ThienNhien.Net – TP.HCM được ghi nhận là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước, với mức tăng bình quân từ năm 2011 – 2013 là 9,6%, tổng thu ngân sách năm 2013 đạt trên 764.000 tỷ đồng. Thế nhưng với áp lực tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến vấn đề bảo vệ môi trường là một thách thức lớn với chính quyền thành phố.
Chính quyền thành phố phải làm gì để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như trên?
Đa dạng ô nhiễm
Theo số liệu quan trắc của Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tại 150 điểm của 30 tuyến đường trung tâm thành phố, tiếng ồn ở mọi lúc, mọi nơi đều vượt mức cho phép rất nhiều lần. Những tuyến đường có mật độ giao thông cao thì hầu hết số lần đo đều cho kết quả vượt tiêu chuẩn ở mức cao, tuyến có mật độ giao thông ít hơn cũng không khả quan hơn là bao. Đáng báo động nhất, ngay cả đêm khuya, từ 22h đến 5h sáng, mức độ ồn đo được vẫn quá giới hạn gấp nhiều lần.
Kết quả quan trắc tiếng ồn của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM vừa qua cũng cho thấy, tất cả số lần đo ở 6 trạm quan trắc gồm: ngã tư An Sương (quận 12), ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp), vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), đường Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ (quận 1), vòng xoay Phú Lâm (quận Bình Tân), đường Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh (quận 7) đều cho kết quả tiếng ồn đạt tới 85 decibels (dBA), trong đó ngưỡng tiếng ồn cho phép cao nhất là 75dBA. Điểm có mức độ ồn cao nhất hiện nay là ngã tư An Sương, “thủ phạm” chủ yếu là do lượng xe tải, xe cơ giới qua lại đông gây cộng hưởng tiếng ồn quá lớn.
Ô nhiễm ánh sáng cũng là vấn đề đáng báo động đối với người dân TP.HCM. Hầu hết các tuyến đường trung tâm của thành phố đều được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng công cộng có công suất từ 100W đến 500W, đèn huỳnh quang, đèn led, đèn từ các biển hiệu quảng cáo… sáng suốt đêm. Hầu như những tuyến phố chính như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Trãi… không có bóng tối, khiến cho người dân choáng ngợp trước thứ ánh sáng đủ sắc màu mỗi khi đêm xuống.
Ánh sáng đèn điện là rất cần thiết cho cuộc sống con người nhưng tình trạng lạm dụng ánh sáng đèn chiếu sáng ở đô thị suốt ngày đêm như ở thành phố hiện rất đáng báo động. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các thành phố “không ngủ”, người dân thường mắc các chứng bệnh về thị lực, đau đầu, chóng mặt, thậm chí là mất ngủ, chán ăn, suy nhược cơ thể… Có thể nói, những cảnh báo như trên có thể nhiều người đã biết, nhưng tình trạng ô nhiễm ánh sáng ở TP.HCM vẫn không được quan tâm đúng mức.
Quản lý nguồn xả thải
Đối mặt với tình trạng này, TP.HCM đang ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hình ảnh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với hai bên bờ trồng hoa, sáng ra, chiều xuống người dân tập thể dục đang dần xóa đi ký ức một thời khiến ai đi qua cũng ái ngại.
Theo thống kê của UBND thành phố, trên địa bàn hiện có 3.300 nguồn thải của các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ nhưng mới có 1.140 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn. Trong số 3.300 nguồn thải, có khoảng 2.100 nguồn thải lưu lượng từ 10 – 30m3/ngày, 450 nguồn thải lưu lượng từ 30 – 50m3/ngày và 750 nguồn thải lưu lượng từ 50m3/ngày trở lên. Hiện đã có khoảng 80% nguồn thải có lưu lượng từ 50m3/ngày đêm được kiểm soát. Còn hơn 2.000 cơ sở chưa có hệ thống xử lý môi trường hoặc có nhưng chưa đạt chuẩn vẫn ngày đêm thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải, nước thải độc hại.
