Ở trung tâm xã có vàng
ThienNhien.Net – Những cuộc săn tìm vàng chưa bao giờ có dấu hiệu ngừng nghỉ. Đâu đó ở mỗi góc rừng, đoạn suối, từng dòng người hay nhóm người vẫn mải miết đào, đãi, tìm kiếm cái thứ kim loại màu vàng đầy hấp lực. Thất bại? Lại hùng hục tìm kiếm. Thành công? Lại hừng hực, điên cuồng…
Vị khách bất ngờ
Càng về chiều, bầu trời xã Ba (H. Đông Giang, Quảng Nam) càng u ám vì những cơn mưa rừng. Là miền rừng núi nhưng xã này có hai nhà nghỉ, một mặt hậu và một mặt tiền. Xem ra từ ngày có vàng, xã Ba hơn hẳn những xã khác, nhất là cái khoản ăn và ngủ. Ghé vào nhà nghỉ mặt tiền, bà chủ quán thoáng thấy bóng khách đã đon đả: “Nghỉ ở đây là đúng rồi, cả xã có hai nhà nghỉ, nơi chị là tốt nhất, còn bên kia tệ lắm. Làm vàng hả? Giọng lạ vào đây là biết rồi. Không có việc liên quan đến vàng thì đố hòng ma nào mò đến đây”.
Lối giao tiếp đầy “quy chụp” của bà chủ làm vị khách kiểu a-ma-tơ như tôi khỏi phải lấy lý do này nọ để thăm vấn nữa. Vấn đề được vào thẳng. Bà chủ nhà nghỉ là người đã tiếp xúc với nhiều “vàng tặc” từ tướng tá đến lính tráng nên kinh nghiệm và biết nhiều chuyện ra phết. “Ở quê mà làm ăn cho sướng con à, vào đây làm gì. Mày tưởng làm vàng là nhanh có tiền sao? Vào đó chúng đánh cho trào cơm nghe chưa, nhiều thằng bị rồi đó. Ráng hết sức lực làm việc còn bị chúng đánh nữa là, trông mày thế kia thì bỏ ý định đó đi, mà chích hút, nghiện ngập thì 100%”, bà chủ tỏ ý thương cảm tôi.
Một người đàn ông quê Bắc Giang vào nhà nghỉ. Giọng nói đi trước bước chân, bảo rằng công an đang vào tận rừng sâu truy quét, cả nhóm chạy tán loạn vào rừng, cắt rừng mấy ngày mới ra được đây. “May. Chạy mỗi đứa mỗi ngả, mấy bạn vàng trốn chui trốn nhủi trong rừng. Trốn vậy thì đố hòng ai bắt được, mình còn ra đến tận đây. Mai lên Tây Giang chơi, trên đó có vài thứ hay hơn đây nhiều. Nghe bọn bạn kể rồi, tranh thủ lúc này phải đi cho bằng được,bao ngày chui nhủi ở trong rừng rồi. Tuần vừa rồi họ vào truy quét rát quá”- vị khách mới đến liến thoắng một hồi, hơi to tiếng, đến nỗi ông chủ nhà nghỉ phải lên giọng nạt- “Mày có biết đây là nơi nào không mà mạnh mồm vậy, trung tâm xã chứ không phải là trong rừng sâu đâu nghe chưa con!”.
Người về từ hang Chuột
Ngủ đêm ở Đông Giang khác hẳn Đà thành. Mát rượi bởi khí núi. Như đã hẹn trước, sáng tôi rủ người đàn ông quê Bắc Giang ra quán cà-phê nói chuyện, luôn tiện nhờ tìm giúp đứa em ở quê vào đây làm vàng mà bữa giờ không liên lạc được. Vị khách giới thiệu mình tên N, quả quyết sẽ giúp tôi vì vừa trở về từ hang Chuột, lãnh địa của vàng tại xã Tư cũng của H. Đông Giang. N. hỏi luôn miệng về đứa em “vô hình” mà tôi đã vẽ ra: “Nó tên gì, người ở đâu, “phoóc” người như thế nào… Mà làm cho chủ nào, lúc điện cho mày nó có nói là ở bãi nào không, ai là chủ của nó không”. Tôi trả lời ậm ờ rằng nó trốn nhà đi làm, chỉ nói ở Quảng Nam và đang khỏe.
