ThienNhien.Net – Hàng loạt dự án đầu tư ngay trên những khu đất vàng tại TP Đà Nẵng bị bỏ hoang, để cỏ mọc um tùm hoặc trơ ra phần khung của công trình. UBND TP Đà Nẵng đang mạnh tay xử lý các đơn vị chây ì.
Theo thống kê của UBND TP Đà Nẵng, khu vực ven biển Đà Nẵng hiện còn 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 21 dự án đầu tư trong nước chậm triển khai.
Bỏ hoang dự án triệu đô
Dự án Khu Du lịch phức hợp Bãi Bụt nằm ngay bãi biển dưới chân núi Sơn Trà (quận Sơn Trà) do Công ty CP Hải Duy (TP HCM) làm chủ đầu tư với tổng vốn 300 tỉ đồng. Được khởi công xây dựng từ tháng 4-2004, nơi đây dự kiến trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế vào năm 2007. Thế nhưng, hơn 10 năm đã trôi qua, chủ đầu tư chỉ xây dựng mỗi hàng rào bê-tông kiên cố bao quanh để giữ đất mặc cho UBND TP Đà Nẵng đã 2 lần ra tối hậu thư đòi thu hồi dự án.
Tương tự, dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng The Song – Danang Beach Villas tọa lạc tại bãi biển Sơn Trà – Điện Ngọc khởi công xây dựng vào tháng 5-2010 với tổng vốn khoảng 110 triệu USD do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2014. Đến nay, khu đất mới chỉ có… vài cây dừa.
Nằm cạnh dự án, dự án Anvie Resort & Residences (quận Ngũ Hành Sơn) có tổng mức đầu tư 1.551 tỉ đồng do Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu làm chủ cũng trong tình trạng hoang phế. Khu đất trơ ra vài bộ khung biệt thự, trông rất nhếch nhác.
Điển hình của các dự án “đại rùa” phải kể đến dự án tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers nằm ở khu đất vàng 3 mặt tiền Hùng Vương – Nguyễn Chí Thanh – Yên Bái và dự án khu phức hợp Danang Center có mặt tiền Hùng Vương – Phan Chu Trinh – Nguyễn Thị Minh Khai. UBND TP Đà Nẵng đã nhiều lần ra tối hậu thư đôn đốc, nhắc nhở triển khai xây dựng nhưng đến giờ vẫn chỉ là bãi đất trống, cây cỏ mọc um tùm giữa trung tâm thành phố.
Dự án tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers có tổng vốn đầu tư 180 triệu USD do Công ty CP Địa ốc Viễn Đông làm chủ. Ngay khi được giao đất, công ty không thực hiện đúng kế hoạch khởi công dự án nên UBND TP Đà Nẵng đã ra văn bản yêu cầu đến hết ngày 30-7-2009, nếu không khởi công thì TP sẽ thu hồi chủ trương giao đất.
Để đối phó, ngày 25-7-2009, công ty này bày ra lễ khởi công lớn chưa từng thấy tại Đà Nẵng. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Viễn Đông, ông Đặng Thành Tâm, đã cam kết trước 600 khách mời là sẽ hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng vào tháng 12-2012. Đến ngày 14-4-2010, chưa thấy chủ đầu tư xây dựng công trình, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra tiếp công văn yêu cầu nếu đến hết ngày 20-5-2010 không tiếp tục thi công thì UBND TP Đà Nẵng sẽ thu hồi.
Lúc này, công ty mới bắt đầu đưa thiết bị đến công trường nhưng chỉ xây dựng tường vây và thí nghiệm 5 cọc khoan nhồi bê-tông. Lãnh đạo Đà Nẵng lại đòi thu hồi đất. Công ty CP Địa ốc Viễn Đông tiếp tục hứa hẹn lần thứ tư, thứ năm. Đến nay, dự án vẫn bất động.
Kiên quyết thu hồi đất nếu nhà thầu chây ì
Theo ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng diễn ra giữa tháng 7 vừa qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã thống nhất từ nay đến cuối năm 2014, các chủ đầu tư phải ký cam kết triển khai xây dựng. Nếu đến quý II/2015 không triển khai, UBND TP Đà Nẵng sẽ kiên quyết thu hồi đất.
Trong khi đó, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, cho rằng những dự án FDI không đáng lo ngại bởi có chậm triển khai thì cũng do yếu tố khách quan thị trường bất động sản ế ẩm chứ không phải vì thiếu kinh phí, điều lo ngại nhất là các chủ đầu tư trong nước. Ông Minh khẳng định hầu hết các chủ đầu tư đã nộp một khoản tiền để làm sổ đỏ cho những lô đất mặt tiền nên khi thu hồi cũng rất khó khăn. Hơn nữa, khu đất thu hồi xong rồi để làm gì cũng cần phải bàn và lên kế hoạch cụ thể bởi thời điểm này, không dễ tìm được nhà đầu tư khác thay thế.
Tại kỳ họp HĐND vừa qua, đa số đại biểu HĐND đề nghị trước khi giao khu đất vàng cho một chủ đầu tư, bên cạnh các khoản tiền bắt buộc doanh nghiệp phải trả như tiền đất, giải phóng mặt bằng, lãnh đạo TP Đà Nẵng cần yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ ít nhất 20% giá trị dự án. Nếu thực hiện đúng cam kết, số tiền đó sẽ được trả lại nhà đầu tư cả gốc lẫn lãi; nếu chậm trễ, tiền sẽ bị sung công quỹ.
Lơ lửng số phận dự án 750 triệu USD của Tập đoàn Thiên Thanh
Sau khi nhiều lãnh đạo của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) bị khởi tố, bắt tạm giam, ngày 30-7, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về việc liệu thông tin trên có ảnh hưởng đến quyết định bàn giao đất sân vận động Chi Lăng cho tập đoàn này trong tháng 8-2014. Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đang bận họp và đã giao việc này cho Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết phụ trách. Trong khi đó, ông Phùng Tấn Viết đang đi công tác nước ngoài và hẹn trả lời Báo Người Lao Động sau. Trước đó, chính quyền Đà Nẵng đã bán sân vận động Chi Lăng (rộng 5,5 ha, nằm ở 4 mặt tiền là đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Ngô Gia Tự và Chi Lăng) cho Tập đoàn Thiên Thanh với giá trên 1.000 tỉ đồng. Hiện TP Đà Nẵng đang bàn giao đất từng phần cho tập đoàn xây dựng khu phức hợp thương mại cao cấp có tổng đầu tư trên 750 triệu USD. Khoảng 70 hộ dân và doanh nghiệp ở khu vực quanh Công viên Chi Lăng nằm trong diện giải tỏa. Ngoài ra, tập đoàn này còn được TP Đà Nẵng cấp phép đầu tư dự án xây dựng khu thương mại tại khu đất số 209 đường Trường Chinh (Quốc lộ 1A) có diện tích 2,2 ha. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Tập đoàn Thiên Thanh không tập trung nguồn lực đầu tư phát triển dự án như mục đích và cam kết ban đầu với chính quyền TP. |