ThienNhien.Net – TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng chống ngập nước nhưng cách làm như thời gian qua chỉ mới xử lý những điểm ngập cục bộ. Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn, những tháng cuối năm tình hình mưa lớn và triều cường ngày càng diễn biến phức tạp. Điều đáng lo hiện nay là tình hình sạt lở bờ sông và bờ bao ngăn triều luôn chực chờ. Trong khi đó, các dự án chống sạt lở triển khai rất chậm…
Nhiều bờ bao sắp… vỡ
Năm nào cũng được gia cố, vậy nhưng hàng loạt bờ bao ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, 12 và các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh… đang trong tình trạng “hấp hối”.
Cụ thể, quận 12 có 14 bờ bao rất yếu như bờ bao rạch Tư Hổ (từ cầu Tư Hổ đến sông Sài Gòn), rạch Láng Le, Cầu Lớn (từ sông Sài Gòn đến rạch Bảy Đề), Cầu Chợ (từ rạch Gia đến Cầu Chợ), Sơ Rơ (từ sông Đá Hàn đến cầu Thầy Hải), Rỗng Tùng (từ sông Đá Hàn đến cầu Ba Thôn), Tư Trang (từ quốc lộ 1A đến kênh Đất Sét), Rỗng Lớn (từ rạch Rồng đến cuối tuyến)…; quận Thủ Đức có 6 tuyến như rạch Gò Dưa (đoạn từ phường Linh Đông đến phường Tam Bình), rạch Đỉa (đoạn từ ngã ba Ông Giác đến ranh phường Hiệp Bình Chánh), Ông Dầu, rạch Vỏ; quận Bình Thạnh có 4 tuyến bờ bao sông Sài Gòn (đoạn từ cuối Cống Đôi đến đầu rạch Cầu Cống), bờ bao từ đầu Cầu Chùa – sông Sài Gòn – rạch cầu Ông Ngữ, bờ bao rạch Cầu Cống. Huyện Củ Chi có 9 tuyến…
Hầu hết những tuyến đê bao trên cứ gặp mưa hay triều cường thì nước lại tràn bờ, gây ngập hàng trăm hộ dân cũng như đường sá. Trong năm 2013, tại các khu vực trên đã xảy ra 35 lần nước tràn bờ gây sạt lở, bể bờ bao gây ngập úng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và tài sản của người dân.
Nguy hiểm nhất bờ bao rạch Cầu Làng, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã yếu lại còn thấp. Lòng rạch dày đặc lục bình, rác thải dồn tại các chân cầu và đầu cống gây cản trở dòng chảy. Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã xây tường gạch nhằm hạn chế nước tràn bờ nhưng bờ bao vẫn xuống cấp, nhiều đoạn bị nứt, thậm chí mục nát. Bờ bao này năm nào cũng có vài đợt bể, nước ngập nhà dân hơn 1m.
Thủ Đức có hơn 45km bờ bao, nhưng việc gia cố còn quá chậm, thậm chí bờ bao ở những nhánh sông nhỏ đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chưa được gia cố. Điều đáng nói là bờ bao ven sông ở khu vực bờ lõm khi nước triều lên và xuống dòng chảy đập thẳng vào bờ bao, có nhiều đoạn bị khoét hàm ếch.
Tại các huyện Hóc Môn, Củ Chi, tình trạng bờ bao yếu cũng đáng báo động. Dọc theo nhiều bờ bao xuất hiện hàng loạt vết nứt ngang dọc, có nơi vết nứt hở cả gang tay, một số khúc cua có nguy cơ bị vỡ; nhiều nhánh khác lỗ mọt, lỗ chuột dày đặc.
Chờ dự án
Năm 2013, có 41 dự án công trình bờ bao phòng, chống triều cường và kết hợp giao thông nông thôn được triển khai trên địa bàn 8 quận, huyện nhưng chỉ có 27 công trình hoàn thành. Còn lại đang thi công, thậm chí có 3 công trình đến nay vẫn chưa triển khai. Đáng lo là tình trạng sạt lở bờ sông, vỡ bờ bao ngăn triều thường xảy ra bất ngờ, có thể gây thiệt hại tài sản và tính mạng người dân.
Theo dự báo của các chuyên gia về khí tượng thủy văn, mùa mưa năm nay, tại khu vực Nam bộ có thể xuất hiện những cơn mưa lớn và kéo dài, lượng mưa có xu hướng ngày càng cao. Vì vậy, số vị trí có nguy cơ sạt lở ngày càng nhiều và hệ thống bờ bao khó chống chọi với mực nước triều ngày càng cao (trên 1,69m).
Trong khi đó, các công trình xây dựng bờ bao, bờ kè chống sạt lở quy mô lớn hầu hết đều thi công chậm do vướng giải tỏa đền bù, tiêu biểu như dự án bờ hữu sông Sài Gòn, dự án bờ tả sông Sài Gòn quận Thủ Đức… Nhiều địa phương còn chậm bàn giao các công trình thủy lợi sau khi hoàn thành cho đơn vị chuyên ngành quản lý, vận hành nên một số công trình chưa phát huy hết hiệu quả, mau xuống cấp…
Việc nâng cấp và gia cố bờ bao như những năm vừa qua chưa hiệu quả, thường làm theo kiểu lở đâu đắp đó, gây tốn kém. Nếu chỉ nâng cao đoạn bị ngập, nước tràn sang chỗ khác thấp hơn thì không thể chấm dứt tình trạng thủy triều lên, bờ bao bị vỡ. Các đoạn bị vỡ thường là do đơn vị thi công lấy đất từ dưới lòng rạch đắp lên, trong khi theo nguyên tắc đất dùng để đắp bờ bao phải là đất cứng.
Trong khi đó, trong mùa nắng, một số đơn vị thi công theo kiểu “làm 1 ngày, nghỉ 2-3 ngày”, khi mưa đến mới tập trung gia cố nên thường không đảm bảo được tiến độ. Mặt khác, theo quy định, trước khi thực hiện các hạng mục công trình phải có hồ sơ đầy đủ, trừ sự cố đột xuất. Trên thực tế, nhiều dự án mất cả năm, thậm chí vài năm mới được triển khai thi công do vướng thủ tục, kinh phí… nên tiến độ các dự án này nhìn chung khá chậm chạp.
Điều đáng nói, UBND TP đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các công trình đê bao sử dụng cừ nhựa uPVC trên địa bàn TP để phát huy hiệu quả ngăn triều cường, mưa lũ năm 2014.
Cụ thể, UBND quận 12 (14 công trình), UBND quận Bình Thạnh (4 công trình), UBND quận Thủ Đức (6 công trình), UBND huyện Củ Chi (9 công trình) và Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cần tập trung đẩy nhanh tiến độ; bảo đảm mốc thời gian hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt và khởi công các công trình này chậm nhất vào tháng 8 năm nay.
Đồng thời UBND các quận-huyện nói trên cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sống tại khu vực hiểu được lợi ích của việc đầu tư bờ bao phòng, chống triều cường để đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công… Thế nhưng, hầu như các công trình trên triển khai rất ì ạch, thậm chí nhiều dự án công trình còn nằm trên giấy.