Lãnh đạo UBND TP.HCM thừa nhận, thời gian qua thành phố tập trung ưu tiên kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn, vì vậy các nguồn ô nhiễm nhỏ với lưu lượng từ 10 đến 30m3/ngày đêm chưa được kiểm soát. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; áp dụng biện pháp xử lý mạnh như tạm đình chỉ, niêm phong công đoạn sản xuất gây ô nhiễm; đình chỉ sản xuất buộc di dời đối với cơ sở tái phạm nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Bên cạnh đó, điều tra, kiểm soát và cập nhật toàn diện các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm trở lên lên bản đồ GIS (hệ thống thông tin địa lý) nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thường xuyên các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm, đồng thời thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lưu lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm trở xuống để có kế hoạch kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Đến năm 2015, các nguồn thải có lưu lượng nước thải trên 1.000 m3/ngày đêm bắt buộc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kết nối vào hệ thống quan trắc, giám sát của thành phố.
Đối với 16 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở thành phố thì hầu hết đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nên cơ bản đã được kiểm soát. Đối với 27 cụm công nghiệp được quy hoạch và xây dựng, đến nay mới có 2 cụm đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ngoài các khu công nghiệp, chế xuất, cơ sở sản xuất, dịch vụ… thành phố cũng kiểm soát việc xả thải từ các khu dân cư, quy định những dự án từ 20ha trở lên phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Theo số liệu mới nhất, hiện thành phố có 42 dự án khu dân cư có diện tích từ 20ha trở lên (10 dự án đã đi vào hoạt động), trong đó có 7 dự án đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các dự án dân cư có diện tích dưới 20ha thì đều không có hệ thống xử lý nước thải và được xả thẳng ra môi trường.
Đối với khu vực các quận trung tâm thành phố, hiện toàn bộ nước thải sinh hoạt đã được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải tập trung Bình Hưng nên đã hạn chế rất lớn việc xả thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, có một bất cập khi nhà máy này hoạt động, hầu hết các khu dân cư xung quanh đều rất bức xúc vì mùi hôi thối của bùn thải trong quá trình xử lý nước. Bùn được vớt lên từ các hồ lắng rồi phơi khô hoặc ủ để sản xuất phân bón vi sinh (phân campot) đã phát tán mùi hôi đến các khu dân cư xung quanh. Tình trạng này vẫn chưa được nhà máy xử lý triệt để.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Trong các kỳ họp của HĐND thành phố, vấn đề môi trường luôn được các cử tri và đại biểu rất quan tâm. Đa số ý kiến cho rằng thành phố là đầu tàu kinh tế cả nước, nhưng không thể đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế mà phải phát triển bền vững. Vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường được các vị lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.
Với tổng thu ngân sách năm 2013 đạt trên 764.000 tỷ đồng, thời gian qua TP.HCM đã đầu tư cả tỷ USD vào các dự án, công trình làm sạch môi trường. Có thể nói các dự án đưa vào hoạt động đang phát huy hiệu quả, phần nào làm giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt các con sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố mà trước kia là nỗi ám ảnh của người dân. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nước thải, rác thải, ô nhiễm không khí, tiếng ồn vẫn còn là nỗi khổ của hàng triệu cư dân thành phố, cần được đánh giá và đầu tư đúng mức.
Trong các giải pháp mà thành phố đang triển khai như cân đối ngân sách, phân bổ kinh phí kịp thời để thực hiện các chương trình, đề án nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường phải kể đến công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện. Việc nghiên cứu hình thức lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục ngoại khóa cho các bậc học phổ thông trên địa bàn thành phố là rất cần thiết. Các nước tiên tiến trên thế giới đã đưa giáo dục môi trường vào chương trình giáo dục từ lâu nên ý thức bảo vệ môi trường của người dân rất cao.
Việc đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục về môi trường một cách sinh động, trực quan, hiệu quả trong trường học và ở khu dân cư sẽ giúp làm cải thiện chất lượng môi trường kênh rạch, sông trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng cần nhân rộng các tổ tự quản bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả đến từng khu phố… nhất là những khu vực có đông lao động nhập cư sinh sống.
Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng chính sách kiểm soát nguyên liệu sử dụng đối với các nguồn thải, có biện pháp khuyến khích sử dụng nguyên liệu sạch; tập trung giải quyết ách tắc giao thông, tổ chức phân luồng giao thông, xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui, chuyển đổi nhiên liệu sử dụng đối với phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí.