Khai thác gỗ lậu tiếp tay cho tội phạm và khủng bố

ThienNhien.Net – Chặt phá rừng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, từ phá hủy môi trường sống của động thực vật hoang dã tới gây suy giảm chất lượng nguồn nước, chất lượng không khí cùng nhiều hậu quả khác. Không những thế, một báo cáo mới công bố còn khẳng định hoạt động này là đang tiếp tay cho nhiều nhóm khủng bố và các mạng lưới băng nhóm tội phạm.

Theo Báo cáo The Environmental Crime Crisis (Khủng hoảng tội phạm môi trường) mới được Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) công bố thì cùng với các hoạt động phi pháp khác như săn bắn động vật hoang dã, chặt phá rừng là một trong những công cụ kiếm tiền hàng đầu của các nhóm tội phạm như Boko Haram và Al-Shabaab. Báo cáo cũng minh họa bằng câu chuyện của Charles Taylor, cựu tổng thống Liberia và đồng thời là tội phạm chiến tranh, người đã thực hiện cuộc nội chiến nhờ buôn gỗ. Tương tự, khai thác gỗ cũng “tiếp lửa” cho hoạt động của quân khủng bố Khơ Me Đỏ tại Campuchia.

Báo cáo cho biết giá trị kinh tế từ hoạt động của tội phạm môi trường, bao gồm khai thác gỗ, đánh bắt cá, khai thác khoáng sản, buôn bán động vật hoang dã và phế liệu mỗi năm khoảng 70-213 tỉ USD. Riêng hoạt động khai thác gỗ trái phép cũng có giá trị khoảng 30-100 tỉ USD mỗi năm, trong khi con số này với buôn bán động vật hoang dã là từ 7-23 tỉ USD.

Nghiêm trọng hơn, lợi nhuận từ các hoạt đoạt động bất chính này phần lớn rơi vào túi của các nhóm tội phạm có tổ chức, lực lượng phiến quân và các nhóm khủng bố, đặc biệt là tại các quốc gia châu Phi.

Thực tế là nhiều nơi trên thế giới, buôn lậu gỗ không hề bị pháp luật xử phạt nghiêm minh như tội phạm săn bắn động vật hoang dã. Không giống như buôn bán ma túy, cướp bóc hay các loại tội phạm liên quan tới động vật hoang dã, nguy cơ bị bắt và kết án của những kẻ buôn lậu gỗ khá thấp, trong khi lợi nhuận thu được là rất lớn.

Hơn nữa, nhiều khu vực xảy ra xung đột lại là các vùng giáp ranh với rừng, nơi chính phủ thường khó kiểm soát. Và buôn bán gỗ bất hợp pháp vì vậy trở thành ngành công nghiệp “theo đơn đặt hàng” của các nhóm vũ trang và tội phạm.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Cộng hòa Burundi đang chuẩn bị cho đợt chuyển quân tới Somalia nhằm chống lại quân nổi dậy Al-Shabaab.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Cộng hòa Burundi đang chuẩn bị cho đợt chuyển quân tới Somalia nhằm chống lại quân nổi dậy Al-Shabaab.

Ở nhiều khu vực châu Phi, gỗ thường bị khai thác để sản xuất than củi. Tại Tanzania, Uganda và Cộng hòa dân chủ Công gô (DRC), một số băng nhóm vũ trang thậm chí còn chặt phá rừng tại các khu bảo tồn.

Một nguồn thu nữa của các nhóm vũ trang là tiền thuế lên đến 30% giá trị hàng than củi tại các trạm thuế đặt trên các con đường bị chúng chiếm đóng. Ở CH Congo, lực lượng phiến quân kiếm được 14-50 triệu USD mỗi năm từ thuế. Ở Somalia, nhóm vũ trang Al Shabaab kiếm từ 8-18 triệu USD mỗi năm chỉ từ một trạm thu thuế ở huyện Badhadhe, vùng Lower Juba. Đây gần như là nguồn thu chính của các nhóm vũ trang.

