ThienNhien.Net – Suốt chục năm qua, đại gia nước ngoài khai thác nhiều tấn vàng đưa ra nước ngoài tiêu thụ nhưng đến nay vẫn chây ì nợ kéo dài 300 tỷ tiền thuế.
Không chịu nộp hơn 300 tỷ đồng thuế, đến khi bị cưỡng chế thu hồi, đại gia khai thác vàng đã đóng cửa hai nhà máy khai thác vàng lớn nhất nước tại Quảng Nam đòi bãi bỏ lệnh cưỡng chế thu hồi thuế…
Đủ lý do nợ thuế
Tính từ năm 2013 đến nay, hai nhà máy khai thác vàng lớn nhất nước Bồng Miêu (huyện Phú Ninh) và Đắk Sa (huyện Phước Sơn), Quảng Nam đã nhiều lần đóng cửa vì lý do thiên tai bị cắt đường, nước ngập hầm lò.
Giữa tháng 7/2014, 2 nhà máy lại tuyên bố đóng cửa 2 nhà máy sau khi có các biện pháp cường chế thu hồi nợ thuế của tình Quảng Nam.
Trước đó, vì hai đơn vị khai thác vàng này đã nợ thuế lên đến 300 tỷ đồng, Cục thuế Quảng Nam ra quyết định cưỡng chế thu hồi bằng các biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng và vô hiệu hóa giá trị hóa đơn của 2 đơn vị.
Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục thuế Quảng Nam khẳng định: “Trước khi ra quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản, Cục thuế đã làm việc với công ty nhiều lần. Sau mỗi lần làm việc, doanh nghiệp đều hứa sẽ nộp thuế. Nhưng đã nhiều năm trôi qua nhưng doanh nghiệp vẫn chây ì với rất nhiều lý do, không chịu nộp thuế”. .
Ông Bốn cho biết thêm: “Đây không phải là lần đầu tiên Cục Thuế Quảng Nam cưỡng chế đối với Công ty Vàng Phước Sơn vì chây ì nộp thuế.”
Tháng 9/2013, Cục Thuế Quảng Nam đã cưỡng chế qua ngân hàng tương tự đối với Công ty Vàng Phước Sơn vì không chịu nộp khoản thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Thống kê của Cục thuế Quảng Nam cho biết: Đến thời điểm này, Công ty Vàng Phước Sơn và Công ty Vàng Bồng Miêu đang nợ gần 300 tỷ đồng tiền thuế các loại. Trong đó, Công ty Vàng Phước Sơn đang nợ 252 tỷ đồng và Công ty Vàng Bồng Miêu nợ hơn 48 tỷ đồng.
Gây sức ép với chính quyền?
Đến đầu năm 2014 số nợ thuế của Công ty Vàng Phước Sơn tiếp tục tăng, Cục thuế Quảng Nam quyết định tiến hành các biện pháp cưỡng chế để chống thất thu.
Cụ thể, ngày 28/3/2014, Cục Thuế Quảng Nam ra quyết định cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng đối với khoản nợ thuế của Công ty Vàng Phước Sơn.
Đến ngày 28/4, Cục Thuế Quảng Nam buộc phải áp dụng biện pháp tiếp theo là vô hiệu hóa giá trị hóa đơn của công ty, thông báo hóa đơn Công ty Vàng Phước Sơn không còn giá trị sử dụng.
Sau các quyết định này, trong thông cáo mới nhất hôm 23-7, Tập đoàn Besra Việt Nam chủ sở hữu hai nhà máy khai thác vàng đã thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất tại hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn do sức ép của các biện pháp cưỡng chế thuế dụng đối với hai Công ty vàng Phước Sơn và vàng Bồng Miêu từ tháng 04/ 2014 đến nay.
Tập đoàn Besra Việt Nam cho rằng không còn sự lựa chọn nào khác buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất tại mỏ vàng Bồng Miêu vào ngày 18/7/2014 và tại mỏ vàng Phước Sơn vào ngày 22/07/2014 cho đến khi các biện pháp cưỡng chế thuế được gỡ bỏ.
Không chỉ đóng cửa nhà máy gây sức ép với chính quyền địa phương, mà đại gia khai thác vàng này còn lấy hơn 1.000 công nhân bị mất việc làm để đòi yêu sách bãi bỏ cưỡng chế thuế.
Hôm 23/7. Bộ Tài nguyên – môi trường và UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp về vấn đề này trong đó khẳng định tạo các điều kiện tốt nhất để nhất để nhà máy vàng Phước Sơn hoạt động.
Tuy nhiên, ông về việc thu thuế, ông Ngô Bốn cho biết: “Việc thu thuế là áp dụng trên cơ sở sản lượng vàng bán ra của Công ty Vàng Phước Sơn. Việc Công ty không chịu nộp thuế là hết sức vô lý bởi Công ty không hề thua lỗ, không có hiện tượng mất vốn và hàng không tồn kho nhưng vẫn không nộp thuế mà còn đóng cửa nhà máy để gây sức ép là hoàn toàn không thể chấp nhận được”
Suốt chục năm qua, bình quân mỗi năm, tại 2 công ty khai thác vàng này đã khai thác nhiều tấn vàng đưa ra nước ngoài tiêu thụ. Tổng tiền thuế các loại mà công ty khai thác vàng Phước Sơn đã nộp khoảng hơn 600 tỷ đồng. Nhưng Cục Thuế Quảng Nam đã phải hoàn thuế giá trị gia tăng cho công ty này gần 300 tỷ đồng.