Người phu vàng về từ hang Chuột thất vọng: “Mày nói thế thì đến bố tao tìm cũng không được chứ tao. Phải chục năm nữa mày mới tìm thấy em mày, nếu biết được chừng ấy tin tức”. Một sự hồ nghi dâng lên: “Tại sao công an vào truy quét mà “lực lượng” đào vàng lại lọt ra được trung tâm xã, ở nhà nghỉ và mang tiền đi chơi để thỏa những ngày cơ cực?”. Vừa rít thuốc, N. vừa chửi tôi: “Mày ngu lắm. Tao vừa về từ hang Chuột 100%. Hàng thật đó, vô sinh vô sự tao lại đi lừa mày làm gì. Chủ tao nó biết trước được truy quét, giải tán ai tìm đường nấy, hết đợt lại về”. N. còn bảo rằng làm ăn theo kiểu này nếu không có tay ngoài tay trong thì chỉ cần đưa máy móc, người ngợm vào đến cửa rừng là bị bắt rồi.
Chính vì vậy, chủ vàng nào cũng xây dựng cho mình một đội ngũ “chim cú”, nhằm báo tin. “Mày không tin sao, tay chân của chủ vàng nhiều lắm, cài cắm khắp nơi, ngay cả một đứa trẻ chăn trâu có khi là một đầu mối thông tin quan trọng. Phát hiện người lạ hay lực lượng công an vào khu vực, nó chỉ cần nhấc điện thoại, alô một tiếng là đã có vài trăm nghìn. Mà vài trăm nghìn với chủ vàng thì không vấn đề gì phải bàn cãi. Có khi mày lên miệt rừng già này tìm em, mày không nói với ai nhưng chủ vàng của tao ở trong kia đã biết rồi cũng nên”, N. tỏ ra am hiểu.
Nhấn nhá hỏi chuyện về bãi vàng, N. bảo rằng bãi vàng ở Đông Giang ngày trước nhiều lắm, ngay xã Tư người dân làm vàng trong vườn nhà mình. Nhưng các lực lượng truy quét làm gắt quá, phải tuồn vào rừng sâu, phía Tây của rừng già Bà Nà-Núi Chúa. Chủ vàng tay xách nách mang máy móc, cơm gạo, và con người vào rừng đào hút sa khoáng cả ngày cả đêm, huyên náo cả khoảng rừng.
Cùng với đó, những cái tên trời ơi đất hỡi được đặt cho từng bãi vàng: hang Chuột, hang Dơi, hang Ếch… đủ thứ hang trên đời. Cứ con vật nào đào được hang là phu vàng lại nghiễm nhiên lấy tên chúng để đặt cho quá trình đào bới của mình. Những người dân địa phương mà tôi gặp ở xã Ba, xã Tư thì ngao ngán rằng truy quét vàng tặc chứ có dẹp được nó đâu, vài ngày rồi đâu lại vào đó. Nhưng cái căn bản muốn triệt được vàng tặc thì phải tăng cường quản lý về lượng người tứ xứ đổ xô về đây và triệt được nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu cho con người và máy móc hoạt động. Có thế mới nhổ được tận gốc được.
Ông già người Cơ Tu hiền lành ngồi trong ráng chiều nhìn về cánh rừng già buồn thiu: “Truy quét thì mới cắt được ngọn thôi, cái gốc của nó càng ngày càng cắm sâu vào rừng. Nếu không nhổ chúng đi thì truy quét đến mấy cũng không diệt được”. Tôi vẫn cố gắng kiếm tìm thông tin để tiếp cận bãi vàng ở phía tây rừng già Bà Nà- Núi Chúa thuộc địa phận xã Ba, xã Tư H. Đông Giang. Đã mấy lần gặp được phu vàng cắt rừng ra trung tâm xã trong khi lực lượng ngăn cản vàng tặc giữ lại một chốt canh trên đường vào bãi vàng. N. hứa chắc như đinh đóng cột rằng nếu tôi không tự đi được, sẽ bỏ công sức đưa tôi vào đó để tìm người em của mình, nhưng phải đợi vài ngày sau chuyến “du hý” Tây Giang…