ThienNhien.Net – Hàng loạt các cơ sở chế biến bột giấy, tăm đũa dọc tuyến sông Mã (đoạn từ xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đi xã Vạn Mai (Hoà Bình) đang mặc sức xả thải ra gây ô nhiễm trầm trọng với tuyến sông này. Không dừng lại ở đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh này còn vô tư đổ đất đá lấp sông lập xưởng làm cản trở dòng chảy, nguy cơ sạt lở, xói mòn đất trước mùa mưa lũ là rất cao.
Mặc sức xả thải
Dọc tuyến sông Mã thuộc địa bàn xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa) với hàng chục cơ sở chế biến lâm sản tăm đũa, bột giấy có thể kể tên như: Cơ sở chế biến tăm đũa Huy Hiếu, Hiệu Dung, Trần Kiệm, Tuyện Thuý (xã Phú Thanh) cho tới một số cơ sở chế biến tại xã Vạn Mai (Hoà Bình)… nằm ngay bên bờ sông Mã đang rầm rầm hoạt động, nguồn nước sau quá trình chế biến ngâm ủ đều được các cơ sở đổ thải trực tiếp xuống lòng sông, lòng suối. |
Vượt qua chặng đường gần 200km chúng tôi đến với xã vùng cao Phú Thanh – một trong những xã khó khăn của huyện Quan Hoá. Thế nhưng, điều khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi hàng chục cơ sở chế biến tăm đũa, bột giấy nơi đây đang từng ngày phá vỡ sự bình yên của miền quê nghèo bởi tiếng ồn của máy nổ, tiếng cưa cắt chát chúa hoạt động liên tục từ các cơ sở; không chỉ vậy, các cơ sở chế biến này còn mặc nhiên xả thải trực tiếp nguồn nước ô nhiễm chưa qua xử lý ra môi trường sông suối mà không hề có sự giám sát, kiểm tra của một cơ quan chức năng nào.
Theo người dân phản ánh, tình trạng trên đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên các cơ sở chế biến này phần lớn do người dân đóng trên địa bàn làm chủ cơ sở; các công ty, doanh nghiệp lớn đã có giấy phép hoạt động do tỉnh, huyện cấp nên không ai dám phản ánh. “Chúng tôi sống chung với cảnh tượng ồn ã, ô nhiễm trên dòng sông Mã lâu cũng thành quen. Cũng may có chương trình dự án nước sạch cho các xã vùng cao 135 của nhà nước, nếu phải sống phụ thuộc vào nguồn nước sông núi mà tình trạng ô nhiễm thế này thì chỉ có phát bệnh mà chết”, một người dân bức xúc.
Tại cơ sở chế biến Bảo Yến (cơ sở chế biến các mặt hàng tăm đũa, bột giấy xuất khẩu) với hai cơ sở chế biến có vị trí cách nhau chừng 300m, chúng tôi trực tiếp chứng kiến nguồn nước có chứa lưu huỳnh đen kịt, sau quá trình ngâm ủ nguyên liệu nhiều ngày, đơn vị này đã bắc những đường ống vắt qua đường, ngang nhiên xả thải xuống lòng suối rồi chảy ra sông Mã. Đau xót hơn, tại khu vực suối Xia cách đó không xa, địa phận giáp danh giữa tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Hòa Bình, chúng tôi tận mắt chứng kiến một thực tại kinh hoàng khi toàn bộ lòng suối sủi bọt trắng xoá, nguồn nước hôi thối bốc mùi, ầm ầm tuôn chảy ra dòng sông Mã (gần ngay đó là nhà máy chế biến bột giấy tại xã Vạn Mai, Hoà Bình)…
Lấp sông làm xưởng
Điều khiến nhiều người bất bình hơn khi hầu hết các cơ sở chế biến lâm sản này, để có được vị trí lập xưởng hoạt động đã tự ý đổ đất đá, lấp lấn sông xâm phạm tới cả chục mét chiều dài lòng sông Mã mà không hề bị xử lý, ngăn chặn. Có mặt tại khu đất của cơ sở Tiện Thuý, chứng kiến khu đất được cơ sở này đổ lấp, lấn chiếm tới hơn chục mét ra tới giữa lòng sông. Đứng tại mép bờ lấn chiếm, nhìn dòng sông bị thu hẹp, bóp nghẽn một cách xót xa, dòng nước đang bị thay đổi, một nỗi lo không chỉ riêng ai khi mùa mưa lũ đang cận kề. “Hầu hết các cơ sở chế biến trên đều không được cấp giấy quyền sử dụng đất, không được cấp giấy phép hoạt động sản xuất (ngoài một số công ty, doanh nghiệp lớn), sở dĩ họ vô tư đổ đất đá lấn sông để lập xưởng là do vị trí đất hiện tại đang nằm trong khu vực “tranh chấp” giữa hai tỉnh Thanh Hoá và Hoà Bình nên không bị lực lượng chức năng nào xử lý”, một người dân cho biết.
Tìm tới UBND xã Phú Thanh mong tìm câu trả lời trước những bất cập nêu trên thì tất cả các phòng tại công sở đều trong tình trạng đóng cửa, hỏi ra mới biết ngày hôm đó xã có chương trình đưa 15 cán bộ xã xuống huyện tập huấn nghiệp vụ văn bản pháp luật. Trong khi đó, trả lời báo Đại Đoàn Kết, ông Trịnh Đức Du – Trưởng phòng TNMT huyện Quan Hoá vòng quanh lý giải: Không có cơ sở nào xả thải ra môi trường, các cơ sở phải có hồ sơ cam kết không xả thải thì mới được hoạt động; đối với doanh nghiệp Bảo Yến thì hồ sơ xử lý đảm bảo môi trường đơn vị mới bắt đầu làm, mới vừa được cấp phép.
Tuy nhiên, sau khi chúng tôi phản ánh thực tế tình hình, có băng video, hình ảnh và khẳng định vấn đề các cơ sở trên đều tự ý đổ đất lấn chiếm sông làm xưởng, vi phạm cả trăm mét đất lấn chiếm thì ông Du lại chỉnh nắn lại nội dung trả lời rằng: “Thực ra, các cơ sở kinh doanh tự phát, tranh thủ làm ăn và đương nhiên đất ở đấy không được cấp phép. Việc các cơ sở lấn chiếm, đổ đất lấp sông thuộc vào khu vực “tranh chấp” với tỉnh Hoà Bình nên khó khăn trong sự vào cuộc”. Với cách trả lời trên đồng nghĩa với việc các cơ sở này không đủ điều kiện cấp phép hoạt động cũng như đảm bảo yêu cầu xử lý môi trường theo đúng luật định.