ThienNhien.Net – Nắng hạn kéo dài kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh đã làm cho hơn 15.000 ha lúa và hoa màu vụ hè – thu của nông dân tỉnh Quảng Trị khô quắt, đứng trước nguy cơ mất trắng hoàn toàn. Để đối phó với nắng hạn, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, các đơn vị chức năng khẩn trương tìm giải pháp chống hạn cho vụ hè-thu.
Tại thời điểm này hầu hết ruộng lúa dọc QL1A qua địa bàn huyện Vĩnh Linh đang chuyển sang màu vàng vị nắng rát. Đất ruộng và đất canh tác tại nhiều nơi của Vĩnh Linh cũng nứt nẻ, khô cong vì thiếu nước. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, hiện toàn huyện có hơn 400 héc-ta lúa bị khô hạn, trong đó hơn 200 héc-ta bị hạn nặng có nguy cơ mất trắng hoàn toàn, tập trung ở những vùng cuối kênh thủy lợi của hai xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Lâm.
Tại huyện Gio Linh, sông Cánh Hòm cung cấp nước tưới cho hơn 700 héc-ta lúa hè-thu của các xã vùng Đông huyện này đã cạn kiệt nước. Hơn một tháng nay, Xí nghiệp thủy lợi Gio Cam Hà đã phải liên tục xả nước từ hồ chứa nước Hà Thượng và Trúc Kinh về sông Cánh Hòm để cứu lúa, hoa màu nhưng nguồn nước vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu được tưới.
Những cánh đồng, đất đai canh tác dọc QL9 qua huyện Cam Lộ từ hơn 1 tháng nay cũng phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng. Trong khi ruộng đồng, sông suối cạn kiệt nguồn nước ngọt, lúa, hoa màu trở nên queo quắt, một thảm họa khác là nước mặn từ biển theo sông Hiếu xâm nhập sâu lên vùng thượng lưu, làm cho trạm bơm Bắc sông Hiếu phải ngừng hoạt động. Lúa, hoa màu ở vùng Cam Lộ vì thế đã rơi vào tình thế vô phương cứu vãn.
Tại huyện Triệu Phong, lượng nước đến từ đập Nam Thạch Hãn, hồ chứa Ái Tử đang giảm sút mạnh. Đập ngăn mặn Vĩnh Phước đã bị rò rỉ nên nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa trên địa bàn. Có mặt trên các đồng ruộng bị hạn hán mới cảm nhận được màu xanh của lúa đang dần mất đi bởi cái nóng và những trận gió Lào khủng khiếp.
Ông Nguyễn Duy Thông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý & Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Trị cho biết, để chống hạn cho vùng Đông huyện Gio Linh, Công ty đã tập trung lực lượng nạo vét sông Cánh Hòm và đang xả nước tạo nguồn đợt hai để bơm tưới cho các xã. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng như thời gian qua thì lượng nước xả xuống sông Cánh Hòm sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu bơm tưới.
Theo ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, vụ hè-thu năm nay toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được 15 ngàn héc-ta lúa. Hiện cây lúa đang ở thời kỳ kết thúc đẻ nhánh, một số nơi đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn làm đòng nhưng lượng mưa 6 tháng đầu năm chỉ đạt 30-50% so với cùng kỳ năm trước. Nắng nóng kéo dài cùng gió Lào thổi mạnh đã làm cho lượng nước ít ỏi còn lại bị bốc hơi nhanh, mực nước các hồ đập hiện rất thấp.
Bên cạnh lúa, hoa màu bị hạn hán nặng, bà con nông dân tại nhiều nơi ở Quảng Trị còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tại làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, người dân phải vất vả dùng xe kéo đi xa hàng km đến các làng bên để xin nước về sử dụng. Ở xã Gio Hòa, Gio Linh, cả xóm cùng nhau bòn mót từng gàu nước ở cái giếng sát bờ ruộng. Tại xã Vĩnh Thủy của huyện Vĩnh Linh, ngay tại xóm trung tâm xã cũng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Bà con cho biết, hàng ngày họ phải tắm giặt rất dè xẻn, vài ngày mới tắm một lần.
Tại công điện khẩn của UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các địa phương, các đơn vị chức năng khẩn trương tìm giải pháp chống hạn cho vụ hè-thu. Công điện nhấn mạnh: Đây là năm thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, không có mưa tiểu mãn, gió Lào thổi mạnh làm cho lượng nước bốc hơi nhanh. Mực nước toàn bộ các hồ phục vụ tưới cho vùng trọng điểm lúa của tỉnh sụt giảm nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Hạn hán đang diễn ra căng thẳng ở hầu hết các địa phương với cường độ cao… UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý & Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Trị phối hợp các địa phương khẩn cấp triển khai các phương án chống hạn, tưới tiết kiệm nước, chắt chiu từng gàu nước, tưới luân phiên cho các cấp kênh. Các đơn vị thủy nông cần phối hợp với các địa phương chủ động đặt máy bơm tưới hỗ trợ chống hạn, tiến hành nạo vét các sông ngòi, kênh tiêu, kênh dẫn, khơi thông dòng chảy…