ThienNhien.Net – Qua thống kê sơ bộ, bão số 2 không gây thiệt hại về người.
Sáng 19-7, sau khi đổ bộ vào phía Bắc TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), bão Thần Sấm (số 2) đã đi vào khu vực biên giới Việt – Trung rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa to ở khu vực Đông Bắc Bộ. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc là rất lớn.
Quảng Ninh: Thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng
Theo báo cáo chưa đầy đủ của UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến cuối chiều 19-7, bão số 2 gây thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng và không có thiệt hại về người. Toàn bộ tàu thuyền, hồ chứa và các tuyến đê vẫn bảo đảm an toàn, giao thông trong tỉnh vẫn thông suốt.
Qua thống kê sơ bộ, bão làm sập 6 nhà tạm (TP Móng Cái: 2, huyện Tiên Yên: 3, TP Hạ Long: 1); 97 nhà ở, nhà xưởng tại TP Móng Cái, 14 nhà dân ở huyện Hải Hà, 8 nhà ở huyện Tiên Yên bị tốc mái; khoảng 350 cây xanh ở TP Móng Cái, huyện Đàm Hà và huyện Hải Hà gãy đổ…
TP Móng Cái (Quảng Ninh) ngổn ngang sau khi bão số 2 tràn qua Ảnh: Trọng Đức
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sáng 19-7, tại cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn), do sóng to, gió mạnh nên 1 thuyền của ngư dân và 1 canô đang neo đậu đã đứt dây neo, trôi và đắm.
Ngay sau khi bão số 2 đi qua, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra thực tế tại các thôn, khu, khe, bản để xác định thiệt hại; huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có nhà bị đổ, tốc mái nhằm khắc phục hậu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các địa phương đề phòng với hoàn lưu sau bão gây ra; tiếp tục kiểm tra các khu vực xung yếu, kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; không cho người dân ra đánh cá, vớt củi, mót than trên sông suối khi mưa lũ xảy ra.
Hiện lũ trên sông Tiên Yên đang lên nhanh. Đường ở thị trấn Tiên Yên ngập sâu khoảng 1,5 m. Chính quyền địa phương đã sơ tán dân tại 9 khu phố vùng trũng ven sông lên nơi cao, đồng thời cử người canh gác tại các vị trí xung yếu.
Trưa 19-7, trong cuộc họp chỉ đạo chống bão tại TP Móng Cái, ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương – đánh giá cao sự tích cực, chủ động và quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói chung và TP Móng Cái nói riêng đã ứng phó tốt với cơn bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh tỉnh Quảng Ninh phải tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến sau cơn bão, tuyệt đối không được chủ quan; lưu ý có phương án đề phòng sạt lở đất, lũ quét do mưa lớn kéo dài, đồng thời khẩn trương khắc phục những sự cố về điện, nước, giao thông, bảo đảm các hoạt động kinh tế – xã hội và sinh hoạt của nhân dân sớm đi vào ổn định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, khẳng định đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 1 công tác ứng phó với cơn bão số 2. Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện những chỉ đạo của cấp trên, quyết liệt công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, ngoài những thiệt hại ban đầu của tỉnh Quảng Ninh, đến cuối chiều 19-7, không có thêm báo cáo nào của các địa phương khác về tình hình thiệt hại do bão số 2 gây ra.
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất
Sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, bão số 2 đã gây mưa to đến rất to ở khu vực các tỉnh Bắc Bộ. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, cuối chiều 19-7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở các huyện Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 8-9; Bắc Sơn có gió giật mạnh cấp 8; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật mạnh cấp 9; TP Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 8; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió giật mạnh cấp 8.
Khu vực phía Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50 -100 mm. Một số nơi có mưa lớn hơn như Mẫu Sơn 308 mm, Đình Lập (Lạng Sơn) 154 mm, Móng Cái 156 mm, Tiên Yên (Quảng Ninh) 108 mm, Sơn Động (Bắc Giang) 141 mm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Ở Quảng Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có gió giật mạnh cấp 7-8. Các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương cho biết từ nay đến ngày 22-7, trên hệ thống sông Hồng tại Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-6 m, ở hạ lưu từ 2-4 m.
Trong đợt lũ này, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng lên mức báo động 1; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2, hạ lưu tại Phả Lại có khả năng lên trên mức báo động 1 (4 m); sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên 5,5 m. Các sông nhỏ vùng núi phía Bắc và Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cảnh báo cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Đông Bắc.
Trong đó, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất cao là tỉnh Bắc Kạn (gồm các huyện: Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông, thị xã Bắc Kạn), tỉnh Cao Bằng (gồm các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc), tỉnh Lạng Sơn (gồm các huyện: Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình và Cao Lộc), tỉnh Quảng Ninh (gồm các huyện: Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu), tỉnh Hà Giang (gồm các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Yên Minh, Bắc Mê, TP Hà Giang), tỉnh Lào Cai (gồm các huyện: Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa), tỉnh Yên Bái (gồm các huyện: Mù Căng Chải, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, TP Yên Bái), tỉnh Lai Châu (gồm các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ và Tam Đường).
Cần di dời 18.546 hộ/ 25.705 ngườiThực hiện Công điện số 1245/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các công điện số 05, 06/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, các tỉnh miền núi phía Bắc đã rà soát và có kế hoạch di dời dân cư tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối.
Tổng số dân di dời theo kế hoạch là 18.546 hộ/25.705 người. Các tỉnh đã di dời 324 hộ/604 người (Sơn La: 26 hộ/112 người, Điện Biên: 2 hộ/10 người, Cao Bằng: 2 hộ, Lai Châu: 23 hộ/132 người, Hòa Bình: 67 hộ/350 người, Lào Cai: 204 hộ). |