ThienNhien.Net – Rất nhiều hồ đập nhỏ trên cả nước đang bị buông lỏng quản lý ở cấp địa phương. Đây là một nguy cơ lớn về mất an toàn hồ đập trong các mùa mưa bão.
Trao đổi về công tác đảm bảo an toàn về thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng với hàng ngàn hồ đập lớn nhỏ trên cả nước thì việc vận hành không thể chỉ trông chờ vào cấp Trung ương.
Thưa ông, hiện nay có bao nhiêu hồ đập trong diện mất an toàn?
Ông Hoàng Văn Thắng: Hiện nay các hồ đập lớn của Việt Nam đã được nâng cấp nhiều và cũng đảm bảo an toàn hơn. Tuy nhiên, có tới hơn 96% các hồ chứa ở Việt Nam có dung tích dưới 3 triệu m3 nhưng số lượng hồ chứa này được sửa chữa lại không nhiều. Số hồ có dung tích dưới 1 triệu m3 cần sửa chữa nâng cấp còn lại rất lớn, ước tính khoảng 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn.
Các hồ đập nhỏ chủ yếu được xây dựng do các hợp tác xã nông nghiệp ngày xưa, biện pháp rất thủ công nên đây là mảng chúng ta lo ngại. Hơn nữa trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay thì thời tiết cực đoan cũng bộc lộ nhiều diễn biến phức tạp, khiến nguy cơ mất an toàn hồ đập ngày càng cao hơn.
Ông có thể nói rõ hơn về những nguy cơ gây mất an toàn hồ đập trong điều kiện hiện nay?
Ông Hoàng Văn Thắng: Thống kê những năm gần đây cho thấy thời tiết cực đoan theo hướng lúc hạn thì hạn hán kéo dài, còn mưa thì mưa rất lớn. Cùng với đó là chất lượng cản nước của rừng cũng kém đi. Mặc dù tỷ lệ che phủ có tăng nhưng chất lượng cản nước của rừng có vẻ như kém đi nên mưa lũ tập trung nhanh hơn, dẫn đến những hồ chất lượng thấp lẫn những hồ có chất lượng tương đối cũng có nguy cơ mất an toàn.
Vì quy luật dòng chảy khác đi nên công tác an toàn đập cần được quan tâm hơn nữa. Chúng tôi đã thống kê hiện có 300 công trình cần cấp bách và 169 công trình cấp bách nhất xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có phương án xử lý.Thủ tướng đã có kết luận ngay trong cuộc họp đó và hiện chúng tôi đã có chương trình nâng cấp. Tuy nhiên vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập phải có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các địa phương.
Theo ông, vai trò của địa phương trong quản lý hồ đập thủy lợi hiện nay như thế nào?
Ông Hoàng Văn Thắng: Hiện cả nước có tới vài nghìn hồ đập, cấp Trung ương không quản lý hết được.
Vừa qua chúng tôi đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương. Đầu tiên là hướng dẫn về quản lý hồ và đào tạo cùng kiểm tra giám sát địa phương. Liên tiếp trong các cuộc họp đều có ý kiến với địa phương phải tăng cường vận hành, phải có người thườngg xuyên túc trực, đặc biệt là trong mùa lũ. Tôi cho đây là giải pháp rất tốt, không quá tốn kém nhưng bắt buộc phải làm.
Tôi xin nhấn mạnh là quy trình vận hành hồ chứa là rất quan trọng. Đa số các hồ chứa lớn, vừa đều có quy trình vận hành, đặc biệt là các hồ chứa có cửa van đều có quy trình nhưng các hồ nhỏ lại thiếu quy trình vận hành.
Lý do là vì hồ nhỏ không có cửa van nước đến cứ qua cửa tràn ko có vận hành gì cả nhưng hiện nay chúng tôi nói rằng đã có hồ là phải có quản lý vận hành, nên tôi đã đề xuất là có thể là quy trình đơn giản chưa đầy đủ, nhưng phải có.
Tuy nhiên, nói đến công tác thủy lợi thường người ta nói đến việc đầu tư kinh phí rất lớn. Liệu đây có phải là trở ngại chính khiến nhiều hồ đập mất an toàn như hiện nay không, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Thắng: Về vấn đề kinh phí, trước kia chúng ta khá lo lắng nhưng nhiều năm trở lại đây, Chính phủ luôn dành những khoản kinh phí lớn và rất ưu đãi cho ngành Thủy lợi. Điển hình như đầu tháng 7 này, Chính phủ đã ứng 426 tỷ đồng để tập trung hoàn thành việc sửa chữa các hạng mục của các hồ chứa còn lại trong tổng số 93 hồ chứa cấp bách đã được triển khai theo kế hoạch từ năm 2013.
Cùng với đó, các tổ chức quốc tế cũng quan tâm ủng hộ Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai và an toàn hồ đập. Ngân hàng Thế giới đã thông qua nhiều dự án như WB4, WB5 hỗ trợ để nâng cao năng lực thể chế và nâng cao an toàn trực tiếp cho các hồ đập.
Nhưng theo tôi việc chúng ta vẫn có thể làm được mà không nặng về vấn đề kinh phí, đó là nâng cao ý thức của lãnh đạo các địa phương và nhân dân cả nước về việc giữ an toàn hồ đập.
Điển hình như câu chuyện ở hồ Vực Mấu (Nghệ An) năm ngoái, chúng ta vận hành đúng vận hành đúng quy trình. 7h sáng hôm đó đã có thông báo bằng điện thoại đến địa phương; 8h sáng thông báo bằng công văn chuyển đến cơ quan địa phương, nhưng đến 19h hôm đó mưa lớn, nhiều người dân vẫn chưa biết được.
Vấn đề ở đây là hệ thống thông tin phải chấn chỉnh để khi có thông tin là phải đến được với dân ngay, đây là việc cấp phường, xã phải làm chứ không phải là chủ đập. Hiện chúng tôi cũng có quy chế bắt buộc các chủ đập phải có thông tin tại hạ lưu. Việc thông tin tới người dân ở xung quanh các hồ lớn thì tương đối tốt, rồi nhưng với gần 5.000 hồ nhỏ, nếu địa phương không vào cuộc quyết liệt thì không thể hiệu quả được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!