ThienNhien.Net – Những năm qua, đời sống nhân dân vùng chuyển dân sông Ðà xây dựng Thủy điện Hòa Bình đã và đang có những thay đổi tích cực. Với sự hỗ trợ của trung ương và địa phương trong việc di dân, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nên đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; đường giao thông được cứng hóa giúp nhân dân đi lại và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Từ đó người dân vùng chuyển dân sông Ðà có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, yên tâm sản xuất.
Thay đổi nơi vùng hồ
Sau một thời gian, chúng tôi lại có dịp trở lại Ba Khan, một trong những xã thuộc vùng lòng hồ sông Ðà của huyện Mai Châu. So với trước kia, đời sống nhân dân xã Ba Khan đã thay đổi khá nhiều, đường giao thông đã được cứng hóa vào đến tận trung tâm xã; nhiều mô hình sản xuất mới như nuôi lợn sinh sản, gà mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được triển khai, góp phần giúp người dân trên địa bàn có thêm điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ðáng mừng hơn là Ban Quản lý Dự án vùng hồ sông Ðà đã hỗ trợ xây dựng trụ sở UBND xã với kinh phí 3,1 tỷ đồng và trạm y tế kinh phí 4,6 tỷ đồng rất khang trang. Chủ tịch UBND xã Ba Khan Bùi Văn Ðông cho biết: “Trước đây, trạm y tế xã do được xây dựng từ những năm 1990 nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tường nứt, phòng điều trị sơ cứu ban đầu bị hỏng mái. Vì vậy cứ mưa to là dột, không bảo đảm việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ðến năm 2013, trạm y tế được xây mới và đưa vào sử dụng với đầy đủ các phòng chức năng, máy móc, thiết bị phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu nên người dân rất phấn khởi”.
Ðưa chúng tôi tham quan sông Ðà, nơi đặt 20 chiếc lồng nuôi cá, ông Bùi Văn Kế, thôn Bãi Sang, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện di dân để xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Thời gian trước, do đất canh tác ít, cộng với việc chủ yếu trồng ngô, khoai, sắn nên đời sống còn nhiều vất vả. Nhưng từ năm 2009 đến nay, gia đình tôi và nhiều hộ khác trong xã được Ban Quản lý Dự án vùng hồ sông Ðà, chính quyền địa phương hỗ trợ để phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Ðà. Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ một phần tiền mua cá giống, thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn cũng như tập huấn kỹ thuật chăm sóc cá cho các gia đình. Lúc đầu, gia đình tôi nuôi thử nghiệm ba lồng, đến nay phát triển thêm thành 20 lồng nuôi các loại cá đặc sản như cá dầm xanh, trắm đen, cá chiên. Nuôi cá lồng ở đây hiệu quả kinh tế khá cao vì nguồn nước sạch lại được lưu thông thường xuyên; thức ăn cho cá chủ yếu là ngô, khoai, sắn nên cá phát triển tốt, năng suất, chất lượng thịt cao, ít dịch bệnh. Với 20 lồng cá đang thả nuôi, cứ hai năm gia đình tôi lại thu về vài trăm triệu đồng”.
Hỗ trợ theo nhu cầu thực tế
Trưởng phòng Tổng hợp (Ban Quản lý Dự án vùng hồ sông Ðà) Vũ Xuân Ðiệu cho biết, theo thống kê đến nay, vùng chuyển dân Thủy điện Hòa Bình trên địa bàn tỉnh là 16.913 hộ với 69.275 khẩu ở 36 xã, phường gồm các dân tộc Mường, Dao, Tày, Kinh thuộc địa bàn sáu huyện, thành phố là Ðà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình. Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án trên đã mang lại nhiều thay đổi về kinh tế – xã hội cho các xã vùng hồ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Ðồng thời, tỉnh Hòa Bình đã chủ động tổ chức triển khai đầu tư xây dựng nhiều hạng mục, công trình hạ tầng thiết yếu, đầu tư phát triển sản xuất cho nhân dân các xã vùng hồ sông Ðà. Từ đó góp phần vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tại các xã trong vùng được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Người dân đã được trực tiếp hưởng lợi từ các công trình của dự án, học sinh được đến trường, phòng học có đủ ánh sáng và thiết bị học tập, góp phần nâng cao dân trí.
Riêng giai đoạn 2009-2015, với tổng vốn đầu tư thực hiện là 898,597 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 581,496 tỷ đồng, ngân sách địa phương 93,700 tỷ đồng nhằm thực hiện việc bố trí, ổn định dân cư; đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng kết cấu hạ tầng… Ðến nay đã triển khai việc khai hoang ruộng bậc thang với 204 ha; trồng rừng phòng hộ kết hợp trồng rừng kinh tế 3.050 ha; xây dựng 1.210 mô hình sản xuất điểm; hỗ trợ lãi suất vay tiền phát triển sản xuất cho 5.000 hộ; đào tạo nghề cho 10.000 người; tổ chức 50 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Ðồng thời xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông với 55 công trình gồm đường, cầu, ngầm, bến thuyền; xây dựng và nâng cấp 11 công trình điện lưới, 17 trường học, 13 trạm y tế, 11 công trình thủy lợi, 14 công trình nước sinh hoạt, chín công trình văn hóa và bốn trụ sở UBND. Ðã có 1.300 hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhu cầu để nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế như các mô hình chăn nuôi bò lai sind, nuôi cá lồng, chăn nuôi lợn, mô hình kinh tế vườn, đồi, sản xuất ngư nghiệp… Ðến nay, thu nhập của người dân vùng hồ sông Ðà đã tăng lên từ 2 triệu đồng/người/năm (năm 1995) lên 8,5 triệu đồng/người/năm (năm 2013); không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 36%; số hộ dân được sử dụng điện lưới đạt 80%; số phòng học được cứng hóa 80%; số xã, phường có đường được cứng hóa và đường ô-tô đến trung tâm là 26/36.
Mặc dù, trên địa bàn các xã vùng hồ đã bắt đầu hình thành một số ngành, nghề trong dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhưng quy mô còn nhỏ như: dịch vụ sửa chữa, buôn bán vật tư, nghề mây, tre đan, làm chổi chít, làm tăm tre… Tuy nhiên, đời sống nhân dân vùng tái định cư còn nghèo, sản xuất chậm phát triển và chưa chắc chắn; cơ sở hạ tầng còn yếu, thiếu và chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái đói còn tiềm ẩn ở một số xóm, bản vùng cao. Nguyên nhân do cơ chế chính sách chưa đồng bộ, các hộ còn thiếu đất và tư liệu sản xuất; việc đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ chưa tạo ra được nhiều sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh với thị trường; mức hỗ trợ đầu tư nhỏ, kéo dài kết hợp hệ thống đường dân sinh liên thôn, bản còn thiếu nên số hộ nghèo còn cao… Thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục khai thác đồng bộ tiềm năng, thế mạnh các xã vùng hồ như phục vụ khách du lịch, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng phát triển kinh tế mang tính bền vững; đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, chuyên môn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế ở địa phương; tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ dân có nguồn vốn phù hợp để đầu tư vào phát triển sản xuất, trồng rừng kinh tế, khai hoang ruộng bậc thang, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng trên sông; phối hợp lồng ghép các dự án, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước đầu tư để thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn…