ThienNhien.Net – Mùa mưa bão năm 2014 được nhận định diễn biến phức tạp với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn của hàng nghìn hồ, đập thủy điện, thủy lợi trong cả nước, nhất là khu vực Tây Nguyên.
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Công Thương tại tỉnh Kon Tum cho thấy, nỗi lo về an toàn hồ, đập vẫn thường trực.
Thủy điện nhỏ – Nỗi lo lớn
Theo Sở Công Thương Kon Tum, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục công trình hồ, đập thủy điện lớn, nhỏ đang hoạt động, tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng quan tâm đầy đủ đến công tác bảo đảm an toàn, dù các cấp, ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.
Kết quả kiểm tra tại 9 công trình hồ thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn cho thấy, hầu hết các công trình này đều không được trang bị các thiết bị quan trắc theo quy định mà chỉ sử dụng các thiết bị thô sơ. Đây là mối nguy lớn vì các số liệu thủy văn, kỹ thuật hồ, đập được cập nhật không chính xác và kịp thời. Ngoài ra, nhiều hồ, đập không có lan can che chắn trên vai đập, chưa bố trí thiết bị bảo vệ tại hệ thống xả cát, lấy nước trong nhà vận hành, tuyến năng lượng có nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến vận hành công trình.
Đặc biệt, dù đã được đôn đốc thường xuyên, song đến cuối tháng 7 vẫn còn nhiều chủ đầu tư chưa xây dựng phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lụt bão, phương án phòng chống lũ, lụt cho hạ du…
Tại hai nhà máy thủy điện nhỏ của Công ty CP đầu tư và phát triển thủy điện Đăk Psi, gồm thủy điện Đăk Psi 3 (35 MW) và 4 (15 MW) ở huyện Tu Mơ Rông, ông Vũ Hùng Tuyên- Giám đốc- cho biết, hiện phương án phòng chống lụt bão và lũ, lụt cho hạ du của công ty vẫn chưa hoàn thành.
Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận, hồ chứa thủy điện Đăk Psi 3 có nhiều điểm sạt lở nhỏ ở mái thượng lưu đập, đặc biệt, dù thủy điện Đăk Psi 3 đã vận hành từ năm 2010, nhưng công ty vẫn chưa đầu tư các thiết bị quan trắc theo quy định mà chỉ sử dụng duy nhất một thiết bị được gọi là “thùng chứa nước mưa đo lưu lượng” được gò bằng tôn.
Mặc dù vậy, ông Tuyên vẫn mạnh dạn: “Chủ đầu tư đã bỏ ra vài trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy, hàng năm nộp ngân sách trên 30 tỷ đồng thì việc đầu tư các thiết bị quan trắc không khó khăn gì”. Vấn đề là khi nào công ty sẽ đầu tư thì… chưa biết!
Ông Nguyễn Văn- Phó trưởng Phòng Quản lý điện năng lượng (Sở Công Thương Kon Tum): Chắc là vì chi phí cao nên tất cả các chủ đầu tư của 9/9 thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn chưa đầu tư các thiết bị quan trắc theo quy định, như: thiết bị đo chuyển vị đập, đo độ thấm nước… |
Hồ, đập thủy lợi- Cùng nỗi lo
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Lưu Hải cho biết, hiện Kon Tum có trên 520 công trình thủy lợi, trong đó có 70 hồ chứa, gần 450 đập dâng và 8 trạm bơm.
Chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão 2014, tỉnh Kon Tum thực hiện nhiều giải pháp, phương án để bảo đảm an toàn các hồ chứa, đập nước và an toàn vùng hạ du.
Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đập, hồ chứa xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du; xây dựng các biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; các địa phương rà soát, xác định các hồ chứa nước mà vùng ảnh hưởng ngập lụt ở hạ du có dân cư sinh sống hoặc có công trình hạ tầng xã hội, kinh tế, kỹ thuật quan trọng, trên cơ sở đó ưu tiên tổ chức lập phương án phòng chống lụt bão ở vùng hạ lưu.
Đối với những hồ, đập có nguy cơ mất an toàn chưa lập phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập, các đơn vị được giao quản lý, vận hành phải có cảnh báo cụ thể cho người dân tại địa bàn công trình như: Cắm biển báo hiệu công trình mất an toàn ngay tại đập; xác định và thông báo cho người dân vùng hạ du hành lang lũ quét có thể xảy ra.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết: Dù đã lên phương án, song các thủy điện vừa và nhỏ, các công trình hồ, đập thủy lợi vẫn còn nhiều lo ngại. Cụ thể, kết quả kiểm tra các hồ đập thủy lợi vừa qua cho thấy, có 20 công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp; trong đó, 7 công trình nguy cơ cao, khẩn cấp mất an toàn khi mưa lũ tới, điển hình như: Hồ chứa C5 ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy; thủy lợi Đăk P’rông và hồ Đăk Uy thuộc huyện Đăk Hà.
Theo ông Hải, để bảo đảm an toàn hồ, đập, về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp các hồ, đập, cùng với đó sẽ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thêm…