ThienNhien.Net – Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc tiếp xúc với đại diện Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ và Nhà máy xi măng Hồng Phong (Lạng Sơn) để tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề mà độc giả, cử tri quan tâm.
Cần giải quyết dứt điểm sai phạm
Ông Nguyễn Anh Thơ – Giám đốc điều hành Nhà máy xi măng Hồng Phong – cho biết, những vi phạm mà Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kết luận về quan trắc là do có thời điểm doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên các tiêu chuẩn môi trường chưa thực hiện được (!?). Hiện tượng khói bụi do nhà máy xi măng thải ra, ảnh hưởng đến đời sống người dân, phóng viên có thể quan sát bằng mắt thường tại nhiều thời điểm.
Tuy nhiên, ông Thơ giải thích, trong quá trình sản xuất, thiết bị xảy ra sự cố như rơ-le nhảy, điện áp không đủ… dẫn đến không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, gây ra khói bụi. Lỗi kỹ thuật, khách quan được ông Thơ nhấn mạnh nhiều lần khiến phóng viên đặt câu hỏi, nếu nhà máy liên tục xảy ra “lỗi kỹ thuật” như đã nói thì hậu quả là người dân phải gánh chịu? – ông Thơ đã không có câu trả lời. Còn về số tiền gần 230 triệu đồng mà doanh nghiệp phải nộp phạt, ông Thơ thừa nhận “sai thì phải nộp” nhưng cho rằng, đây là “số tiền quá ít ỏi”.
Trước những sai phạm của hai doanh nghiệp trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường; yêu cầu hai công ty trên khắc phục triệt để những sai phạm theo kết luận thanh tra. |
Bà Lương Tố Loan – Giám đốc nhân sự Công ty Bắc Bộ- cho rằng, việc cử tri kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn là những vấn đề đã xảy ra lâu. “Tại sao cử tri không kiến nghị với cơ quan chức năng ngay từ lúc sự việc xảy ra?”- bà Loan thắc mắc.
Những vi phạm về môi trường theo kết luận của Thanh tra Bộ TN&MT, điển hình như việc không chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chuyên môn, giấy phép để xử lý, theo bà Loan, đến nay công ty này vẫn chưa giải quyết. Còn những vi phạm khác, doanh nghiệp đã tạm dừng để khắc phục trong vòng 2 tháng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, Công ty Bắc Bộ bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2010. Trong quá trình sản xuất, công ty sử dụng quặng chì sau tuyển nổi, phế liệu chứa chì và bùn thải sau điện phân… để phục vụ sản xuất. Mở rộng sản xuất, công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân chì công suất 10.000 tấn/năm”. Dù nhà máy này được xây dựng từ năm 2012 và đi vào hoạt động tháng 3/2013, nhưng chưa được xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức… Ngoài ra, dù đã có Sổ Đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, nhưng chất thải nguy hại đăng ký phát sinh trong sổ không đúng quy định; công ty cũng không thực hiện đúng chương trình giám sát môi trường định kỳ.
Về quản lý chất thải nguy hại, công ty đã xây dựng một số hạng mục công trình không thuộc nội dung giấy phép quản lý chất thải nguy hại. Bên cạnh đó, khu lưu giữ và xe vận chuyển chất thải nguy hại không có biển hiệu cảnh báo, không được lắp đặt các thiết bị ứng cứu sự cố do chất thải gây ra.