ThienNhien.Net – Không chỉ bao vây Ban Quản lý dự án (QLDA) và trụ sở UBND huyện Than Uyên, người dân còn bắt cóc GĐ Ban QLDA huyện Tân Uyên làm con tin.
Những ngày cuối tháng 6/2014, hàng trăm người dân tái định cư (TĐC) của hai huyện Than Uyên và Tân Uyên kéo nhau tới bao vây Ban Quản lý dự án (QLDA) và trụ sở UBND huyện Than Uyên, bắt cóc GĐ Ban QLDA huyện Tân Uyên làm con tin, Công an tỉnh Lai Châu phải điều đội cơ động về giải vây. Đâu là nguyên nhân?
Trụ sở huyện tê liệt
Cuối tháng 6/2014, người dân TĐC hai huyện Than Uyên và Tân Uyên kéo nhau lên huyện đòi thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ di dân TĐC, trong đó có việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm.
Theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP đối với những hộ chuyển đổi nghề và tạo việc làm thì việc hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.
Ngày 2/2/2012, UBND tỉnh Lai Châu đã có Công văn số 65/UBND-TĐC đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng Nghị định 69/2009/CP đối với các hộ TĐC dự án Thuỷ điện Bản Chát, Huội Quảng.
Tại Công văn số 2526/VPCP-KTN ngày 13/4/2012, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải như sau: “UBND tỉnh Lai Châu thực hiện việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án thuỷ điện: Bản Chát, Huội Quảng theo quy định tại Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 9/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thuỷ điện Sơn La và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện Bản Chát, Huội Quảng”.
Như vậy đã rõ, việc bồi thường, hỗ trợ TĐC hai dự án Thuỷ điện Bản Chát, Huội Quảng được Chính phủ cho phép thực hiện như đối với dự án Thuỷ điện Sơn La theo Quyết định 02/2007/QĐ-TTg và các quyết định đã được Chính phủ phê duyệt mà tỉnh Lai Châu không thể làm khác.
Việc người dân TĐC huyện Than Uyên và Tân Uyên đề nghị thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP, tỉnh Lai Châu không có cơ sở để thực hiện.
Cuộc sống của người dân TĐC đều vô cùng khó khăn, họ không chỉ thiếu đất, thiếu nước SX và nước sinh hoạt mà thiếu cả không gian sống. Số tiền đền bù sau mấy năm đã tiêu hết, hầu hết những người có sức lao động đều phải đi làm thuê, họ cảm thấy như bị ai đó đánh cắp của cải và cả niềm tin ở chính cái nơi ở mới. Bởi thế chỉ cần một sự kích thích nhỏ là bùng lên sự giận dữ của cả cộng đồng.
Ông Bùi Văn Chính, Trưởng Ban QLDA huyện Than Uyên, cho hay: Sự việc người dân TĐC kéo nhau lên huyện lên tỉnh rồi về Trung ương khiếu kiện bắt đầu từ Thuỷ điện Sơn La rồi lan tới đây. Không loại trừ có ai đó đứng sau kích động…
Còn ông Nguyễn Trọng Hiệp, Bí thư Đảng bộ xã Phúc Than, huyện Than Uyên, thì cho biết: Vừa qua dân TĐC Bản Mở kéo nhau lên huyện đông nhất. Theo chúng tôi nắm được, người dân đã góp tiền cho một số người về tận Trung ương khiếu kiện.
Ngày 23 và 24/6, trụ sở UBND huyện Than Uyên bị tê liệt bởi hàng trăm người dân TĐC hai huyện Than Uyên và Tân Uyên tới bao vây Ban QLDA và trụ sở UBND, buộc họ phải “cầu cứu” tỉnh Lai Châu về giải đáp những câu hỏi của bà con. Mặc dù được giải thích nhưng bà con không nghe.
