ThienNhien.Net – Lạng Sơn từng được coi là trung tâm thuốc nam của vùng đông bắc Tổ quốc, cung cấp dược liệu cho cả miền bắc. Nhưng giờ đây, chính những ông lang, bà mế nơi này cũng phải rất vất vả để kiếm được đủ vị cho những bài thuốc bí truyền của mình. Tất cả chỉ vì rừng Hoàng Liên hiện không còn vết tích của những loại cây này.
Mua… tận diệt
Ở Lạng Sơn thời gian này không còn cảnh tấp nập người bán kẻ mua tại các điểm cung cấp dược liệu để bán cho thương nhân Trung Quốc như trước. Theo các “đầu nậu” thì nguồn dược liệu ở đây đã cạn. Những hậu quả của việc thu mua trước đây thì vẫn còn rất rõ.
Ông Phạm Cảnh Thăng, một dược sĩ đông y có tiếng của huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) chua chát: “Hết cả rồi! Giờ nhiều cây thuốc nam chắc chỉ có thể tìm được… trong tiêu bản mà thôi”. Vị dược sĩ có hơn 10 năm kinh nghiệm này cho biết, việc thu mua cây dược liệu của thương nhân Trung Quốc tại Lạng Sơn đã được lén lút thực hiện từ những năm 1998-2000 và rầm rộ nhất kể từ năm 2005, khi những con đường quốc lộ được mở về các vùng sâu xa của tỉnh. Điều mà ông Thăng, người cả đời gắn với những cây thuốc, cảm thấy xót xa nhất là cách mua “tận diệt” của thương nhân Trung Quốc, khiến cho vùng dược liệu một thời của Lạng Sơn trở nên “hoang tàn”.
Thương nhân Trung Quốc rất ít khi thu mua trực tiếp mà thường qua đầu nậu. Mà các đầu nậu cũng chỉ biết mua theo yêu cầu. “Có rất nhiều cây thuốc mà chúng tôi – những thầy thuốc nam – chỉ dùng lá, dùng hoa, thì người ta lại yêu cầu phải có cả rễ. Và giá mua tính theo ki-lô-gam. Trong khi người dân chỉ cần biết nhổ được cây, đào được rễ đem về bán là có tiền. Ngoài ra, mỗi đợt mua, người ta chỉ tập trung vào một số loại cây nhất định như: huyết đằng, bình vôi, sói rừng, bá bệnh… với số lượng lên tới hàng chục, hàng trăm tấn. Vì thế sức tàn phá là cực kỳ khủng khiếp” – ông Thăng ngao ngán.
Còn ông Hoàng Văn Tài (thôn Voi Xô, Hòa Thắng, Hữu Lũng) người nổi tiếng với bài thuốc bóp chữa đau nhức xương, thì chìa trước mặt tôi một khúc cây và cho biết loại này đang được thu mua ở Quảng Ninh với giá 20.000 đồng/kg. Trải qua hàng chục năm làm thuốc rồi mà ông Tài cũng không biết rõ đó là cây gì, cách dùng ra sao. “Nhiều khi chúng tôi không biết họ mua để làm gì, vì chưa ai ở đây từng dùng những cây đó để làm thuốc. Vậy mà họ lại thu mua cả cây lẫn rễ với số lượng lớn…”, ông Tài hoang mang.
Hậu quả nhãn tiền
Ông Vi Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng, Đình Lập, Lạng Sơn cho biết: Hiện tại, trên địa bàn Đồng Thắng, thương nhân Trung Quốc vẫn tổ chức thu mua cây chè rừng. Cách làm rất “hấp dẫn”: nhỏ thì 5.000 đồng/cây, to thì 8.000 đồng/kg. Vậy là cây to, cây nhỏ đều được người dân nhổ tận rễ, chặt tận gốc bán cho đầu nậu. Lý giải về cách thu mua khó hiểu này, ông Phạm Cảnh Thăng phỏng đoán: Một là họ muốn triệt nguồn dược liệu của người Việt cho những kế hoạch lâu dài. Hai là họ mua để chiết xuất những chất mà chúng ta không biết. Ông cho biết thời kỳ người Trung Quốc thu mua rùa vàng của Việt Nam, ông đã cất công tìm hiểu và phát hiện họ mua để chiết xuất A-xít Cianua (HCN) ở hai tuyến ngực của con rùa. Và chỉ những con rùa nhỏ (từ 1kg trở xuống mới có). Tuy nhiên, nhỏ to gì họ cũng mua tuốt. Sau đợt thu mua này, giống rùa vàng vốn đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam gần như tuyệt chủng tại Lạng Sơn.
Cùng một cách giải thích, thầy thuốc Nông Thảo Nguyên (Hố Mười, Minh Sơn, Hữu Lũng), người nổi tiếng khắp vùng với bài thuốc chữa tiểu đường thì hết sức lo lắng: “Họ mua để trữ, hay để diệt ngành thuốc của người Việt, hoặc còn nhiều ý đồ khác nữa, thật không hiểu nổi”. Ông kể: Từ những năm 1986-1987, người Trung Quốc đã thu mua nấm lim xanh tại Hữu Lũng. Khi đó có tin đồn họ mua để chế… thuốc bả chuột (vì khi đó mọi người vẫn cho rằng cây lim độc nên nấm lim cũng độc). Bản thân ông cũng chưa từng biết đến cách dùng hay khả năng chữa bệnh của loại nấm này. Mãi đến khi nấm lim xanh được biết đến như một “thần dược” chữa ung thư thì ở Lạng Sơn đã cạn. Đó là vì nấm lim xanh chỉ mọc trên gốc rễ của những cây lim đã chết hoặc bị đốn hạ chứ không mọc trên thân cây còn sống. Nghĩa là cả rừng lim bạt ngàn ở Hữu Lũng giờ đã như biến mất, phần vì người dân chặt cây làm nhà, bán gỗ; phần không nhỏ vì… chặt cây cho nấm mọc.
