ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Để nội dung của Luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường có vai trò quan trọng bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 57 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ đã đề xuất nhiều quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; bảo vệ môi trường làng nghề; bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường…
Nhiều ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường
Về việc ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, theo dự thảo, đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ bao gồm các hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; sản xuất, kinh doanh thiết bị bảo vệ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường; đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường, công nghệ thân thiện môi trường, cơ sở thân thiện với môi trường quy định tại Danh mục hoạt động, sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ.
Theo dự thảo, hoạt động bảo vệ môi trường, sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Danh mục chỉ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định khi thực hiện dưới hình thức dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường. Máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu được nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện các dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Danh mục mới được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Quy định này chỉ áp dụng đối với những loại máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu trong nước không sản xuất được.
Dự thảo đã nêu rõ những quy định ưu đãi, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, đất đai, vốn, thuế, phí và những ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó có ưu đãi về huy động vốn đầu tư; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất, nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng; phí bảo vệ môi trường; hỗ trợ về giá, tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, nếu đáp ứng được những điều kiện cụ thể, các cơ sở xử lý chất thải, công trình xây dựng cơ sở xử lý chất thải, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường… có thể được vay vốn ưu đãi đến 70% mức đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các sản phẩm sau khi thải bỏ dễ phân huỷ trong tự nhiên; các sản phẩm từ hoạt động tái chế chất thải; sản phẩm thay thế nguyên liệu tự nhiên có lợi cho môi trường; năng lượng thu được từ việc tiêu hủy chất thải… nếu xuất khẩu có thể được miễn thuế xuất khẩu. Máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng và dụng cụ, vật liệu sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; máy móc, thiết bị chuyên dùng dùng để sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường, thiết bị ứng phó, xử lý sự cố môi trường có thể được miễn thuế nhập khẩu.
Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động như: Quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường; xây dựng các bộ phim khoa học về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; cung cấp miễn phí các dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.