Bắt cóc giám đốc Ban QLDA
Sự việc không dừng ở đó, sáng 24/6 ông Lê Thanh Huy, GĐ Ban QLDA xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân TĐC huyện Tân Uyên, đang cùng với ông Phan Thanh Hưng, cán bộ Ban QLDA tiến hành giải quyết đơn thư khiếu nại của một số hộ ở điểm TĐC Nà Pó, Ít Pươi thì có khoảng 60-70 người ở điểm TĐC Tân Muôn kéo đến, họ xông thẳng vào chỗ ông Huy đang làm việc la hét và chửi bới. Với yêu cầu: Đo lại đất cho các hộ dân, đo bổ sung những nương rẫy mà trước đây đo thiếu…
Giữa vòng vây của mấy chục người, ông Huy không còn cách nào khác trả lời sẽ báo cáo xin ý kiến huyện. Nhưng đám đông không nghe ông Huy.
Không thể làm việc đó trước sự kích động mạnh mẽ của người dân, ông Huy không thể bước ra khỏi phòng làm việc. Một người lớn tiếng yêu cầu ông Huy viết cam kết. Khi yêu cầu đó không được đáp ứng, họ xô nhau vào, người túm quần, kẻ túm áo lôi ông Lê Thanh Huy và ông Phan Thanh Hưng ra ngoài ép hai người lên xe máy, một người ngồi đằng sau áp tải rồi phóng thẳng lên bản Tân Muôn nhốt hai người vào nhà văn hoá thôn, bên ngoài có người canh gác.
Trước tình hình đó huyện Tân Uyên đã cử ông Nguyễn Thanh Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng Công an, Ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể lên bản Tân Muôn thuyết phục người dân thả hai người mà họ đã bắt giữ trái phép. Tình hình càng trở nên căng thẳng, dân quyết không chịu thả người khi chưa nhận được bản cam kết đo lại diện tích nương rẫy mà trước đây đo thiếu.
Công an huyện không thể vào được khu vực nhà văn hoá trước hàng trăm người đang bao vây xung quanh, buộc họ phải “cầu cứu” Công an tỉnh điều Đội cơ động về giải vây. Khoảng 3 giờ chiều thì Đội cơ động từ trên tỉnh được tăng cường tới, họ phải phá cửa nhà văn hoá để đưa hai cán bộ ra.
Thế là mâu thuẫn giữa người dân và công an cơ động xảy ra. Người dân thì dùng đất đá ném vào Đội cơ động, buộc họ phải chống trả, bắn đạn khói để giải tán đám đông, rồi bắn súng chỉ thiên để thị uy.
Ông Lê Thanh Huy và Phan Thanh Hưng được công an cơ động che chắn đưa ra, nhưng che được đầu thì hở sườn, hở lưng. Ông Huy bị ném trúng ba phát vào sườn gục xuống ngất đi, còn ông Hưng thì bị ném trúng tay, Đội cơ động nhiều bị thương, xe chở Đội cơ động thì cũng bị ném vỡ tan kính, móp méo nhiều chỗ…
Chuyện chưa dừng lại
Sáng 10/7/2014, tôi lên bản Tân Muôn, sau hơn 10 ngày tình hình ở đây đã lắng dịu.
Qua tìm hiểu người dân cho biết: Chúng tôi đưa cán bộ Ban QLDA lên bản đề nghị tính toán lại cho dân, đưa diện tích nương, đồi vào sổ sách, giải ngân tiếp vì dân đang khó khăn chứ không đánh đập cán bộ Ban QLDA. Khi công an cơ động lên, họ dùng dùi cui đánh đuổi dân ra khỏi nhà văn hoá, có 5 người bị thương khiến dân tức giận mà dùng đất đá ném lại thôi…
Họ kể cho tôi nghe những người bị công an cơ động đánh bị thương là Hoàng Văn Khoài bị đánh vào đầu phải nằm viện, Hoàng Văn Xay thì bị đánh chảy máu đầu…
Tôi qua nhà Hoàng Văn Xay, ông Hoàng Văn Đón, bố của Xay, kể: Thằng Xay sinh năm 1997 thấy mọi người ra nhà văn hoá đông quá, nó cũng ra đấy xem có chuyện gì, đang đứng ở cửa thì công an cơ động tới, họ đánh luôn vào đầu nó làm nó ngã xuống đất ngất đi… Tôi ngồi một lúc thì Xay về, cậu bé cho tôi xem vết thương trên đầu vẫn còn sưng.
Chuyện chưa dừng lại ở đây, khi cuộc sống người dân TĐC còn khó khăn thì hậu TĐC còn nhiều bất ổn…