Theo Tổ chức Global Forest Watch (GFW), Somalia mất 7.554 ha rừng mỗi năm trong giai đoạn 2001-2012, xấp xỉ bằng 0,02 % tổng diện tích đất đai của Somalia. Trong khi điều này có vẻ như không phải là một tổn thất quá lớn thì tổng lượng xuất khẩu than trái phép của Somalia ước tính từ 360 triệu đến 384 triệu USD mỗi năm.

Theo Báo cáo của UNEP, nạn phá rừng lấy than gây tổn thất khoảng 1,9 tỉ USD cho các nước này mỗi năm, trong khi đó nhu cầu về than dự kiến còn có xu hướng tăng lên trong tương lai. Đến năm 2050, Dân số châu Phi được dự đoán sẽ tăng thêm 1,1 triệu dân, và nhu cầu về than có thể tăng lên gấp 3 lần đạt 90,8 triệu tấn than mỗi năm.

Tuy nhiên, trong khi buôn bán than chỉ giới hạn trong phạm vi những quốc gia lân cận, thì bột gỗ lại có thị trường toàn cầu. 62% đến 86% lượng gỗ buôn lậu trái phép vào Mỹ và châu Âu là dưới dạng giấy, bột, và gỗ dăm. Một khi gỗ được chế biến thành bột, chỉ có phân tích sợi trong phòng thí nghiệm mới có thể tìm ra loại cây và xuất xứ. Vì vậy, để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, bột gỗ trái phép thường được trộn với gỗ trồng hợp pháp.

Hoạt động chặt phá rừng và buôn bán gỗ đã tiếp tay cho các nhóm phiến quân có vũ trang và khủng bố, giúp chúng duy trì hoạt động, trang bị vũ khí, tăng cường khả năng chiến đấu để thực hiện các chiến dịch quân sự quy mô lớn và tinh vi hơn. Nhờ vào đó, chúng chiếm giữ hệ thống đường xá, sông ngòi, hải cảng và biên giới, nơi mà thuế đem lại nguồn thu rất lớn. Điều này khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại và quyền con người bị xâm hại.

Trong khi tình hình tại châu Phi không mấy cải thiện thì bức tranh tại Mỹ La tinh có vẻ sáng sủa hơn. Kể từ khi gia tăng kiểm soát vào năm 1988, nạn chặt phá rừng đã giảm rõ rệt khoảng 64% – 78%, đạt mức giảm lớn nhất trên thế giới vào năm 2012.
Theo một nghiên cứu khoa học mới công bố, Brazil mất gần 500 000 ha rừng trong năm 2012 trong khi tỉ lệ chặt phá rừng trung bình hàng năm của Brazil là khoảng 2 triệu ha giai đoạn 1996-2005. Dữ liệu của Tổ chức GFW cho thấy từ năm 2001 đến 2013 Brazil mất 36.028.000 ha rừng, tương đương hơn 4% tổng diện tích đất đai của Brazil. Những bước tiến ấn tượng này là kết quả của sự phối hợp trong thực thi pháp luật, kết hợp với sử dụng dữ liệu hình ảnh vệ tinh và các chiến dịch hướng mục tiêu của cảnh sát, cũng như sự tham gia với quy mô lớn của các cộng đồng vào sáng kiến REDD + và các sáng kiến khác.

Từ các phân tích thực trạng, Báo cáo Khủng hoảng tội phạm môi trường đi đến kết luận bằng khẳng định về nhu cầu cấp bách cần có nhiều hơn nữa các nỗ lực và hành động. Cụ thể, các quốc gia cần thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tỉ lệ tội phạm chặt phá rừng trong dài hạn, bao gồm việc thừa nhận mối đe dọa của loại tội phạm này đối với sự phát triển bền vững, nâng cao ý thức người tiêu dùng để giảm thiểu nhu cầu, và đẩy mạnh các chương trình và quy định về cấp chứng chỉ rừng. Trong ngắn hạn, các quốc gia cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường về cả quy mô và sự phối hợp của các chiến dịch đấu tranh với tình trạng khai thác gỗ trái phép.