ThienNhien.Net – Voi là một biểu tượng văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên và Đắk Lắk được coi như là đất voi của Việt Nam. Trước đây, Tây Nguyên có những đàn voi lớn tung hoành dọc ngang giữa đại ngàn, giúp đồng bào Tây Nguyên giữ rừng, giữ đất, bảo vệ buôn làng. Nhưng nay, do nạn phá rừng và săn bắn voi trái phép, voi ở Tây Nguyên đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Trong những năm gần đây, do những thay đổi lớn về điều kiện tự nhiên và tác động nhiều mặt của con người đã làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên, môi trường sống của voi. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến nơi cư trú và tập tính sinh thái của voi, làm cho số lượng voi hoang dã cũng như voi nhà, trong 34 năm gần đây suy giảm nhanh chóng.
Theo nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế, loài voi tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai không xa.
Diện tích rừng bị thu hẹp do nạn chặt phá rừng trái phép khiến cho voi mất đi nơi cư trú và sinh sống. Vì vậy, những năm gần đây, ở Tây Nguyên thường xuất hiện tình trạng voi hoang dã bỏ rừng kéo về phá nương rẫy để kiếm ăn, gây nguy hại đến tài sản và tính mạng của con người, từ đó việc xung đột giữa người và voi cũng tăng theo. Điển hình như năm 2013, đàn voi rừng khoảng 17 cá thể đã kéo về cách trung tâm huyện Ea Súp 5 km.
Anh Phạm Ngọc Lãng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng voi hoang dã bị giết hại có chiều hướng tăng. Chúng tôi đã rất cố gắng kết hợp với cơ quan công an địa phương thực hiện những biện pháp ngăn chặn, nhưng lâm tặc thực hiện hành vi ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn”.
Cũng theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2009 đến nay đã có 17 cá thể voi hoang dã bị chết và hiện nay quần thể voi hoang dã còn khoảng 4 đàn với khoảng từ 60 đến 65 cá thể, sống co cụm tại khu vực rừng khộp huyện Buôn Đôn và Ea Súp.
Tình hình săn bắn voi tại tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, số vụ voi chết có liên quan đến con người ngày càng tăng. Trong tổng số 17 con voi chết từ năm 2009 đến nay đã có ít nhất 5 cá thể voi chết có nguyên nhân trực tiếp từ con người. Bằng chứng là tại hiện trường, xác voi đã mất nhiều bộ phận cơ thể như ngà, đế bàn chân và đuôi.
Vào tháng 8/2012, trong một đợt tuần tra rừng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia York Đôn đã phát hiện xác của hai cá thể voi bị giết chết để lấy ngà, hiện trường thu được 7 vỏ đạn. Qua đó có thể thấy rằng tình trạng săn bắn, giết hại voi, đặc biệt là voi đực để lấy ngà đã gây ảnh hưởng lớn đến cấu trúc bầy đàn và là một nguyên nhân gây suy giảm quần thể voi hoang dã; bởi vì do số voi đực trong đàn bị giảm thiểu dẫn tới tỷ lệ đực-cái mất cân bằng, dẫn đến việc sinh sản của voi hoang dã bị giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh tình hình săn bắn, tình trạng buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm từ voi như ngà voi, xương voi, lông đuôi voi cũng diễn ra khá nhức nhối trên thị trường. Chính điều này cũng tiếp tay cho nạn săn bắn voi trái phép diễn ra ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Đặc biệt, những năm gần đây, xuất hiện tình trạng voi nhà bị chặt trộm đuôi. Kể từ năm 2008 đến nay, đã có 3 vụ chặt trộm đuôi voi. Theo anh Nguyễn Công Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, người phụ trách công tác bảo tồn voi nhà cho biết: “Lông đuôi voi có chức năng xua đuổi ruồi muỗi, côn trùng, nếu không có nó voi rất dễ bị côn trùng tấn công gây bệnh. Vì vậy, việc chặt trộm đuôi voi để lấy lông làm các đồ mỹ nghệ mang tính tâm linh sẽ gây hại trực tiếp cho tính mạng của voi”.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, trong 34 năm (1980-2014), số lượng voi ở Đắk Lắk đã giảm khoảng 90%. Tính đến năm 1980, tại tỉnh Đắk Lắk vẫn có tất cả 502 cá thể voi nhà và còn hơn 2000 cá thể voi hoang dã. Nhưng cho đến nay số lượng voi đã là những con số “đau lòng” khi toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 53 cá thể voi nhà, 60 cho đến 65 cá thể voi hoang dã.
Thực tế trong 20 năm trở lại đây, đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk không còn sinh sản, nguyên nhân chủ yếu là do môi trường chăn thả bị thu hẹp, thiếu thức ăn, nguồn nước hạn chế trong mùa khô làm cho sức khỏe của voi giảm sút. Việc quản lý voi nhà riêng lẻ như hiện nay cũng là nguyên nhân làm mất đi khả năng sinh sản của voi nhà.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chu kỳ động đực của voi kéo dài 3 tháng, nhưng chu kỳ rụng trứng chỉ diễn ra trong vòng một ngày. Vì vậy, muốn voi đẻ thì phải ghép đôi chúng trong thời gian dài và được chăn thả trong môi trường có đủ điều kiện dinh dưỡng và kín đáo. Nói chung là rất công phu và phức tạp.