ThienNhien.Net – Huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) đang phải chịu cảnh hạn hán nặng nhất từ 30 năm trở lại đây. Đã có hơn 2.700 hộ thiếu nước sinh hoạt; gần 2.500 ha cây trồng các loại bỏ hoang, hàng nghìn ha rừng trồng chết khô… Toàn huyện Đồng Xuân đã và đang phải gồng mình chống hạn.
Người thiếu nước uống, đất bỏ hoang Chưa bao giờ người dân huyện miền núi Đồng Xuân lại phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như hiện nay. Tính tới thời điểm này, đã có hơn 2.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; trong đó, xã Phú Mỡ 133 hộ (chủ yếu ở thôn Phú Đồng), Xuân Lãnh 414 hộ, Xuân Phước 801 hộ, Xuân Quang 1 có 810 hộ, Xuân Quang 2 có 562 hộ.
Nhiều ngày qua, cả thôn 134 Phú Đồng, xã vùng cao Phú Mỡ, hằng ngày, người dân phải vượt gần 8 km xuống sông Bà Đài gùi từng can nước về để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù được Nhà nước đầu tư tám giếng đào, nhưng hiện thôn Phú Hải cũng thuộc xã Phú Mỡ chỉ còn hai giếng còn nước sử dụng trong ăn uống, còn nước để tắm giặt thì 53 hộ dân với 277 nhân khẩu hằng ngày phải xuống suối Chăng Băng xa khu dân cư hơn 2 km và suối Bọc Bà thuộc địa phận tỉnh Bình Định, cách khu dân cư gần 1 km để lấy về. Trưởng thôn Phú Hải So Minh Thương cho biết: “Chưa có năm nào bà con thiếu nước như năm nay. Biết là nước suối không hợp vệ sinh nhưng cũng phải dùng, chờ mưa xuống chứ không còn cách nào khác “.
Cả tháng qua, ngày nào vợ chồng ông Nguyễn Tấn Hậu ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam cũng phải đắp, vét từng vũng nước dưới ao cạn để bơm tưới cho hơn 400 m 2 cỏ trồng và lấy nước cho sáu con bò uống. “Nếu khoảng hai tuần nữa không có mưa, giọt nước cuối cùng dưới ao này cũng không còn, đồng nghĩa với đám cỏ bên bờ sẽ chết khô, bò thiếu nước uống”- ông Hậu rầu rĩ.
Huyện Đồng Xuân hiện có nhiều cánh đồng rộng hàng trăm ha, vụ hè thu này phải bỏ hoang do không có nước tưới. Hồ Phú Xuân là công trình thủy lợi lớn nhất huyện, hằng năm phục vụ tưới 455 ha cho các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3, nhưng nay chỉ bảo đảm tưới cho 200 ha thuộc thôn Phú Xuân, xã Xuân Phước và một phần diện tích của thôn Thạnh Đức, Xuân Quang 3.
Theo thống kê, diện tích gieo sạ lúa vụ hè thu toàn huyện Đồng Xuân năm nay chỉ có 1.280 ha, giảm 18% so với vụ trước. Trong khi đó, hiện gần 186 ha lúa có khả năng hạn, 683 ha phải bơm tưới vượt định mức. Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Đồng Xuân Nguyễn Văn Tri cho hay, đã có gần 233 ha lúa không có khả năng gieo sạ, đang bỏ đất trống ở các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3, Xuân Quang 1, Phú Mỡ.
Những diện tích trên chủ yếu hưởng nước từ hồ Phú Xuân và các đập dâng Cây Vừng, Mò O, Suối Cối 2, Suối Hàn, Ba Quân, nhưng không thể chuyển sang loại cây trồng khác vì rủi ro quá lớn. Trong khi đó, năm nay toàn huyện cũng chỉ xuống giống được 2.000 ha mía, giảm 1.400 ha theo kế hoạch; trong đó khoảng 1.500 ha mía trồng mới gặp nắng hạn, tỷ lệ nảy mầm thấp, ước ảnh hưởng đến 20% năng suất.
Tương tự, diện tích xuống giống sắn cũng chỉ đạt 3.200 ha, giảm 800 ha, diện tích còn lại chậm hoặc không phát triển; trong đó, khoảng 2.000 ha bỏ trống, phải phá bỏ do sắn không nảy mầm và chết. Theo Phó Trưởng phòng Tri, ước tổng thiệt hại các loại cây trồng gần 13 tỷ đồng.
