ThienNhien.Net – Tất cả 24 hộ di dân lên Cáp Na tái định cư đều phải tự bố trí đất SX, nghĩa là sau khi nhận tiền đền bù các hộ tự đi mua ruộng, còn ruộng Nhà nước cấp thì không thể canh tác được.
Như NNVN đã phản ánh, Những ngày cuối tháng 6/2014 hàng trăm người dân tái định cư (TĐC) công trình thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát ở hai huyện Tân Uyên và Than Uyên (Lai Châu) kéo nhau lên huyện bắt giữ giám đốc và cán bộ Ban Quản lý dự án (QLDA) huyện Tân Uyên, đòi thắt cổ Chủ tịch huyện Than Uyên…
Mới đây PV Báo NNVN đã tới tận nơi xảy ra vụ việc, điều không thể bỏ qua là cuộc sống của người dân TĐC đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến họ tức giận.
Tôi có mấy người bạn cùng học sư phạm ra trường tháng 7/1975 quê xã Tà Hừa (Than Uyên, Lai Châu), hẹn hò mãi cho tới tháng 12/2010 sau 35 năm xa cách tôi mới có dịp tới nhà mấy người bạn đó chơi.
Cắn răng đi mua ruộng
Quàng Văn Pản, nguyên Hiệu phó trường tiểu học Tà Hừa từng đứng trong đội tuyển học sinh giỏi toán của trường sư phạm là người Thái ở bản Khì trên.
Anh xin nghỉ dạy học về làm nông dân vì bệnh tật, gặp tôi anh buồn bã thở dài: Hơn 35 năm anh mới đến nhà tôi, đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi được đón anh ở bản Khì này. Cả hai bản Khì trên và Khì dưới thuộc diện phải di chuyển ra khỏi lòng hồ thuỷ điện Bản Chát, chắc chẳng còn bao lâu nữa đâu…
Hai bản Khì trên và Khì dưới thuộc diện giàu có của xã Tà Hừa, bởi người dân nơi đây có nhiều ruộng. Nhà Quàng Văn Pản là ngôi nhà sàn 5 gian với 4 hàng chân, thuộc diện lớn của bản. Anh cho biết, để làm được ngôi nhà sàn này anh phải chuẩn bị gỗ 7-8 năm trời.
Nhà anh có vườn cây ao cá, cây trái xum xuê suốt 4 mùa. Để có cơ ngơi như thế này vợ chồng và con cái anh phải trần lưng ra làm mấy chục năm mới có được. Nay phải chuyển đi thì tiếc lắm, nhưng không biết làm thế nào được.
Năm 2012, hồ thuỷ điện Bản Chát bắt đầu tích nước, tháng 6/2012 tất cả các gia đình được lệnh dỡ nhà trước khi nước ngập. Bản Khì trên có 24 hộ, trong đó có gia đình Quàng Văn Pản xin chuyển lên Cáp Na cách bản cũ 15 km.
Cuộc rời bản làng lớn nhất từ trước tới nay, bản Khì trên có hơn 100 nóc nhà hối hả dỡ nhà di chuyển. Điểm TĐC Cáp Na khi đó chưa có mặt bằng, nên 24 hộ phải làm lán ở tạm dọc tỉnh lộ 279.
Pản lắc đầu: Không thể nói hết được nỗi cơ cực khi phải rời bản sống tạm bợ trong những chiếc lán thấp lè tè, nóng như trong lò than. Ban QLDA nói rằng tháng 9 thì có mặt bằng cho dân dựng nhà, nhưng mãi tận cuối tháng 12 mới có mặt bằng.
Tôi dỡ nhà ngày 28/6/2012 nhưng đến tận 28/12/2012 mới di chuyển lên mặt bằng mới. Đúng 6 tháng ở lán chờ mặt bằng, ngoài hỗ trợ của Nhà nước theo quy định, dân kêu mãi Cty Điện lực I mới hỗ trợ 3 tháng lương thực, huyện hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 3 tháng nữa. Nhưng hai năm rồi có thấy hỗ trợ gì đâu…
Nhà Quàng Văn Pản có 4.900m2 ruộng hai vụ, trong đó có 1.700m2 ở Pắc Khoang và 2.900m2 ở bản Khì, cả hai khu ruộng mỗi năm thu trên 5 tấn lúa, chưa kể nương ngô, lúa và sắn.
Bởi thế, gia đình anh có 8 khẩu nhưng chưa năm nào thiếu ăn. Không thuộc diện giàu có của bản Khì, nhưng gia đình Pản vẫn có của ăn của để. Nay phải di chuyển, tất cả ruộng nương cùng vườn ao… gia đình anh được đền bù 420 triệu đồng, anh gửi một phần vào ngân hàng để chờ mua ruộng.
Ngoài 1.700m2 ruộng khu vực Pắc Khoang chưa bị ngập, anh dự kiến mua thêm 2.000m2 ruộng để cấy mới đủ lương thực ăn, nhưng phải chờ tới tháng 8 mới đến hạn rút tiền. Hiện gia đình anh chưa thiếu ăn do còn được hỗ trợ lương thực, nhưng lâu dài thì thiếu to. Chính vì thế mà anh phải tính chuyện mua thêm ruộng.
