ThienNhien.Net – “Khoáng sản vàng ở Nam Giang còn vàng đâu nữa mà quy hoạch!”. Đây là ý kiến của ông A Lăng Cường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Nam Giang (Quảng Nam) về tình trạng khai thác vàng trái phép rất phổ biến tại các địa phương của huyện này trong nhiều năm qua.
Trong lúc chúng tôi đang trao đổi với ông A Lăng Cường thì ngay phía sau Phòng TN&MT huyện, dòng sông Cái qua thôn Pà Lanh, xã Cà Dy đang bị đào khoét kinh hoàng bởi những chiếc máy đào công suất lớn của chủ nậu vàng tên là Lương Thế Vinh, từ ngoài Bắc vào.
Biết chúng tôi đã tiếp cận hiện trường và ghi nhận đầy đủ việc khai thác vàng trái phép, ông Cường nói rằng sẽ cho đẩy đuổi ngay lập tức các máy đào của chủ nậu Lương Thế Vinh trên đoạn sông Cái thuộc thôn Pà Lanh, sau lưng phòng TN&MT huyện. Sáng 30 – 7 (gần 10 ngày sau khi có ý kiến sẽ quyết liệt cho đẩy đuổi vàng tặc của ông A Lăng Cường), hoạt động khai thác vàng ở đoạn sông này không có dấu hiệu gì cho thấy là đã bị can thiệp. Liên hệ với chủ nậu vàng Lương Thế Vinh, chúng tôi nghe ông này thản nhiên cho biết, vẫn duy trì hoạt động của các máy đào trên khúc sông Cái qua thôn Pà Lanh. Công việc quản lý khai thác được giao cho 2 người tên là Giang và Tuấn (từ Hà Nam và Lạng Sơn vào). Theo lời ông Lương Thế Vinh thì vàng ở khúc sông qua thôn Pà Lanh không nhiều nhưng vì đã bỏ vốn “đầu tư” nên phải duy trì khai thác. Trước khi chủ nậu Lương Thế Vinh đưa 2 chiếc máy đào to lừng lững cùng các phương tiện phục vụ khai thác vàng vào khai thác ở đoạn sông Cái qua thôn Pà Lanh, đã có nhiều chủ nậu khác đến đào xới rồi rút đi để lại những cái hố sâu như vực thẳm cùng đất đá ngổn ngang.
Rất nhiều bãi vàng được khai thác “không cần đến mảnh giấy lộn” ở huyện Nam Giang chỉ cách trung tâm hành chính huyện, xã và đồn biên phòng, chốt kiểm lâm vài cây số, thậm chí vài trăm mét nhưng chủ nậu này vừa rút đi, chủ nậu khác lại đưa máy móc đến, đào xới.
Ngày 23/7/2014, Bộ trưởng Bộ TN & MT Nguyễn Minh Quang đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về công tác quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản (TN – KS) trên địa bàn Quảng Nam – đặc biệt là trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh này. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị chính quyền các cấp của Quảng Nam trong đó có cấp xã cần phải chủ động nắm bắt tình hình, quản lý chặt TN – KS đồng thời kiên quyết đẩy đuổi người ở nơi khác đến Quảng Nam khai thác vàng trái phép. Cũng tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất – Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu chế tài xử phạt, không loại trừ cả việc xử lý hình sự về khai thác trái phép TN – KS nói chung và khoáng sản vàng nói riêng. |
Ở Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh (KBTST), vàng tập trung nhiều nhất ở các khu vực thuộc xã Đắkpring. Thời điểm cuối tháng 6, sau khi báo chí lên tiếng, một vài chủ nậu buộc phải dừng khai thác. Tuy nhiên đến giữa tháng 7, khi quay lại hiện trường, chúng tôi vẫn ghi nhận việc khai thác vàng trái phép ở các bãi vàng Đắkpring chưa có dấu hiệu dừng lại. Chủ nậu vàng ở Khe Nhiên, Khe Lên đã rút đi bỏ lại lán trại hoang tàn nhưng theo người dân, nếu đi sâu thêm khoảng 15 – 16 km đường rừng, việc khai thác vàng vẫn diễn ra tại một nơi có tên gọi là Pê ta pốc.
Để đưa một máy đào vào rừng Đắkpring, chủ nậu vàng phải qua rất nhiều “cửa ải” như chốt kiểm lâm trên QL 14 D, qua tuyến độc đạo được án ngữ bởi đồn Biên phòng Đắkpring, qua chốt trực do UBND xã đặt ra, rồi tiếp đến là qua cái ba – ri – e, được khóa chặt bằng ổ khóa của thôn 48 (xã Đăkpring). Cửa ải “dày đặc” nhưng không hiểu sao những chiếc máy đào to vật vã vẫn cứ đột nhập được vào lòng KBTST để khai thác vàng. Tại thời điểm này vẫn có chiếc máy đào nằm trên bãi đất cao trước nhà của một cán bộ thôn 48.
Một lãnh đạo có trách nhiệm “hồn nhiên” cho biết: “Hắn (cái máy đào) đang nằm đó thì chưa thể khai thác lại mô!. Chừng mô không thấy hắn (cái máy đào) thì tụi hắn (chủ nậu vàng) mới làm trở lại”. Lán trại được dỡ bỏ nhưng máy móc còn “gửi” lại rừng đồng nghĩa với tình trạng khai thác trái phép chỉ tạm lắng một thời gian. Một chủ nậu vàng trẻ tuổi có…máu mặt ở Nam Giang khẳng định với chúng tôi “sẽ quay lại Đăkpring” vào thời gian thích hợp”.
Khai thác vàng hủy hoại nghiêm trọng môi trường ở huyện Nam Giang diễn ra công khai. Chủ nậu vàng ở Khe Nhiên, Khe Lên và cả chủ nậu vàng đang đào xới tại thôn Pà Lanh xã Cà Dy cũng không giấu giếm chuyện này. Rõ ràng là đã có sự bắt tay – đúng hơn là bảo kê của cán bộ có trách nhiệm ở địa phương. Nếu không có bảo kê, bảo đảm bằng vàng của một số cán bộ có trách nhiệm trong hệ thống chính quyền cơ sở thì chủ nậu vàng ba đầu sáu tay cũng khó di chuyển cái máng vàng thủ công trên các tuyến đường liên xã liên thôn của huyện Nam Giang chứ đừng nói gì đến những chiếc máy đào kềnh càng to lớn.
Ông A Lăng Cường, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Giang không thừa nhận chuyện bảo kê nhưng cũng không thể đưa ra giải thích thuyết phục về sự hiện diện của 2 chiếc máy đào đang đêm ngày tận lực phá nát vài cây số dòng sông Cái cách nơi ông Cường ngồi làm việc chỉ vài trăm mét.
Nam Giang giàu tài nguyên khoáng sản vàng nhưng theo lời người đứng đầu cơ quan quản lý TN&MT huyện Nam Giang thì đã quá muộn cho việc lập bản đồ quy hoạch vàng ở huyện này với lý do: “Vàng còn đâu nữa mà quy hoạch!?”.