Bitexco muốn quản vịnh Hạ Long 50 năm

ThienNhien.Net – Tập đoàn Bitexco đề xuất được quyền quản lý, khai thác dịch vụ du lịch tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long trong 50 năm.

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, ngày 22/7, Tập đoàn Bitexco đã báo cáo về Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long với UBND tỉnh Quảng Ninh.

Lo nhà nước mất quyền kiểm soát

Theo trang web tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Bitexco, cho hay mục tiêu của đề án là tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế và phát triển Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á. Tập đoàn đề nghị tỉnh chuyển nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong vòng 50 năm.

Đề án của Bitexco gồm 5 phần chính là hiện trạng du lịch vịnh, đề xuất phương án kinh doanh, đề xuất mô hình nhượng quyền, kế hoạch triển khai và năng lực của tập đoàn.

Di sản thế giới vịnh Hạ Long chỉ đóng góp gần 2% nguồn thu ngân sách cho tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Thế Dũng/nld.com.vn)
Di sản thế giới vịnh Hạ Long chỉ đóng góp gần 2% nguồn thu ngân sách cho tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Thế Dũng/nld.com.vn)

Trong buổi làm việc, Bitexco mới chỉ đưa ra đề án dạng ý tưởng và UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bitexco cử các chuyên gia làm việc với sở, ngành liên quan trong tỉnh nhằm làm rõ hơn các nội dung. Tuy vậy, dư luận đặc biệt quan tâm đến đề xuất này bởi việc giao một di sản thiên nhiên thế giới cho tư nhân khai thác chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), bày tỏ lo lắng về việc giao công ty tư nhân quản lý một di sản thiên nhiên thế giới có thể gây ra hệ quả khôn lường như chỉ biết khai thác, lợi nhuận mà quên đi những giá trị đích thực cũng như quyền lợi của khách du lịch. “Di sản thiên nhiên thế giới biến thành một chủ, hỏi tôi có thể yên tâm được không. Lợi ích xã hội không thể giao cho một tập đoàn mà phải là của xã hội. Tôi hết sức lo ngại!” – ông Tân nói.

Ông Tân nhấn mạnh Hạ Long chính là biểu tượng du lịch, thắng cảnh số một của Việt Nam và lo rằng “nếu giao cho tư nhân quản lý thì nhà nước có thể mất quyền kiểm soát”.

Nên chăng xã hội hóa?

Chiều 23/7, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL, cho hay Quảng Ninh không tham vấn ngành du lịch về việc này và ông cũng chưa nắm được thông tin cụ thể. Về quan điểm cá nhân, ông cho rằng nên tách bạch chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ bởi đó là 2 việc khác nhau.

“Những gì thuộc về trách nhiệm của quản lý nhà nước thì không giao cho doanh nghiệp. Còn việc tổ chức hoạt động dịch vụ, khai thác dịch vụ nên giao cho tư nhân theo nguyên tắc ai làm gì tốt hơn thì tạo điều kiện. Tuy nhiên phải quản lý, giám sát, không được làm lu mờ, mất đi vai trò của quản lý nhà nước. Việc tách biệt này sẽ phát huy vai trò các nguồn lực xã hội trong việc đầu tư và tổ chức dịch vụ” – ông Tuấn nói.

Người đứng đầu ngành du lịch nhận định lâu nay, nhà nước cứ làm thay nhiệm vụ của doanh nghiệp nên thấy khó. Ông Tuấn khẳng định: “Thay đổi điều này là thay đổi một tư duy, một quan điểm nên đụng chạm đến những lợi ích, thói quen, suy nghĩ của nhiều người”.

Dù là khu du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam nhưng nguồn thu từ vịnh Hạ Long hiện chỉ chiếm gần 2% nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2013. Đây là nguyên nhân khiến tỉnh này xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác vịnh Hạ Long, trong đó tính đến việc mời các doanh nghiệp hợp tác phát huy tiềm năng khai thác du lịch tốt hơn.

Trước thực tế này, ông Phan Đình Tân thừa nhận, đúng là còn nhiều bất cập trong quản lý hoạt động du lịch ở vịnh Hạ Long. “Nếu Quảng Ninh cảm thấy không đủ năng lực và nhân lực quản lý vịnh Hạ Long, muốn có sự tham gia của các doanh nghiệp thì nên đấu thầu vào quản lý. Việc đấu thầu này cũng phải cân nhắc vì di sản không phải món hàng, có nhiều tiền chưa chắc quản lý nổi. Xã hội hóa là giải pháp cho mọi tình huống khi kinh tế khó khăn nhưng nên thử nghiệm trong một vài khâu chứ không thể khoán trắng” – ông Tân khẳng định.