Hỏi ra mới hay, tất cả 24 hộ di dân lên Cáp Na đều tự bố trí đất SX, nghĩa là sau khi nhận tiền đền bù các hộ tự đi mua ruộng, còn ruộng Nhà nước cấp thì không thể canh tác được.
Điều mọi người không thể ngờ tới giá ruộng được đền bù tính ra hơn 22 triệu/sào (sào ruộng miền núi 1.000m2), nhưng giá ruộng mua hiện đang là 55 triệu đồng/sào. Thành thử hai sào ruộng đền bù không mua nổi một sào ruộng.
Pản cay đắng bảo tôi: Cũng phải cắn răng đi mua ruộng, không có ruộng thì cả nhà đói. Người dân ở đây cũng chẳng có ruộng để bán đâu, họ bảo: Các ông bà muốn mua rẻ thì ra Mường Than mà mua, ở ngoài đó chỉ 50 triệu đồng một sào thôi. Từ đây ra đó hơn 50 cây số anh à…
Hoang vắng rợn người
Theo trưởng bản Quàng Văn Thái, trong số 24 hộ TĐC thì mới có 8 hộ mua được ruộng để canh tác, 16 hộ còn lại chưa mua được ruộng, tuy nhiên trong đó một số hộ có ít ruộng trên cốt ngập và nằm rải rác trong các khe núi, khe đồi, số ruộng này cách xa nhà năng suất thấp nên các hộ đều có nhu cầu mua ruộng, nhưng người dân Cáp Na thì chẳng còn nhiều ruộng để bán. Nguy cơ các hộ thiếu ăn, tái nghèo trong tương lai là điều khó tránh khỏi.
Tôi cùng Quàng Văn Pản đi dọc điểm TĐC Cáp Na trong cái nắng hè chói chang, bản vắng teo, người lớn ra các lều lán làm ruộng nương, ở nhà chỉ có những người già và mấy đứa trẻ, bản chỉ đông đủ vào những ngày lễ ngày Tết.
Nếu so với bản Khì trước đây mà tôi đã tới thì điểm TĐC này hoang vắng đến rợn người. Pản chỉ những rãnh nước do mưa lũ xói mòn đang ăn vào đất một số ngôi nhà. Anh bảo: Điểm TĐC Cáp Na hiện chưa xây dựng đường sá, rãnh thoát nước, điện và công trình nước sinh hoạt. Chỉ mấy trận mưa đầu mùa nhiều chỗ đã sạt lở lung tung, nếu Ban QLDA không xây dựng nhanh thì một số hộ nằm trên đất mượn khó tránh khỏi sạt lở…
Đầu tháng 3 năm nay tôi đến một số bản TĐC thuộc công trình thuỷ điện Bản Chát. Tháng 1/2007 hai bản Đốc và bản Chát với 106 hộ, 547 khẩu tiến hành di dân sớm nhất để có mặt bằng xây dựng nhà máy, đường sá, bãi tập kết vật liệu, máy móc… của công trình thuỷ điện Bản Chát.
Điểm TĐC Bản Chát nằm ở ngang sườn núi thuộc xã Mường Kim sau 7 năm mà cuộc sống người dân chả khá lên được bao nhiêu. Tôi tạt qua nhà Lò Văn Dòm, lúc này chỉ có vợ ông bà Lò Thị Thi và cô con dâu Lò Thị Son ở nhà.
Bà Thi ngán ngẩm cho hay: Bảy năm gia đình tôi lên đây thì mất 14 con trâu do chết rét, chết ốm và bị mất cắp. Bây giờ không còn con trâu nào nữa rồi. Khổ quá bác ạ! Mùa cày bừa phải đi mượn nhà anh em, phải đợi mưa xuống mới có nước để cày cấy. Khi mưa xuống nhà người ta cũng phải cày bừa, khi họ cho mình mượn trâu thì đã muộn rồi. Đến khi lúa trỗ lại thiếu nước, cây lúa không có hạt đâu…
Nói rồi bà chỉ cho tôi hai bao thóc dựng ở góc nhà. Bà bốc một nắm thóc cho tôi xem, chỉ toàn hạt lép, bà buồn bã bảo: Thóc này ở bản cũ chỉ để nuôi vịt thôi, ở đây không còn gì phải để lại ăn. Thằng Lò Văn Pành, chồng con Son, ngày nào cũng phải đi làm thuê để lấy tiền nuôi cả nhà. Hôm nào tìm được việc thì có tiền mua gạo, hôm nào không có việc thì ngồi nhà thôi…
Công trình thuỷ lợi Nặm Mở có chiều dài 16 km lấy nước từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cung cấp nước cho điểm TĐC Bản Chát. Đã 7 năm trôi qua người dân mỏi mòn chờ đợi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Vào mùa cày cấy họ chỉ còn biết ngửa cổ ngóng lên trời đợi mưa, năm nay mưa muộn nên không biết đến bao giờ được cày cấy, đồng nghĩa với cái đói gay gắt đang chầu chực ngoài cửa. Một số gia đình đã tính chuyện chuyển đi nơi khác, nhưng họ chẳng biết đi nơi nào khi tiền đền bù đã hết và gạo cũng chẳng còn, tương lai đối với họ thì quá mịt mù…