Nghị định thư Nagoya về ABS chính thức có hiệu lực từ 12/10/2014

ThienNhien.Net – Theo thông báo của Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học (sau đây gọi tắt là Nghị định thư Nagoya về ABS) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2014.

​Nghị định thư được thiết lập với mục tiêu chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen nhằm đóng góp cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học. Nghị định thư Nagoya về ABS lần đầu tiên chính thức điều chỉnh một số vấn đề cơ bản đảm bảo việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) được thực thi như: các định nghĩa về mục tiêu, thuật ngữ, phạm vi và mối quan hệ với các văn kiện quốc tế khác, các nguyên tắc và các yêu cầu chính về chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý khi tiếp cận nguồn gen, tri thức truyền thống, các cơ chế để thực thi bao gồm cả cơ chế chia sẻ lợi ích đa phương và cơ chế trao đổi thông tin về ABS, các biện pháp để thúc đẩy nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và hoạt động chuyển giao công nghệ về ABS. Đây được xem như những thành tựu chính trong sự phát triển về luật pháp và chính sách quốc tế về ABS.

Ảnh minh họa: inhabitat.com
Ảnh minh họa: inhabitat.com

Tính đến ngày 14 tháng 7 năm 2014, Nghị định thư Nagoya về ABS đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ phê chuẩn, gia nhập, bao gồm: Ai Cập, Ấn Độ, Albania, Belarus, Benin, Bhutan, Botswana, Burkina Faso, Burundi, Comoros, Côte D’Ivoire, Đan Mạch, Ethiopia, Fiji, Gabon, Gambia, Guatemala, Guinea Bissau, Guyana, Honduras, Hungary, Indonesia, Jordan, Kenya, Nam Phi, Namibia, Niger, Na Uy, Madagascar, Mauritius, Mexico, Mozambique, Mông Cổ, Myanmar, Lào, Liên bang Micronesia, Liên minh châu Âu (EU), Panama, Peru, Rwanda, Samoa, Seychelles, Sudan, Syria, Tây Ban Nha, Tajikistan, Thụy Sĩ, Uganda, Uruguay, Vanuatu và Việt Nam.

Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói: “Nghị định thư Nagoya rất quan trọng trong việc sử dụng công bằng và bền vững đa dạng sinh học. Tôi đánh giá cao các quốc gia thành viên đã phê chuẩn công cụ pháp lý quốc tế quan trọng này. Bằng việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới năm 2002 về Phát triển bền vững, các quốc gia nêu trên đã đóng góp đáng kể cho chương trình nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015”.

Nhận thức được tầm quan trọng phải bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn gen quý hiếm, bản địa của Việt Nam, ngày 17 tháng 3 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về việc gia nhập Nghị định thư Nagoya về ABS và ngày 23 tháng 4 năm 2014, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của Nghị định thư. Việc tham gia Nghị định thư Nagoya về ABS thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học.

Một số nội dung quan trọng đã được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2014:

1. Tổ chức phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2000-2013;

2. Xây dựng dự thảo Đề án“Tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen”;

3. Xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trình Chính phủ.

Đây là Hiệp ước quốc tế thứ 5 liên quan đến đa dạng sinh học mà Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối quốc gia, bao gồm Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Nghị định thư bổ sung Nagoya- Kualar Lumpur vể nghĩa vụ pháp lý và bồi thường đối với Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.