Bó tay vì… lâm sản phụ
Khi được hỏi về cách hạn chế khai thác các loại cây dược liệu, ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y huyện Hữu Lũng thở dài: “Gần như là không thể!”. Rồi ông lý giải: Hội Đông y huyện cũng đã có kiến nghị với chính quyền địa phương, nhưng khó điều chỉnh vì không có cơ sở để ngăn cấm. Ngoài một số cây được đưa vào diện cần bảo tồn, hạn chế khai thác (hoàng đằng, vằng đắng…) thì hầu hết vẫn được liệt vào dạng lâm sản phụ, người dân được quyền khai thác. Hơn nữa, trước kia việc quản lý, cấp phép cho người dân khai thác các loại lâm sản phụ (trong đó có dược liệu) thuộc thẩm quyền của UBND huyện, nên số lượng người đi khai thác dược liệu không nhiều. Chỉ từ khi Thông tư số 35 (ngày 20-5-2011) của Bộ NN&PTNT có hiệu lực, việc cấp phép khai thác dược liệu thuộc về UBND xã mới thông thoáng hơn. Vì thế rất khó kiểm soát. Nói đến chuyện này, ông Hoàng Văn Bào, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Lạng Sơn không giấu nổi nỗi lo: “Từ lâu, Hội đã nhìn ra nguy cơ mất đi nguồn dược liệu quý và cũng đã có những kiến nghị tới việc hạn chế khai thác, bán cho thương lái. Nhưng cây thuốc nam khi bị “chảy máu” thì vẫn còn thuốc tây để chữa bệnh. Vả lại, hình như việc này không ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế địa phương, nên chưa được quan tâm đúng mức”.
Tới thời điểm hiện tại, nghĩa là sau rất nhiều năm hoạt động thu mua dược liệu của thương lái Trung Quốc được thực hiện, xã vẫn chưa từng nhận được yêu cầu nào từ phía huyện, hay tỉnh về việc hạn chế hay không được mua bán cây dược liệu. Hành động được cho là có tính chất ngăn chặn nhất chỉ là một văn bản gửi xuống các khu dân cư để… vận động bà con không thu hoạch, phá hủy, buôn bán cây dược liệu. Nhưng “chắc chắn không có hiệu quả, vì với việc vào rừng chặt, nhổ, rồi đem bán như hiện nay, mỗi ngày trung bình người dân cũng kiếm được 200 – 300 nghìn đồng. Thử hỏi làm sao ngăn nổi?” – ông Thọ phân vân.
Giấc mơ về “vùng thuốc nam Việt”
“Cách tốt nhất để bảo tồn nguồn dược liệu, nguồn cây thuốc nam là phải xây dựng được một vùng thuốc nam Việt. Theo đó, mỗi vùng dược liệu sẽ gắn với một nhà máy chế biến. Mỗi địa phương sẽ gắn với một vùng nguyên liệu thế mạnh của địa phương mình. Các nhà máy sẽ thu mua một cách khoa học, có kế hoạch lâu dài và bảo đảm thu mua được hết cho người dân. Có như vậy, nguồn dược liệu mới không bị thất thoát ra nước ngoài, không bị tàn phá một cách vô tội vạ như hiện tại”. Ít ai ngờ đây là những trăn trở của một người từng có thời gian dài là… đầu mối thu mua dược liệu để bán cho thương nhân tại thành phố Lạng Sơn. “Đã từng có thời gian dài thực hiện thu mua cây dược liệu theo yêu cầu của thương lái, tôi thật sự xót xa khi nhìn thấy những loại cây thuốc của rừng Lạng Sơn ùn ùn chở sang Trung Quốc với số lượng hàng nghìn tấn. Chuyện kinh doanh là kinh doanh, nhưng bố tôi cũng làm nghề thuốc, tôi cũng là người Việt Nam, cũng là thành viên Hội Đông y Lạng Sơn, xót lắm anh ạ!” – anh Trịnh Văn Cường, người có tên tuổi trong giới thu mua dược liệu tại Lạng Sơn, chia sẻ.
Ở một cách làm khác, ông Nguyễn Công Huân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và ứng dụng tri thức thuốc nam cho biết, thời gian qua, trung tâm đã có những nghiên cứu đánh giá, tổ chức các hội thảo tuyên truyền và kêu gọi các tổ chức quốc tế trong việc lập, triển khai các dự án bảo tồn, ứng dụng nguồn cây thuốc nam. Trên thực tế, đã có một số dự án được triển khai, tuy nhiên kết quả bước đầu còn khá hạn chế.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dược liệu rộng hơn 1ha quanh nhà, ông Phạm Cảnh Thăng trầm ngâm: “Tôi biết, ngoài tôi ra cũng có nhiều thầy thuốc đã tự sưu tập, trồng các cây thuốc trong vườn nhà mình. Nhưng sức người có hạn, mà chúng tôi tuổi đều đã cao, có trồng, có giữ cũng chỉ là hạt cát so với những gì đang hằng ngày bị chở qua biên giới. Nếu chúng ta không sớm ngăn chặn thì chẳng mấy nữa sẽ không còn thuốc nam, cũng chẳng còn những ông lang, bà mế nữa”.
Trong khi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía chính quyền, các dự án bảo tồn, ứng dụng nguồn thuốc nam còn nhỏ lẻ, thì những ông lang, bà mế chỉ còn biết tự mình giúp mình. |