Lào Cai: Cần khẩn trương di dân khỏi vùng nguy hiểm

ThienNhien.Net – Theo Ban chỉ huy phòng chống lũ bão, tìm kiếm cứu nạn Lào Cai, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn trên 140 hộ dân chưa di dời theo kế hoạch sắp xếp dân cư chống lũ 2014, chậm gần 1 tháng so với kế hoạch UBND tỉnh giao.

Các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên và Sa Pa là những địa phương có số hộ dân chưa di chuyển chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh. Trong đó, Bắc Hà có 84 hộ, Bát Xát 42 hộ, Bảo Yên 30 hộ, Sa Pa 11 hộ… và một số hộ mới phát sinh. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, tuy chưa có mặt bằng tái định cư ổn định, nhưng đến thời điểm này tất cả 42 hộ dân nằm trong diện cần di chuyển đã được chính quyền tập kết về nơi an toàn, trong khi công tác san gạt mặt bằng đang được tiến hành khẩn trương để các hộ ổn định nơi ở trong thời gian sớm nhất.

Đáng quan tâm là 30 hộ ở thôn Bản Mười, xã Tân Dương (Bảo Yên) tuy đã có mặt bằng tái định cư do chủ đầu tư Công trình Thủy điện Vĩnh Hà san tạo, nhưng mặt bằng ở đây còn chưa hoàn thiện, việc đi lại, sản xuất của người dân còn gặp nhiều khó khăn khiến nhiều hộ không đồng thuận. UBND huyện Bảo Yên và lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát và đôn đốc đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện hoàn chỉnh mặt bằng và cơ sở hạ tầng khu tái định cư thủy điện xong trước ngày 30/6, nhưng đến nay công tác này vẫn chậm trễ, khiến 30 hộ dân chưa ổn định chỗ ăn ở.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, công tác di chuyển dân trước mùa mưa lũ tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt 57% theo kế hoạch, công tác giải ngân cũng gặp nhiều khó khăn mới đạt khoảng 50% số kinh phí được bố trí. Trong khi đó, khu vực Tây Bắc đã chính thức bước vào mùa mưa, khiến nhiều hộ dân hoang mang, nhất là những hộ dân vẫn đang nằm trong vùng nguy hiểm, chưa được di dời.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để tiếp tục thực hiện công tác di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân trong mọi tình huống. Các địa phương cần chủ động bố trí nguồn vốn và giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban chịu trách nhiệm bám sát địa bàn thực hiện dứt điểm trước nửa đầu tháng 8. Trường hợp không có kinh phí cần báo cáo khẩn cấp UBND tỉnh cấp bổ sung theo quy định, các cơ quan, đơn vị liên quan cần làm rõ các thủ tục nghiệp vụ, tránh làm khó cho nhân dân; kết hợp tuyên truyền với vận động, giải thích để tạo đồng thuận trong dân; nơi nào cố tình không tuân thủ, cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật.