thép Pomina 2, Chi nhánh Công ty cổ phần thép Pomina -Pomina 3, Công ty thép Miền Nam và Công ty TNHH thép Fuco), là khoảng hơn 34 nghìn tấn. Trung bình mỗi ngày các nhà máy này tiếp tục thải ra hàng trăm tấn bụi lò mới. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, các nhà máy này sẽ không còn diện tích để lưu giữ lượng bụi lò phát sinh này.
Theo kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu việc xử lý bụi lò không được thực hiện thì việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu cho các nhà máy thép cũng sẽ bị đình lại, không thể tiếp tục. Tổng cục Môi trường đưa ra giải pháp chuyển toàn bộ số bụi lò từ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ra Thái Nguyên để xử lý. Tuy nhiên, ngay chuyến đầu tiên vào nhận bụi lò, tàu Phương Nam 45 của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên đã bị lực lượng cảnh sát đường thủy bắt giữ, khiến toàn bộ kế hoạch vận chuyển bụi lò của Bà Rịa- Vũng Tàu bị phá sản.
Các nhà máy thép phải tiếp tục tự bảo quản hơn 34 nghìn tấn bụi lò tại kho. Điều này khiến nguy cơ đóng cửa các nhà máy thép do không được nhập nguyên liệu đầu vào là rất hiện hữu. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Pomina 2 Đỗ Xuân Chiểu cho biết, việc đóng cửa các nhà máy thép sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và người lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương.
Hiện giấy phép nhập khẩu nguyên liệu của Pomina 2 cũng chỉ có giá trị trong thời hạn sáu tháng mỗi lần, khiến doanh nghiệp bị động trong điều hành sản xuất. Cũng theo ông Chiểu, vấn đề bụi lò lẽ ra phải được xử lý từ lâu, bởi nhiều năm trước, Bà Rịa -Vũng Tàu đã có chủ trương xây dựng một nhà máy xử lý loại chất thải này. Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh bức xúc: Việc xử lý hàng chục nghìn tấn bụi lò đang đặt ra rất cấp bách nhưng đã hai năm trôi qua mà ngành tài nguyên – môi trường vẫn chưa có giải pháp xây dựng nhà máy xử lý bụi lò cụ thể là khó chấp nhận.
Việc tổ chức đấu thầu, triển khai xây dựng nhà máy xử lý bụi lò trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thời gian tới, rất có thể bụi lò, xỉ thép sẽ trở thành hàng hóa được tự do mua bán mà không cần xử lý. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp không mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực này. Và trong khi chờ đợi, thì hiện tại, hàng chục nghìn tấn bụi lò trên địa bàn vẫn tiếp tục phải “dầm mưa, dãi nắng”, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thép nơm nớp nỗi lo dừng sản xuất do không được cấp phép nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào.