ThienNhien.Net – Cả nước liên tục xảy ra hiện tượng động đất, nứt đất gần các khu vực thủy điện tích nước nhưng đến nay, trừ trường hợp của thủy điện Sông Tranh 2 đã được khẳng định là nguyên nhân gây ra động đất kích thích, còn lại vẫn chưa có kết luận.
Chỉ riêng tháng 7/2014, tại Quảng Nam (khu vực thủy điện Sông Tranh 2) đã xảy ra 3 trận động đất. Tại Sơn La (gần thủy điện Sơn La và thủy điện Huội Quảng) xảy ra 4 trận động đất và tại Quảng Ngãi (gần khu vực thủy điện Đăk Đrinh) cũng xảy ra 2 trận động đất.
Sơn La có thể tiếp tục bị động đất
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, trong 2 ngày 19 và 22/7, tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La xảy ra 4 trận động đất cường độ từ 3,4- 4,3 độ Richter. Các trận động đất xảy ra trên đới đứt gãy Mường La – Bắc Yên. Đây là một trong đới đứt gãy có khả năng phát sinh động đất tại khu vực Tây Bắc, có tên trên bản đồ địa chất Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, cho biết động đất tại Sơn La là động đất kiến tạo, cường độ mạnh nhất đo được là 4,3 độRichter – cấp độ trung bình. Tuy nhiên, trên các đới đứt gãy đang hoạt động luôn có khả năng xảy ra động đất, vì thế động đất có thể tiếp tục xảy ra tại Sơn La nhưng chưa thể dự báo được mức độ nặng – nhẹ.
“Chưa có dấu hiệu liên hệ giữa động đất với các đập thủy điện nhưng không thể hoàn toàn bác bỏ khả năng này vì chúng ta vẫn thiếu dữ liệu. Muốn trả lời chính xác cần tiếp tục quan trắc xung quanh các khu vực hồ chứa để có thêm số liệu một cách liên tục, dày đặc hơn thì mới phân tích, so sánh được” – PGS-TS Phương cho biết.
GS-TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình, cho hay khi tiến hành khảo sát khu vực thủy điện Sơn La đã có nhiều tranh cãi về vấn đề động đất kích thích. “Chủ đầu tư đã chọn phương án Sơn La “thấp” (giảm chiều cao công trình) để giảm rủi ro nhưng các ý kiến tranh cãi về nguy cơ của con đập này vẫn còn khá sôi nổi. Tuy nhiên, Sơn La là một dự án thủy điện lớn, dung tích hồ chứa gần 10 tỉ m3, đập cao 230 m nên khi xảy ra sự cố sẽ gây ngập Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ.
Về nguyên tắc, khi tác động lên vỏ trái đất một trọng lực lớn chắc chắn sẽ gây ra biến dạng, thủy điện Sơn La do đó cũng đã tác động nhiều ít đến địa chất bên dưới. Vì thế, nên tiếp tục có quan trắc để đánh giá mức độ tác động này cũng như khả năng gây động đất kích thích của thủy điện Sơn La đối với các trận động đất vừa qua” – GS Tiến khuyến cáo.
Ai bỏ tiền quan trắc?
Thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai biến địa chất gắn liền với việc các hồ thủy điện – thủy lợi tích nước: động đất gần thủy điện Đăk Đrinh (Quảng Ngãi), thủy điện A Lưới (Thừa Thiên – Huế), nứt đất gần thủy điện Đồng Nai 2 (Lâm Đồng)…
Theo người dân địa phương, tai biến xảy ra khi các hồ này tích nước, còn trước đó không được ghi nhận. Thế nhưng đến nay, chỉ có thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2 được chính thức kết luận là gây ra động đất kích thích vì đây là các công trình lớn, trọng điểm, được thiết lập sớm hệ thống quan trắc. Ngay khi xảy ra động đất tại thủy điện Sông Tranh 2, hệ thống gồm 10 trạm quan trắc đã được lắp đặt tại khu vực Bắc Trà My (do chủ đầu tư thủy điện chịu chi phí) để thu thập số liệu cũng như cảnh báo động đất.
Nhìn một cách tổng thể, theo PGS-TS Phương, mạng lưới các trạm quan trắc địa chấn quốc gia vẫn còn khá thưa nên sẽ bỏ sót nhiều hiện tượng tai biến tại các địa phương. Vì thế, muốn xác định sự liên quan giữa các đập thủy điện và tai biến địa chất cần xác lập thêm các trạm quan trắc ở địa phương.
“Việc xác lập này phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của địa phương và chủ đầu tư chứ bản thân trung tâm cũng như Viện Vật lý địa cầu chỉ làm công tác nghiên cứu, cảnh báo chứ không có chức năng đầu tư” – PGS-TS Phương khẳng định.
Riêng vụ động đất gần thủy điện A Lưới vào giữa tháng 6-2014, đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu đã có chuyến khảo sát khu vực này. Động đất tại A Lưới có cường độ 4,7 độ Richter, tiêu chấn 9,5 km, gần khu vực động đất có thủy điện A Lưới, thủy điện Hương Điền, thủy điện Bình Điền và thủy điện Bitexco Tả Trạch.
Theo PGS-TS Phương, động đất tại A Lưới có nhiều dấu hiệu giống động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2. Vì thế, Viện Vật lý địa cầu đã đề xuất tỉnh Thừa Thiên – Huế cần thiết lập ngay trong năm 2014 một mạng trạm quan sát động đất địa phương; đồng thời rà soát, đánh giá công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện. Nhưng đến nay, hệ thống quan trắc này vẫn chưa được thiết lập.
Nhanh chóng thiết lập hệ thống quan trắc
Theo GS-TS Nguyễn Trường Tiến, các địa phương xảy ra tai biến địa chất nên nhanh chóng thiết lập hệ thống quan trắc để có kết luận rõ ràng, thông tin cho người dân biết chứ không nên để tình trạng người dân phập phồng vì mù mờ về nguyên nhân như hiện nay. Nếu kết quả phân tích chứng minh được mối liên hệ giữa thủy điện và tai biến địa chất thì lúc này, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả chi phí quan trắc. Về lâu dài, cần phân loại cấp độ các đập thủy điện để giao việc đánh giá lại toàn bộ thiết kế và an toàn đập thủy điện cả nước cho từng cấp quản lý. |