Đó là chưa kể hàng nghìn ha rừng trồng của các đơn vị doanh nghiệp và cá nhân đang chết khô và trước nguy cơ cháy rất cao. Đã có gần 40 ha rừng bị cháy, chủ yếu là rừng trồng từ bốn đến sáu năm tuổi của các doanh nghiệp.
Cách đây vài tháng, dọc tuyến đường qua các xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 1, Phú Mỡ, rừng trồng xanh bạt ngàn, phủ kín các ngọn đồi, thì giờ đây ngả mầu vàng, nhiều đám rừng chết khô trải dài trên các ngọn đồi.
Dốc sức chống hạn Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Lý Nguyên, trước tình hình nắng hạn gay gắt như hiện nay, để có nước sinh hoạt cho người dân, UBND huyện đã kịp thời hỗ trợ kinh phí theo định mức 20 nghìn đồng/hộ/chuyến vận chuyển nước về sử dụng trong hai ngày (thời gian dự kiến trong vòng một tháng) cho 134 hộ với 647 nhân khẩu ở thôn dân tộc thiểu số Phú Đồng. “Chúng tôi cũng đã đào hai giếng nước ở làng cũ và khu vực suối Cà Te, cách thôn Phú Hội hơn 2,8 km với kinh phí 150 triệu đồng, giải quyết cơn khát cấp thiết cho bà con”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân Phạm Văn Trung cho biết.
Ngoài ra, UBND huyện Đồng Xuân cũng đang tích cực chỉ đạo các địa phương vận động người dân nạo vét giếng sâu hơn và đào thêm giếng mới ở các khu vực có nguồn nước ngầm; đồng thời hỗ trợ nhau cùng dùng chung giếng nước và lấy nước từ các con sông, suối để sử dụng; khai thác tối đa nguồn nước; đưa gia súc đến nơi có nguồn nước để chăn thả và bổ sung thức ăn, che chắn bóng mát…
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cây trồng do nắng hạn gây ra, huyện Đồng Xuân cũng vừa trích ngân sách 250 triệu đồng hỗ trợ các hợp tác xã nạo vét vũng hút nước, khơi thông dòng chảy vào các trạm bơm, tiết kiệm và luân phiên tưới nước cứu lúa. Trưởng Trạm quản lý thủy nông Phú Xuân Bùi Văn Định cho biết, do nắng hạn cho nên ngay từ đầu vụ đơn vị đã chủ động cắt giảm hơn nửa diện tích lúa hè thu (200 ha); ngoài hệ thống tự chảy, đơn vị còn sử dụng hệ thống trạm bơm điện dọc sông Trà Bương bơm bổ sung vào kênh phục vụ tưới cho 50 ha thuộc cánh đồng thôn Thạnh Đức. Tuy nhiên, mực nước hồ Phú Xuân đã hạ thấp đến dưới mực nước chết. Ban quản lý hồ Phú Xuân tiếp tục huy động nhân lực cùng hai máy bơm điện tổng công suất 1.600 m 3/giờ để bơm nước cứu lúa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, toàn tỉnh hiện có gần 10 nghìn ha lúa hè thu thiếu nước hoặc bị hạn.
Trong đó, diện tích phải bơm tưới vượt định mức khoảng 3.500 ha, diện tích có khả năng phải bơm chống hạn gần 6.500 ha; riêng khu vực tưới do Công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam quản lý có hơn 4.100 ha, chủ yếu ở cuối hệ thống kênh mương. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã có gần 1.000 ha đất sản xuất lúa ở vùng cao và xa hệ thống nước tưới, được nông dân chuyển sang trồng một số loại cây trồng khác khả năng chịu hạn cao. Để khắc phục tình trạng khô hạn, hiện Công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam đang điều tiết nước theo quy trình vận hành tưới tiết kiệm trên toàn hệ thống thủy lợi, gồm đập Đồng Cam và các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đơn vị này còn huy động 20 máy bơm công suất 1.000 m 3 /giờ lấy nước từ các sông lên bổ sung nước vào hệ thống kênh tưới; phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp đào 28 giếng, đặt 20 máy bơm lấy nước từ các kênh tiêu, ao hồ để cứu lúa. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho biết, hiện các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân… cũng đã huy động hàng trăm máy bơm lấy nước từ các sông, suối lên tưới lúa chống hạn.
Dự kiến, tỉnh sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách gần 29 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán vụ lúa hè thu.