ThienNhien.Net – Các chuyên gia thuộc Hiệp hội động vật học Luân Đôn (ZSL), Đại học Thú y Hoàng gia (RVC), Đại học Thú y và Bảo tàng Tự nhiên Toulouse (Pháp) cho biết, các loài linh trưởng và cá sấu từ các nước trung và tây châu Phi thường xuyên xuất hiện trong hành lý các du khách tới châu Âu. Điều này thường xuyên xảy ra ở sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Paris (Pháp).
Trong vòng 17 ngày, 134 hành khách từ 29 chuyến bay đã bị cơ quan hải quan kiểm tra và hơn 50% số này mang theo cá hoặc thịt có nguồn gốc từ vật nuôi hoặc động vật hoang dã.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện có 11 loại thịt thú rừng hoặc thịt nói chung có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã, bao gồm cá sấu sông Nile Crocodylus niloticus, lợn lông đỏ Potamochoerus porcus, các loài linh trưởng, nhím và tê tê.
Điều tra cũng cho thấy, có tới 39% các loài hoang dã bị buôn lậu thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Trong khi đó, vật nuôi bao gồm cừu và bò nguyên con được đóng gói trong túi nhựa và hộp nhựa.
Trên cơ sở nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu ước tính có khoảng 5 tấn thịt thú rừng được vận chuyển qua đường hàng không trong các hành lý cá nhân hằng tuần vào châu Âu. Các chuyên gia cảnh báo buôn bán bất hợp pháp thịt thông qua hành lý như hộp nhựa tạo ra rủi ro chủ yếu đối với sức khỏe con người và có thể gây ra dịch bệnh, trong khi buôn bán thịt thú rừng cũng đồng thời đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của các loài hoang dã.
TS Anne-Lise Chaber thuộc ZSL và RVC khẳng định: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mỗi năm có chừng 270 tấn hàng hóa là thịt thú rừng độc hại và có nguồn gốc không rõ ràng được nhập khẩu không qua kiểm dịch vào các sân bay châu Âu một cách đơn lẻ. Đây chính là nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng”.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, bản chất của việc nhập khẩu cho thấy có một thị trường cao cấp về thịt kích thích việc buôn bán và không đơn thuần là nhu cầu tiêu thụ cá nhân.
TS Marcus Rowcliffe là thành viên của ZSL cho biết: “Kết quả cho thấy đây là hoạt động siêu lợi nhuận nhằm đáp ứng thị trường cao cấp: cứ 4 kg thịt khỉ có giá khoảng 100 euro ở thị trường Pháp so với giá 5 euro ở nước xuất xứ (Cameroon). Nhập khẩu thịt thú rừng tương đối dễ dàng do các nhân viên Hải quan thường không chú trọng kiểm tra việc nhập khẩu thịt bất hợp pháp khi mức thưởng thường cao hơn khi họ phát hiện ma-túy và tịch thu hàng lậu. Do đó, mức phạt đối với các đối tượng vận chuyển bất hợp pháp thịt thú rừng thường rất thấp”.