ThienNhien.Net – UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khai tử 100 lò gạch trên địa bàn tỉnh để chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường.
Làng gạch đặc sánh khói bụi
Tỉnh Khánh Hòa có gần 100 lò gạch nung đang hoạt động. Trong số đó, xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) được coi là vựa gạch nung của tỉnh với 54 hộ sản xuất gạch.
Số lò gạch này nằm dọc quốc lộ 26, nằm lẫn trong khu dân cư nên hàng ngày ngoài khói đen mù mịt, cả ngàn hộ dân phải sống chung với bụi đỏ bao phủ cuộn tung lên từ bánh xe chạy trên quốc lộ. Cây cỏ, vườn tược, mọi vật dụng trong nhà phủ dày bụi đỏ, muội than đen.
Gần đây, thị xã Ninh Hòa lại quy hoạch xây dựng Trường THCS Lý Thường Kiệt nằm ngay sát cạnh làng. Hiện ngôi trường này đang bị “bao vây” bởi khoảng 14 lò gạch gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.
Ngoài ra, theo báo cáo, với gần 100 lò gạch, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 100 triệu viên gạch, tiêu tốn 150.000m3 đất sét, tương ứng với hàng chục hecta đất chân ruộng bị tàn phá.
Hiện xung quanh khu vực lân cận làng gạch, việc khai thác đất sét nguyên liệu cho lò gạch gây ra vô vàn những hố sâu rất nguy hiểm.
Nhằm chấm dứt ngay tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tàn phá đất chân ruộng của quá trình hoạt động của các lò gạch, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra chỉ thị phải chấm dứt ngay hoạt động của tất cả các lò gạch thủ công tại khu vực các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Đột ngột, trắng tay
Ông Lê Văn Hải (thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, TX.Ninh Hòa) lo lắng, sau hơn 10 năm hoạt động, nay ông đã đầu tư vào cái lò gạch này hơn 1 tỷ đồng. Lộ trình dừng hoạt động các cơ sở sản xuất gạch thủ công quá gấp gáp, cuối tháng 4 người dân ở đây mới được biết thông tin thì nay đã nghe lệnh phải dừng hoạt động. “Từ đầu năm tôi đã phải đi mua dự trữ 1.000 xe đất và hàng chục tấn chất đốt cho cả năm, dừng ngay thì hàng tỷ đồng của tôi không biết bỏ đi đâu” – ông Hải nói.
Ông Lê Văn Hải: “Chủ trương lớn thì tôi ủng hộ, nhưng tôi đã mang sổ đỏ đi cầm vay ở ngân hàng để đầu tư máy móc. Nay đột ngột lệnh đóng cửa thế này thì tôi và 25 lao động của tôi phải xoay xở như thế nào đây?”. |
Ông Nguyễn Trinh – Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết: Lộ trình đóng cửa lò gạch đưa ra quá gấp gáp. Cuối năm 2013, UBND tỉnh có chỉ thị thì đến tháng 2 năm nay xã mới nhận được. Ngay lúc đó, xã lại bận triển khai việc bầu trưởng thôn nên tháng 4 xã mới triệu tập được cuộc họp với các chủ cơ sở sản xuất để triển khai.
“Dù lò gạch thủ công có gây ô nhiễm môi trường nhưng lại tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân, nên nếu chấm dứt hoạt động thì các cấp lãnh đạo cần có biện pháp hỗ trợ, chuyển đổi phương thức sản xuất hoặc chuyển đổi nghề phù hợp để làm yên lòng dân” – ông Trinh nói.
Ông Trần Công Hoán – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện thị xã Ninh Hòa đang gấp rút làm kiến nghị gửi UBND tỉnh xem xét có biện pháp hỗ trợ người dân kinh phí, chuyển đổi nghề để đóng cửa lò gạch.
Còn ông Lê Ngọc – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại đã liên hệ được với một công ty chuyên về gạch không nung trong TP.Hồ Chí Minh để tổ chức 1 buổi tập huấn cho các chủ lò gạch thủ công. Theo ông Ngọc, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại sẽ có kinh phí hỗ trợ cho cơ sở sản xuất đầu tiên ở Ninh Xuân thực hiện sản xuất gạch không nung từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.