ThienNhien.Net – Hơn 1.400 doanh nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn TPHCM đã phải di dời vào vùng phụ cận và khu sản xuất tập trung. Tuy nhiên, vì thành phố chưa làm tốt khâu hạ tầng tiếp nhận nên đã để phát sinh nhiều khu phố ô nhiễm tự phát khác, nhất là những vùng thuộc quận huyện ngoại thành. Tình trạng này một lần nữa khiến cho người dân sống tại khu vực xung quanh hết sức bức xúc vì không thể chịu nổi chất lượng môi trường đang bị “đầu độc” nghiêm trọng. Vậy giải pháp nào có thể giải quyết triệt để tình trạng này?
Ô nhiễm “chạy” lòng vòng
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất xen cài tại các khu dân cư trong nội thành, UBND TP đã ban hành quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 8-7-2002 phê duyệt “Đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận”. Theo đó, tổng số địa điểm sản xuất gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời, chuyển đổi ngành nghề, ngưng sản xuất hoặc ngưng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm là 1.402 địa điểm.
Đến nay hầu hết các cơ sở trên đã thực hiện di dời hoặc ngừng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, chỉ còn 6/1.402 đơn vị chưa di dời. Các đơn vị chưa triển khai di dời chủ yếu do chưa tìm được khu vực quy hoạch phù hợp theo ngành nghề (2 cơ sở đóng tàu, 2 cơ sở dệt nhuộm, 1 cơ sở nước mắm, 1 cơ sở xeo giấy).
Có thể nói, bên cạnh những việc tích cực mà chương trình di dời này mang lại thì cũng tạo ra những bất cập do chưa quy hoạch, chưa xây dựng đảm bảo hạ tầng để tiếp nhận các cơ sở di dời (các cơ sở này đa phần hoạt động ngành nghề ô nhiễm nặng như nhuộm, xeo giấy, cồn, cao su…). Do đó đã hình thành một số cụm công nghiệp tự phát gây ô nhiễm môi trường như: cụm sản xuất ở khu phố 4, 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12; cụm nhuộm, phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân; dọc kênh An Hạ thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi…
Không dừng lại đó, sau khi sở họp triển khai việc thực hiện phân loại và lập danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý theo tiêu chí Thông tư 04 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 24 quận huyện trên địa bàn thành phố, đã xác định 41 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (trong đó có 18 cơ sở thuộc huyện Bình Chánh, Củ Chi, quận 12).
Chưa hết, kết quả khảo sát nguồn thải có khối lượng nước thải trên 50m³/ngày đêm cho thấy, có đến hơn 60% nguồn thải chưa đạt tiêu chuẩn quy định. Điều này cho thấy, hiện trạng nguồn thải gây ô nhiễm môi trường còn diễn biến khá phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tại nhiều khu vực, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hành vi lén lút xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, bất chấp mức xử phạt đã tăng lên rất cao.
Ưu tiên tạo điểm đến an toàn
Để giải quyết vấn đề trên từ năm 2011, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015. Mục tiêu nhằm ngăn chặn, không làm ô nhiễm môi trường tăng lên (ô nhiễm nước mặt, không khí, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại), khắc phục ô nhiễm và khôi phục môi trường những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, từng bước cải thiện chất lượng môi trường ngày càng tốt hơn.
Trong đó phấn đấu đạt mục tiêu 80% – 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn Việt Nam; 100% khu công nghiệp – khu chế xuất và cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu trên cần phải có giải pháp căn cơ và lộ trình thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong khả năng có thể, sở đã triển khai thực hiện các giải pháp như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ xen cài khu dân cư.
Tuy nhiên, theo ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, để việc giải quyết cơ sở sản xuất gây ô nhiễm một cách triệt để, tránh tình trạng đuổi doanh nghiệp chạy lòng vòng như hiện nay, cần thiết nhất phải có cơ sở hạ tầng tiếp nhận. Cơ sở hạ tầng này phải an toàn về môi trường. Thế nhưng, đáng tiếc cho đến nay yếu tố căn cơ nhất này vẫn chưa có.
Không chỉ vậy, việc thành lập “Ban chỉ đạo di dời các cơ sở nhà đất không phù hợp quy hoạch và các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” rất cần để xác định cụ thể, chính xác những đối tượng sẽ phải di dời một lần nữa, hạn chế tối đa những tổn thất cho doanh nghiệp nhưng cho đến nay ban chỉ đạo này cũng chưa được thông qua.
Theo đại diện UBND huyện Bình Tân, trước mắt có thể yêu cầu một số cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng phải tiếp nhận các ngành nghề ô nhiễm buộc di dời. Kế đến xây dựng kế hoạch lộ trình di dời theo từng đợt và rút kinh nghiệm cho những đợt di dời tiếp theo. Có như vậy mới mong từng bước khắc phục và cải thiện tình trạng doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm chạy vòng quanh địa bàn thành phố như hiện nay. Từ đó, chất lượng môi trường mới có thể bền vững.