ThienNhien.Net – Từ khi Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 (do Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư) được khởi công xây dựng đã khiến người dân thiếu nước sinh hoạt.
Giành nước của dân
Theo ông Lê Công Chính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, từ khi có Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5, đoạn sông Kôn chạy từ bờ đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 đến suối Nước Mật thường xuyên bị trơ đáy do nhà máy chặn dòng để phục vụ SX. Dòng sông một thời nước đầy ăm ắp, phục vụ đắc lực cho chăn nuôi, SXNN và sinh hoạt của người dân 2 làng O3 và Đăk Tra nay trở thành dòng sông chết.
“Họ cứ ngăn dòng suốt, nhưng khi nghe có đoàn công tác của tỉnh, huyện lên kiểm tra thì sáng sớm hôm đó xả ra để “lấy điểm”, sau đó lại tiếp tục ngăn. Đơn cử như vào ngày 8 và 9/7 vừa qua, do bức xúc nước sinh hoạt, dân làng O3 đòi lên dỡ đập thủy điện.
Nghe thông tin này, ngày 14/7 UBND xã Vĩnh Kim phải tổ chức cuộc họp khẩn yêu cầu đơn vị chủ quản giải quyết gấp để tránh tình trạng mất an ninh xảy ra. Thế nhưng khi có đoàn kiểm tra lên là họ báo cáo khác”, ông Chính bức xúc nói.
Nguồn nước sông Kôn cạn kiệt đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và SX của gần hơn 100 hộ dân ở đây. Bá Chuẩn, Bí thư Chi bộ làng Đăk Tra cho biết thêm: “Do nước sông cạn kiệt nên các mạch giếng bị đứt, nước uống cho người, gia súc bị thiếu, đời sống bà con ở đây trở nên khốn khó hơn. Trước đây đoạn sông Kôn cạnh làng nhiều nước bà con còn bắt được con cá, con ốc làm thức ăn, bây giờ đến nước cho bò uống cũng không có”.
Do mất nguồn nước ngầm, các giếng nước tại khu vực trung tâm xã Vĩnh Kim cũng bị đứt mạch, cạn khô, ô nhiễm không sử dụng được. Hơn 200 học sinh, giáo viên của Trường Tiểu học và THCS bán trú xã Vĩnh Kim cùng hàng trăm người dân ở đây phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh do thủy điện cung cấp.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Lê Công Chính, cho biết thêm: “Từ khi nhà máy đi vào vận hành, họ bơm nước từ một ao nước tù, trước đây là cửa hầm phụ tuyến đường hầm của thủy điện được chặn lại để cấp cho dân, dù nước này rất mất vệ sinh. Bởi hầm này không được xây dựng kè chắn để ngăn nước mặt chảy vào nên khi có mưa, các loại thuốc BVTV từ nương rẫy của bà con theo nguồn nước mưa trút vào đó. UBND xã đã nhiều lần làm việc với đơn vị chủ quản vấn đề này nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Vào cuối tháng 5/2014, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm. Sau khi có kết quả, đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với UBND xã Vĩnh Kim để báo cáo kết quả mẫu nước xét nghiệm là không đạt yêu cầu. Đoàn kiểm tra yêu cầu UBND xã Vĩnh Kim thông báo dân phải sử dụng nước qua bộ lọc, nhưng chỉ để tắm giặt chứ không được uống vì không đạt hóa lý theo QCVN 02:2009/BYT.
Coi thường sinh mạng người dân
Tại buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Thạnh vào cuối tuần qua, ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện, liên tục lắc đầu khi nói đến những tổn hại do Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 gây ra cho người dân xã Vĩnh Kim.
Theo ông Lại, trong quá trình thi công, đơn vị chủ quản không thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường; các bãi thải chưa được quy hoạch rõ ràng, không đảm bảo quy định. Ví như đoạn tại suối Nước Mật, theo lý luận của nhà máy là để chặn dòng nhưng thực tế là 1 bãi đổ thải. Do đó năm 2012 UBND tỉnh đình chỉ thi công để đơn vị chủ quản khắc phục.
“Mặc dù hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có nhiều nhà máy thủy điện đang hoạt động như: Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Trà Xom, Vĩnh Sơn 5…nhưng 2 năm nay không đơn vị nào thực hiện nghĩa vụ để đầu tư sửa chữa tuyến đường đi lên Vĩnh Sơn mà tỉnh đã giao cho huyện quản lý. Nếu năm nay không sửa kịp thời, để hư hỏng thêm thì tuyến đường này sẽ ngốn đến cả trăm tỷ đồng”, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh. |
Sau đó, Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn tiến hành quy hoạch lại các bãi thải, đánh giá lại tác động môi trường nhưng việc khắc phục vẫn cầm chừng. Ông Lại nêu ví dụ: “Công ty đã xúc dọn, san gạt mặt bằng các vị trí đổ thải sai quy định và gia cố mé ta luy để chống xói lở bờ sông Kôn bảo vệ làng O3 (xã Vĩnh Kim). Nhưng trong mùa mưa lũ 2013, nước lũ đã cuốn trôi, sạt lở toàn bộ bờ kè, gây xói lở vào khu dân cư làng O3 cuốn trôi 3 ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản của 3 hộ dân”.
Đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn cho rằng việc cuốn trôi 3 ngôi nhà nói trên là do lũ quá lớn. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Lại, đây là hành vi đổ vạ cho lũ. Bởi làng O3 định cư ổn định đã gần 40 năm, từng đứng vững trước nhiều trận lũ tương đương, thậm chí còn lớn hơn cơn lũ xảy ra vào tháng 11/2013, cụ thể như những trận lũ vào các năm 1984, 1996, 2002.
“Theo đánh giá của huyện, nguyên nhân chính là do việc xây dựng đập dâng thủy điện Vĩnh Sơn 5 không xây dựng kè chống xói lở sau đập, khi lũ về qua tràn tạo nên những cột sóng đập vào 2 bên bờ sông gây xói lở vào khu dân cư, cuốn trôi 3 nhà dân như đã nói trên”, ông Lại nói.
Ngay từ khi khởi công xây dựng, khi phá vỡ cây cầu để đào kênh xả nhà máy, chủ đầu tư tự ý thực hiện không báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng dù tỉnh Bình Định đã yêu cầu “Cty CP đầu tư Vĩnh Sơn thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế đoạn đường tránh qua kênh xả một cách phù hợp, gửi UBND huyện trước khi thi công…”.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Trần Quốc Lại, bức xúc: “Việc chủ đầu tư không lập hồ sơ thiết kế gửi UBND huyện tham gia, hiện đang tự ý thi công là không chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Chúng tôi đặc biệt yêu cầu đập chứa nước thủy điện Vĩnh Sơn 5 phải xả 1 lưu lượng nước nhất định xuống sông Kôn đoạn từ chân đập hồ chứa nước TĐ Vĩnh Sơn 5 xuống suối Nước Mật để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, SX của người dân”.