ThienNhien.Net – Từ xã vùng 3 có nhiều khó khăn, nay cuộc sống của người dân xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La đã thực sự đổi thay. Bà con Phiêng Khoài tiếp thu những cái mới, nhưng vẫn giữ được những truyền thống quý báu cha ông để lại.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Phiêng Khoài là xã biên giới giáp Lào, có 2.568 hộ, với hơn 10.000 khẩu, cách trung tâm huyện Yên Châu hơn 60 km, chủ yếu là nơi cư trú của các dân tộc Thái, Mông, Xinh Mun. Điều kiện giao thông khó khăn, nên trước đây Phiêng Khoài được xem là “rốn nghèo” của huyện. Nhưng bây giờ, đường vào đến trung tâm xã Phiêng Khoài đã được đổ nhựa thẳng tắp, các đường liên thôn, liên bản đều đi được ô tô, xe máy tới tận nhà. Phiêng Khoài trở thành một trong những vựa ngô của huyện Yên Châu với diện tích 2.800 ha.
Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, Phan Văn Tình, cho biết: “Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài ngô, Phiêng Khoài còn phát triển mạnh diện tích cây mận với 400 ha, cộng thêm hơn 200 ha chè, 70 ha cà phê. Đàn gia súc có trên 16.000 con, hơn 51.000 gia cầm các loại và hàng ngàn đàn ong mật. Những sản phẩm này đều cho thu nhập rất ổn định. Đường sá cũng thuận lợi rồi nên làm ra cái gì đều có người tới tận nơi thu mua. Cả xã đã có trên 100 xe ô tô tải. Tổng thu nhập từ kinh tế dịch vụ thương mại – xây dựng của xã năm 2013 đạt gần 40 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển với nhiều loại hình chế biến nông sản”.
Chúng tôi đến bản Tè Ẻn, một trong những bản khó khăn nhất của xã, là nơi cư trú của 106 hộ đồng bào Xinh Mun. Bí thư chi bộ bản Vi Văn Vàu cho hay: “Bản mình vẫn còn nhiều hộ nghèo lắm, nhưng được cái bà con đã biết cách làm ăn. Hộ nào chịu khó trồng ngô, trồng mận đều không đói đâu. Như vụ vừa rồi gia đình mình bán mận còn được hơn 100 triệu đấy”.
Nói rồi, ông Vàu dẫn chúng tôi về ngôi nhà hai tầng khang trang mới xây của gia đình. “Mình bận làm công việc địa chính của xã, hai con lớn đều làm bộ đội biên phòng, nên nhà cửa, trâu bò, ruộng nương một tay vợ mình lo toan. Thế mà một năm nhà mình thu được mấy trăm triệu từ trồng ngô, trồng mận, mấy con bò con nào con nấy đều béo múp. Không chỉ nhà mình, trong bản cũng có nhiều hộ nhờ trồng mận, chăn nuôi gia súc mà có thu nhập khá rồi đấy”, ông Vàu chia sẻ.
Theo anh Vi Văn Thiện, Trưởng bản Tà Ẻn, cuộc sống của người dân bản Tà Ẻn đã thay đổi rất lớn trong thập kỉ qua. “Mãi những năm cuối thập kỷ 90, cách làm lúa nước, trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng giống mới, hiệu quả cao hơn mới đến được với dân bản. Tôi cũng bắt tay vào thực hiện ngay trồng nhãn, trồng mận hậu, mở rộng diện tích ruộng nước, chăn nuôi dê, bò hàng hóa… Nói thì gọn thế nhưng phải mất gần chục năm trời mới đổi được phận nghèo đấy”, anh Thiện kể.
Quyết tâm giữ rừng
Ông Phan Văn Tình cho biết thêm: Ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn, người dân Phiêng Khoài đã rất quan tâm đến bảo vệ rừng. Nếu hỏi mỗi người dân ở đây, họ đều bảo: Rừng đem lại nhiều cái lợi cho con người, cho bóng mát, củi đun, gỗ làm nhà và rừng còn có tác dụng chống bão lũ rất lớn. Vì thế mà dân bản thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ rừng và vận động anh em, họ hàng cùng giữ rừng.
“Bản Tà Ẻn luôn đứng ở tốp đầu trong huyện về trồng rừng và bảo vệ rừng. Hơn 580 ha rừng tự nhiên cùng 18 ha rừng đầu nguồn được khoanh nuôi bảo vệ và chăm sóc chu đáo. Diện tích rừng tự nhiên ở đây đều giao cho dân. Trưởng bản làm tổ trưởng, thường xuyên phối hợp tuyên truyền với các bản lân cận, vì thế mà những khu rừng giáp ranh bản khác cũng không bị xâm phạm. Hằng tháng, bản tổ chức họp dân tuyên truyền về nội dung trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng, đưa việc bảo vệ rừng vào hương ước của bản. Người trồng rừng khi khai thác theo lô, theo khoảnh phải có đơn xin phép bản và kiểm lâm, nên nhiều năm nay, Tà Ẻn không để cháy rừng và khai thác rừng trái phép. Nhờ thế mà rừng ở đây lúc nào cũng ngút ngàn màu xanh”, ông Vi Văn Vầu, tự hào cho biết.