ThienNhien.Net – Các nhà máy thủy điện trên sông Ba không có khả năng cắt lũ, giảm lũ.
Quy trình vận hành liên hồ chứa mới do Thủ tướng vừa ban hành (áp dụng từ ngày 1/9) sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà thủy điện. Đó là nỗi “lo lắng” của các nhà máy thủy điện trên sông Ba và cả ngành điện lực tại cuộc làm việc giữa Bộ Công Thương với tỉnh Phú Yên về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện chiều 2/7.
Quy trình mới cũng không cắt được lũ
Ông Nguyễn Hữu Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, bày tỏ nhiều băn khoăn trước những quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa. “Lâu nay việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa chỉ giảm thiệt hại chứ hằng năm lũ vẫn gây ngập lụt rất lớn. Năm nào cũng vậy, lũ đổ xuống rất nhanh, dân chạy không kịp” – ông Trị nói. Tương tự, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng quy trình vận hành liên hồ mới cũng không thể cắt lũ cho vùng hạ du sông Ba.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xác nhận: “Các hồ chứa thủy điện chỉ có thể giảm lũ chứ không thể cắt lũ. Chúng ta không kỳ vọng quy trình mới có thể cắt lũ cho hạ du. Do đó phải chấp nhận sống chung với lũ”. Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng thừa nhận lâu nay Phú Yên luôn sống trong sự đe dọa của lũ; dù quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba đã được ban hành nhưng thực chất sẽ không cắt được lũ.
Lý giải tình trạng trên, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng), cho rằng do có độ dốc rất lớn nên lũ trên sông Ba lớn và hung dữ hơn cả sông Đà. Trong khi đó dung tích các hồ chứa nước thủy điện trên sông Ba đều nhỏ, không thể giữ nhiều nước.
Theo đại diện các nhà máy thủy điện, quy trình vận hành liên hồ mới quy định các hồ chứa thủy điện chỉ được tích nước sau lũ nên khi lũ về các hồ chứa đều phải xả và hạ du sẽ càng ngập sâu hơn. “Chúng tôi đã tính lập phương án giảm lũ cho hạ du sông Ba bằng việc xây dựng một hồ chứa có dung tích trên 400 triệu m3. Tuy nhiên, nếu xây dựng hồ chứa sẽ mất đến hơn 4.500 ha. Hơn nữa, với lũ như sông Ba thì hồ chứa này cũng không giải quyết được gì” – ông Đỗ Đức Quân cho hay.
Thủy điện lo giảm doanh thu
Một mặt thừa nhận các hồ chứa nhỏ không có khả năng cắt lũ, mặt khác đại diện EVN và các nhà máy thủy điện trên sông Ba vẫn cho rằng việc không được tích nước vào mùa lũ (khi thực hiện quy trình mới) sẽ khiến họ gặp khó khăn. Ông Trà Quang Hữu, Giám đốc Nhà máy thủy điện K’rông H’năng, than thở: “Nếu sau lũ mới cho tích nước thì không thể nào tích đủ được, sản lượng điện không đảm bảo theo mục đích dự án. Riêng nhà máy chúng tôi, doanh thu sẽ giảm 30 tỉ đồng mỗi năm. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước có cơ chế bù lỗ cho các nhà máy thủy điện”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cũng cho rằng việc thực hiện đúng quy trình mới sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà máy thủy điện. Do đó phải tính toán để vừa giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo lợi ích cho các nhà máy thủy điện! Còn ông Đỗ Đức Quân nói: “Các hồ chứa này không thể chống lũ mà chỉ có thể giảm lũ. Trong khi không chống được lũ mà dành quá nhiều dung tích để giảm lũ thì mùa kiệt sẽ thiếu nước”.
Trước lo ngại giảm doanh thu của các nhà máy thủy điện, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng lưu ý Cục Điều tiết điện lực cần xem xét kỹ. Nếu việc thực hiện quy trình mới gây thiệt hại đối với các nhà máy thủy điện thì cần xây dựng phương án bồi thường lại bằng giá điện.
Không chịu trồng lại rừng
Để xây dựng ba nhà máy thủy điện đang hoạt động trên lưu vực sông Ba là sông Hinh, Sông Ba Hạ, K’rông H’năng (tổng công suất 354 MW), tỉnh Phú Yên bị mất hơn 10.190 ha đất, phần lớn là đất nông nghiệp, đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Thế nhưng chỉ mỗi Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ trồng bù gần 13 ha rừng từ năm 2012, ngoài ra chưa có dự án nào trồng bù diện tích rừng bị mất. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do các chủ đầu tư thủy điện không có kinh nghiệm trồng rừng, chưa được giao đất để trồng rừng, phương án trồng lại rừng chưa được phê duyệt… Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện phải trồng đủ diện tích rừng theo quy định nhưng cũng không đưa ra biện pháp, mốc thời gian cụ thể. |