ThienNhien.Net – Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đã có hiệu lực từ ngày 20-6 nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có lộ trình để các điều, khoản trong nghị định áp dụng được trong thực tế.
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra, cho rằng với nghị định này, ngành cá tra sẽ được chú trọng hàng đầu về bảo đảm chất lượng, an toàn từ vùng nuôi, đến chế biến, xuất khẩu.
Xu hướng tất yếu
Theo đó, nghị định yêu cầu doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi phải đăng ký diện tích, sản lượng và cả hợp đồng xuất khẩu. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. “Năm 2013, tổng số diện tích nuôi cá tra đạt chứng chỉ quốc tế chưa tới 20%. Nghị định 36 đặt ra mục tiêu này nếu đạt được sẽ thích ứng với luật Farm Bill của Mỹ, là con đường nâng cao chất lượng cá tra” – ông Dũng trình bày.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ), cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, con cá tra đã vươn lên đỉnh vinh quang hơn bất kỳ cây, con nào. Từ hơn 5.000 ha nuôi trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, cá tra Việt Nam đã “bơi” ra gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về gần 2 tỉ USD mỗi năm. Xuất khẩu cá tra có lúc đóng góp khoảng 2% GDP quốc gia, tạo việc làm cho hàng chục triệu công nhân, người nuôi và lao động phụ trợ. Tuy nhiên, sau ánh hào quang của loài “đế ngư” này là cảnh bát nháo, bấp bênh, trồi sụt về mặt giá cả… Nguyên nhân được xác định là do phát triển nóng, thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm. “Lần đầu tiên một nghị định ra đời điều chỉnh hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thương phẩm, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến ngành cá tra để sắp xếp lại “đội hình”, xác lập trật tự mới, gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm. Công cụ pháp lý quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa luật chơi để các DN ứng xử và liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài” – ông Hiệp phân tích.
Cùng quan điểm, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), cho rằng nghị định 36 sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn về mặt diện tích nuôi trồng, sản lượng để tránh tình trạng cung vượt cầu như đã từng diễn ra. Cũng theo ông Bình, trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan sẽ đưa ra giá sàn xuất khẩu để giải quyết triệt để tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán phá giá trên các thị trường. Việc làm này cũng giúp cho giá cá nguyên liệu trong nước ổn định hơn theo hướng hài hòa lợi ích giữa DN với nông dân. “Đối với các DN làm ăn đàng hoàng thì không có gì phải quan ngại những quy định mới này. Bởi, đây là xu thế tất yếu của thế giới trong cuộc cạnh trạnh về chất lượng chứ không phải về giá. Do đó, giữa các DN xuất khẩu và người nuôi phải gắn kết với nhau để giữ ổn định về chất lượng cá tra từ khâu nuôi, chế biến, đến xuất khẩu. Một khi đã có giá sàn rồi thì DN nào sản xuất giỏi, tiết kiệm được chi phí sẽ thu được lợi nhuận nhiều hơn. Đây là bước đi mang tính bền vững cho nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. Hơn hết, nó giúp giữ uy tín cho cá tra Việt Nam” – ông Bình khẳng định.
Khó áp dụng ngay vào thực tế
Tuy nhiên đến nay, hầu hết các DN xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đều than khó và chưa sẵn sàng để áp dụng. Theo bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) – nghị định này đang gây nhiều khó khăn cho các DN xuất khẩu, nhất là quy định về độ ẩm, tỉ lệ mạ băng và cả việc phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra. Bà Khanh cho rằng để bảo đảm độ ẩm 83% và mạ băng không vượt quá 10% thì chắc chắn DN phải bán sản phẩm với giá cao và sẽ khó được các thị trường truyền thống chấp nhận. Đặc biệt, nếu áp đặt quy định chung này đối với tất cả sản phẩm khác làm ra từ cá tra như cá tẩm bột, chả cá… thì DN càng gặp khó khăn hơn. “Nếu chúng ta làm nóng vội, thị trường không chấp nhận sẽ gây ảnh hưởng đến xuất khẩu. Từ đó, dẫn đến rất nhiều hệ lụy như không đạt kế hoạch xuất khẩu, hàng tồn kho nhiều trong khi công nhân mất việc làm” – bà Khanh nhìn nhận.
Đồng quan điểm này, ông Doãn Tới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt (An Giang), cho rằng trong tình hình thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn như hiện nay thì một số quy định trong Nghị định 36 chưa cần thiết phải áp dụng ngay và cần có lộ trình cụ thể để DN có đủ thời gian chuẩn bị. “Về mặt lý thuyết, nghị định mới rất hay nhưng khó áp dụng ngay vào thực tế. Bởi hiện nay, giá cá tra xuất khẩu cũng như cá tra nguyên liệu đều xuống rất thấp nên cả DN và người nuôi đều gặp khó khăn. Nhiều DN tồn kho khá lớn trong khi sức tiêu thụ lại rất hạn chế. Ngoài ra, nếu áp dụng ngay Nghị định 36 đối với người nuôi cá tra thì chẳng khác nào đẩy họ ra khỏi cuộc chơi vì thiếu vốn để đầu tư theo tiêu chuẩn” – ông Tới đắn đo.
Ở ĐBSCL, nhiều hộ nuôi cá tra đang bị ngân hàng kiện ra tòa, buộc phải bán nhà đất trả nợ. Do đó, để ao cá tra của những hộ nuôi này đạt tiêu chuẩn VietGAP là điều không dễ. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu cá tra Việt Nam (VASEP), cho rằng: “Nông dân và DN thiếu vốn đã nhiều năm nay. Việc nuôi theo chuẩn VietGAP không quá khó, phần lớn những hộ nuôi nhỏ lẻ đã đạt chuẩn nhưng chưa xin giấy. Nếu hộ nuôi không tuân thủ việc này, tác hại không chỉ một mình họ mà còn cho cả những hộ khác”.
Sắp có thông tư hướng dẫn
Chiều 29/7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – khẳng định mục đích đầu tiên của Nghị định 36 là nhằm thay đổi toàn diện mặt nhận thức về ngành sản xuất cá tra đối với tất cả những người liên quan. Đây là rào cản lớn nhất và hiện có nhiều người không muốn thay đổi. Nhiều người chỉ muốn làm theo thói quen, theo ý của mình để mang lại lợi ích riêng mà không nghĩ đến lợi ích chung. Đó là lý do họ phản ứng và không muốn thay đổi. “Về tổng thể, Nghị định 36 sẽ thúc đẩy ngành thủy sản trong nước hoạt động hiệu quả hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực tế việc sản xuất, xuất khẩu ngành hàng cá tra đang có quá nhiều bất cập, cần phải chấn chỉnh, thay đổi” – ông Tuấn nói. Về vấn đề có 2 điểm trong Nghị định 36 mà DN “kêu” rất nhiều liên quan đến chất lượng là hàm ẩm và tỉ lệ mạ băng, ông Phạm Anh Tuấn lý giải: “Đúng là độ ẩm không phải là chỉ tiêu liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng việc DN nói được thị trường chấp nhận thì chưa đúng. Thị trường mà DN nói ở đây là các đối tác của họ chứ không phải người tiêu dùng cuối cùng. Nếu người tiêu dùng cuối cùng mua miếng cá về thấy nhiều nước quá, họ sẽ kêu ca và có ấn tượng không tốt. Điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cá của Việt Nam”. Còn về vấn đề hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83%, ông Tuấn cho biết bộ ghi nhận ý kiến này và sẽ đánh giá lại xem thực tế ra sao. Nếu đúng là có sự thay đổi như phía DN nói, bộ sẽ có kiến nghị để điều chỉnh. Còn khi chưa có báo cáo đánh giá lại thì DN vẫn phải nghiêm túc thực thi theo quy định tại Nghị định 36. Theo ông Phạm Anh Tuấn, hiện dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 36 đã lấy xong ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và DN. “Chúng tôi đang điều chỉnh, hoàn thiện trước khi ban hành để bảo đảm tính thông suốt. Dự tính khoảng 1-2 tuần nữa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ký ban hành thông tư này” – ông Tuấn chia sẻ. Văn Duẩn/nld.com.vn |