ThienNhien.Net – Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng là chủ đề cuộc hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 1-8 tại Thái Nguyên.
Trong 5 năm qua (2009-2013), với những cố gắng trong khôi phục và trồng rừng mới, độ che phủ của rừng (bao gồm cả cây cao su trồng trên đất lâm nghiệp) của cả nước đã liên tục tăng từ 39,1% năm 2009 lên 41% năm 2013, bình quân tăng 0,32 %/năm (trong đó, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng 13.537.925 ha – đạt độ che phủ 39,71%; cây cao su và cây đặc sản trồng trên đất lâm nghiệp 416.529 ha – đạt độ che phủ 0,29%). Phấn đấu đến năm 2015 độ che phủ rừng đạt khoảng 42%. |
Thông tin tại Hội thảo cho biết, mặc dù đã đạt được những tiến bộ bước đầu quan trọng, nhưng ngành Lâm nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là tình trạng phá rừng, khai thác tự nhiên, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương; năng suất, chất lượng, giá trị rừng sản xuất thấp; tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật vẫn diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa được giải quyết triệt để… Độ che phủ rừng tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm (80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo), giá trị thu nhập trên 1ha rừng trồng mới đạt khoảng 7-8 triệu đồng/ha/năm, đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của nông dân miền núi.
Đáng lưu ý, trình độ tay nghề lao động lâm nghiệp thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, trồng rừng vẫn chủ yếu là quảng canh. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập, thị trường máy móc, vật tư phục vụ cho sản xuất lâm nghiệp gần như bị bỏ ngỏ, phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất lâm nghiệp tại nhiều địa phương còn nhiều bất cập…
Trong số các giải pháp được đề xuất, nhiều đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa ngành lâm nghiệp, khuyến khích thu hút mọi thành phần tham gia liên kết đầu tư phát triển rừng; có chính sách tín dụng ưu đãi để khuyến khích các chủ thể vay vốn phát triển đổi mới công nghệ chế biến và trồng rừng tạo vùng nguyên liệu cho chế biến.
Đồng thời, cần đánh giá toàn diện công tác giao đất giao rừng, rà soát đất đai các công ty lâm nghiệp để có quỹ đất, rừng, ưu tiên giao cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất (tránh áp dụng cứng nhắc theo kiểu bình quân chủ nghĩa trong việc giao đất, giao rừng cho những hộ không có khả năng về lao động, dẫn đến không có khả năng tác động gì sau khi giao), thí điểm, nhân rộng hình thức giao cho thuê đất rừng theo phương thức đấu giá…
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đóng góp nhiều ý kiến khác, trong đó có việc đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vào năm 2016 và 2017.
Đến nay, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã có hiệu lực thi hành gần 10 năm. Một số kiến nghị khác bao gồm tăng cường giám sát thực hiện các chính sách tín dụng hiện hành đối với ngành lâm nghiệp; có chủ trương để Ngân hàng nhà nước dành khoản tín dụng khoảng 500 tỷ đồng/năm cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vay vốn trồng rừng gỗ lớn với lãi suất ưu đãi; có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuế tài nguyên đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng rừng; bố trí dự toán ngân sách quốc gia cho xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, công trình phòng cháy, chữa cháy rừng trong các khu rừng sản xuất) tương tự như đối với nông nghiệp. Đặc biệt, đề nghị Quốc hội xem xét, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp…