ThienNhien.Net – Hàng năm bão, lũ xuất hiện nhiều nơi, trong đó đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên có “mùa nước nổi” làm nhiều người lầm tưởng dư thừa nước ngọt, thế nhưng để đảm bảo và cân đối nguồn nước cả năm cho người dân, nhất là vùng nông thôn lại là vấn đề không đơn giản. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp ít nhất 60 lít nước sạch/người/ngày trở thành mục tiêu cấp bách của Chính phủ đặt ra đến năm 2015.
Hình thành thị trường nước sạch
Tại buổi giao ban trực tuyến chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cùng với biến đổi khí hậu, nước sạch và VSMTNT ngày càng bị ô nhiễm, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, vì vậy đây là chương trình có tầm quan trọng đặc biệt, gắn với chất lượng sống của người dân nông thôn.
Cùng với cái ăn, nước sạch và VSMTNT là nhu cầu cơ bản của người dân và là mục tiêu thiên niên kỷ, theo đó, không chỉ giảm hộ nghèo mà còn phải đảm bảo người dân có cuộc sống ổn định và bền vững. Hơn nữa, để đạt mục tiêu cơ bản là đất nước công nghiệp đến năm 2020 phải đáp ứng đủ 42 tiêu chí, trong đó có các tiêu chí này.
Có khá nhiều địa phương làm tốt chương trình nước sạch và VSMTNT như An Giang, Kiên Giang, Thái Bình, Hải Dương, Bình Định, Quảng Trị, Gia Lai… khi đạt hoặc vượt các chỉ tiêu. Nhưng ấn tượng nhất là TPHCM khi các chỉ tiêu vượt rất cao so với thời gian đặt ra như 100% hộ dân ngoại thành sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS), gần 98% hộ có nhà tiêu HVS; tất cả trường học và trạm xá đều có nước và nhà tiêu HVS; 95,3% hộ chăn nuôi có chuồng trại HVS và 17,6%, tương đương 3.821 hộ chăn nuôi có hầm biogas.
Toàn quốc hiện có hơn 15.000 công trình cấp nước tập trung với nhiều mô hình quản lý khác nhau như: Cộng đồng 48%, Trung tâm nước sạch và VSMTNT tỉnh 19%, tư nhân 11% UBND xã 12%, doanh nghiệp 5%, hợp tác xã 3% và ban quản lý 2%.
Trong bối cảnh nguồn nước mặt và môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, kể cả nguồn nước ngầm, đe dọa đến sức khỏe người dân nông thôn, chiến lược quốc gia nước sạch và VSMTNT do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2000 đến 2020 được xem là chương trình quốc gia mang tính xã hội cao, không chỉ cải thiện điều kiện sống người dân vùng nông thôn mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội cả nước.
Chương trình được chia làm từng giai đoạn, hiện nay là giai đoạn 2011-2015 với yêu cầu 85% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt HVS, trong đó 45% nước sạch đạt chuẩn (QCVN 02-BYT) với yêu cầu ít nhất mỗi người sử dụng 60 lít nước/ngày; 65% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 45% hộ chăn nuôi có chuồng trại HVS; và 100% trường học, trạm y tế xã đủ nước sạch và nhà tiêu HVS được quản lý, sử dụng tốt.
Sau gần 15 năm thực hiện, có thể nói chương trình đã khơi dậy và tạo thói quen sử dụng nước sạch và nhà tiêu HVS, với sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sống và sinh hoạt của người dân nông thôn.
Điều đáng mừng là đã từng bước hình thành thị trường nước sạch và VSMTNT khi bước đầu tạo môi trường thuận lợi và hành lang pháp lý để khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch và VSMTNT. Nhiều mô hình tốt của tư nhân tham gia cung cấp nước sạch nông thôn đã xuất hiện ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Có khoảng 500 hệ thống cấp nước nông thôn do khu vực tư nhân đầu tư, cấp nước cho hơn 500.000 dân.
Đặc biệt, số lượng và quy mô đầu tư các dự án khu vực tư nhân ngày càng lớn như Hà Nam có 11 doanh nghiệp; Thái Bình có chính sách đột phá hỗ trợ tư nhân theo phương thức kết quả đầu ra (hỗ trợ 3 triệu đồng/m3 công suất của nhà máy), hiện có 17 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 19 công trình cấp nước sạch với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Thu hút vốn tư nhân
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, về mặt con số, chương trình có sự tiến triển nhanh, nhưng những hạn chế vẫn chưa được khắc phục, đó là việc quản lý vận hành, đảm bảo tính bền vững, và chất lượng nước cung cấp. Vấn đề đặt ra ở đây là mức độ bền vững của các công trình ở các vùng miền có sự chênh nhau khá lớn như vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc và Nam Trung bộ có công trình hoạt động kém hay ngưng hoạt động cao hơn hẳn so với những vùng khác.
Trong bối cảnh cấp thiết khi ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét như: xâm nhập mặn, khô hạn, hay ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước, ngay cả nhu cầu người dân về nước sạch và VSMTNT ngày càng cao hơn thì việc 27% (gần 1/3) công trình hoạt động kém hiệu quả hay ngưng hoạt động là con số nhức nhối khi nói về tính bền vững của các công trình.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, yếu tố quyết định vẫn là sự quan tâm của lãnh đạo các tỉnh. Sau cái ăn (đảm bảo an ninh lương thực) là vấn đề nước ngọt, kế đến là VSMTNT.
Bên cạnh những thay đổi tích cực, vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là dân vùng núi, người dân tộc thiểu số vẫn chưa thay đổi thói quen VSMTNT, ngay cả một bộ phận lãnh đạo địa phương cũng chưa nhận thức tầm quan trọng vấn đề này. Vì vậy, cần rà soát và chấn chỉnh việc vận hành, tìm ra mô hình quản lý phù hợp và nâng cấp công trình sử dụng kém hiệu quả là ưu tiên hàng đầu thay vì đầu tư công trình mới.
Cần có chính sách phù hợp để thu hút hơn nữa vốn tư nhân tham gia vì thời gian qua việc xã hội hóa mới ở những khu vực gần TP, bởi thực tế vốn trong dân còn rất lớn. Cần có giải pháp quyết liệt hơn để đạt những mục đích đề ra trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch có vai trò quan trọng trong việc hoạch định về nguồn nước, các trạm để đảm bảo nhu cầu của người dân, là cơ sở kêu gọi sự tham gia đầu tư các thành phần kinh tế.