ThienNhien.Net – Việt Nam được coi là công xưởng gỗ của thế giới, nhưng bản thân các sản phẩm chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại nội địa. Trong khi đó giá trị xuất khẩu cũng không cao do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng giá trị các sản phẩm.
Theo khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest), bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cần mua sắm đồ gỗ với khoảng 6 triệu đồng/hộ/năm. Nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh…
Tuy nhiên, với thị trường nội địa đầy tiềm năng này, các sản phẩm gỗ tại nội địa chưa đáp ứng nhu cầu nên lượng nhập khẩu còn rất lớn. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản kiêm Phó Chủ tịch CLB Lâm nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về việc tìm chỗ đứng cho các sản phẩm gỗ ngay tại nội địa.
Thưa ông, Việt Nam được coi là xưởng sản xuất gỗ của thế giới nhưng các sản phẩm gỗ sản xuất tại nội địa chưa chiếm lĩnh được thị trường. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Đúng là có thực tế ngành gỗ đang “bỏ trống sân nhà, chỉ đá sân ngoài”. Điều này không có gì đáng lo lắng, hoặc quá trầm trọng hoá vấn đề vì giao thương xuất nhập khẩu giữa các nước là bình thường. Cái gì mà mình có lợi thế cạnh tranh thì mình làm.
Cụ thể, hiện nay chúng ta xuất khẩu nhiều đồ gỗ và Việt Nam trở thành công xưởng gia công đồ gỗ cho thế giới vì chúng ta có nhân công rẻ lại có tay nghề tương đối tốt. Nhiều công ty nước ngoài đặt gia công gỗ giá rẻ và tiêu thụ nhiều các loại đồ mộc ngoài trời. Hàng sản xuất tại Việt Nam đã xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Âu…
Các mặt hàng được ưa chuộng hiện nay chủ yếu là đồ gỗ nội thất với phân khúc bình dân và ít chi tiết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hướng các nhà sản xuất nội địa về lâu dài sẽ đổi mới công nghệ sản xuất và làm ra những hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn.
Theo ông đâu là nguyên nhân chính khiến thị trường gỗ nội địa còn bị bỏ ngỏ?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Một phần là do thị hiếu khách hàng, còn một phần là do chưa có nhà phân phối lớn tại thị trường nội địa. Người tiêu dùng trong nước có thói quen sử dụng nhiều đồ mộc, đồ gỗ gắn với da và nhiều vật liệu khác hoặc đồ gỗ làm từ ván nhân tạo giá rẻ và tạo cảm giác thanh thoát hơn. Các nước đã đi trước về công nghệ nên sản xuất các sản phẩm phối hợp nhiều chất liệu ưu thế hơn Việt Nam, vì vậy các sản phẩm gỗ tiêu dùng tại nội địa chủ yếu lại là đồ nhập khẩu.
Cùng với đó, một loạt doanh nghiệp đang muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước nhưng rất khó khăn khi tìm nhà phân phối. Trong khi đó, chúng ta lại dễ dàng tìm các nhà phân phối xuất khẩu với các đơn hàng lớn hơn. Tuy nhiên, rất cần phải học hỏi cách làm của nước ngoài để có những sản phẩm chất lượng, giá thành thấp ngay tại nội địa.
Vậy, khó khăn nhất hiện nay của ngành gỗ trong sản xuất là gì, thưa ông?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Hiện chúng ta khá phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu gỗ để gia công. Chúng ta cũng đang dạng hoá nguồn nguyên liệu thông qua việc nhập khẩu gỗ từ Bắc Mỹ, Châu Âu với nhiều loại gỗ như sồi, tần bì, anh đào… Đây là nguồn gỗ vô cùng dồi dào, chất lượng đảm bảo, giá vừa phải. Ngoài ra, ở những nước này họ quản lý rừng rất tốt nên không sợ tiêu thụ và khai thác gỗ bất hợp pháp và không sợ rào cản về nguồn gốc gỗ các nước châu Âu và Mỹ.
Cái khó là lâu nay ngành gỗ vẫn theo hướng phát triển chiều rộng, sử dụng nhân công giá rẻ để cạnh tranh. Trong khi chi phí ngày một đắt đỏ thì lao động không thể sống bằng 3-4 triệu tiền lương 1 tháng. Nếu vẫn giữ mức lương như hiện nay thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhân công. Thực tế, trong Hiệp hội của chúng tôi đã có những doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao động từ miền Bắc, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh… làm cho nhà máy chế biến gỗ nghỉ Tết không quay trở lại làm việc, rất nhiều nhà máy thiếu nhân công do thu nhập thấp.
Như vậy, thách thức lớn nhất là hiện đại hoá công nghệ, làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, giá đắt hơn và trả lương cho lao động tốt hơn. Thứ hai là phải đa dạng hoá thị trường, có thị trường ổn định, chủ động, chúng ta đang đi “chợ chiều”, không có thương hiệu, chủ yếu gia công cho nước ngoài.
Thời gian tới, những rào cản kỹ thuật của EU, Mỹ, Úc bằng việc kiểm soát gỗ có xuất xứ không phạm luật rất gắt gao. Nhìn chung các nước đều muốn các nhà sản xuất chế biến mộc không được tiêu thụ gỗ bất hợp pháp, phải truy xuất được nguồn gốc và đường đi của gỗ để làm sao sản phẩm không bị rủi ro tiêu thụ gỗ bất hợp pháp. Những khó khăn này các doanh nghiệp rất cần phải hiểu rõ.
Vậy theo ông hướng giải quyết cho những khó khăn này là gì?
Ông Ngô Sỹ Hoài: Theo tôi, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, các DN, cơ sở sản xuất cần sớm khắc phục tư duy cá thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, chụp giật để hợp tác, gắn bó, chia sẻ, đảm bảo chữ tín trong kinh doanh. Cần liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề gỗ, các DN sản xuất cùng loại sản phẩm, chia sẻ thông tin thị trường, chọn một làng nghề gỗ hay một DN làng nghề gỗ đủ năng lực làm đầu đàn tổ chức, hợp tác sản xuất tạo những lô hàng lớn đảm bảo chất lượng, tìm kiếm thị trường phù hợp. Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, cùng chia sẻ lợi nhuận.
Các làng nghề chế biến gỗ nói riêng và các DN ngành chế biến gỗ nói chung cũng cần phải đẩy mạnh việc đổi mới nguyên liệu phục vụ sản xuất, đổi mới mẫu mã, thiết kế để sản phẩm làm ra ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng; cải tiến hình thức, phương pháp xúc tiến thương mại, cung cấp ngày càng nhiều thông tin về sản phẩm hơn đến người sử dụng; đồng thời cùng nhau chung tay, góp sức xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm đủ mạnh trên phạm vi cả nước…
Xin cảm ơn ông!