ThienNhien.Net – Là loài thực vật quý hiếm, có thể chiết xuất chất để điều chế dược liệu trị bệnh ung thư, nhưng thời gian qua, cây thông đỏ chưa được quan tâm bảo vệ, bảo tồn hợp lý. Những quần thể thông đỏ còn lại ở vùng rừng núi Lâm Đồng đang suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng.
Xử trảm “thần dược”
Theo hồ sơ lưu trữ tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, thời gian gần đây, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ triệt hạ thông đỏ, trong đó điển hình là các vụ đốn hạ thông đỏ tại núi Voi (huyện Đức Trọng), xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) và xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương).
Không chỉ săn lùng, khai thác để bán cho đầu nậu, nhiều người còn “cuồng tín” lặn lội vào rừng sâu hái lá và vỏ thông đỏ về sắc nước (giống sắc thuốc Bắc) để uống với hi vọng chữa được bệnh ung thư, bất chấp cảnh báo của chuyên gia rằng làm vậy là phản khoa học, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, người ta còn đồn đoán rằng, trong nhà có vật dụng làm bằng gỗ thông đỏ thì sẽ mang lại may mắn, càng khiến việc truy lùng, khai thác thông đỏ trái phép ráo riết hơn.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (đơn vị quản lý quần thể thông đỏ tại khu vực núi Voi, huyện Đức Trọng), cho biết: “Trước đây ít ai khai thác, sử dụng cây thông đỏ vì gỗ không tốt và có mùi hôi rất khó chịu. Nhưng từ lúc nghe nói thông đỏ có thể chữa trị ung thư thì đơn vị gặp rất nhiều áp lực trong việc bảo vệ, thậm chí ăn ngủ không yên, mỗi lúc nghe báo có xảy ra phá rừng là giật mình nghĩ ngay đến thông đỏ”.
Cùng với nạn khai thác trái phép, các quần thể thông đỏ tại Lâm Đồng cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng do tự suy thoái. Theo khảo sát mới đây, số lượng cây thông đỏ có đường kính trên 25cm tại Lâm Đồng chỉ còn hơn 600 cây, số cây có đường kính từ 6cm – 25cm chỉ khoảng 300 cây. Không những vậy, đa số cây đường kính lớn đều bị sâu bệnh, rỗng ruột hoặc cụt ngọn. Những cây thuộc thế hệ kế cận còn rất ít và bị chèn ép, khả năng tái sinh tự nhiên kém.
Cấp thiết bảo tồn
Dẫn chúng tôi luồn rừng gần nửa ngày để lên đỉnh núi Voi, anh Phạm Mạnh Thùy, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, cho biết, khu vực này trước đây từng xảy ra các vụ đốn hạ thông đỏ. Nay hầu hết những cây lớn đã được khảo sát, gắn số và định vị tọa độ bằng GPS để quản lý. Những vụ đốn hạ thông đỏ trước đây hiện vẫn để lại dấu tích với những gốc cây đường kính lớn nằm trơ trọi.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, cho biết khu vực này đã được giao cho 48 hộ dân nhận khoán bảo vệ theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, thông đỏ là loài cây cần được bảo vệ theo chế độ đặc biệt, vì vậy đơn vị cần nguồn kinh phí để tăng cường lực lượng và tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên, nghiêm ngặt hơn.
Theo ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, hiện đơn vị đã thực hiện được công tác bảo vệ nguyên trạng quần thể thông đỏ, chứ chưa có điều kiện để thực hiện bước tiếp theo là nghiên cứu, nhân giống để bảo tồn thông đỏ. Ông Hương cho rằng cây thông đỏ trên địa bàn Lâm Đồng đáng báo động, nếu không có những giải pháp bảo vệ và phát triển kịp thời và hiệu quả thì nguy cơ tuyệt chủng của loài cây quý hiếm này trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Trước thực trạng trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng đề án bảo vệ và phát triển rừng thông đỏ tại 4 địa phương có thông đỏ phân bố là: TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng. Ngoài việc quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng thông đỏ, dự án cũng có nội dung quan trọng là thử nghiệm gieo ươm hạt thông đỏ và trồng 22ha rừng thông đỏ từ cây con gieo ươm bằng hạt và cây tái sinh. Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn chưa được phê duyệt.
Thông đỏ có tên khoa học là Taxus Wallichiana Zucc, là loài thực vật có phạm vi phân bố hẹp, được phát hiện ở vùng phía bắc tỉnh Lâm Đồng và giáp ranh giữa Lâm Đồng với Khánh Hòa. Theo Nghị định 32 của Chính phủ, thông đỏ được xếp vào nhóm IA, nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Gần đây, các kết quả nghiên cứu khoa học đã khẳng định rằng, lá và vỏ cây thông đỏ có hàm lượng tiền chất 10 – DB III dùng để sản xuất chất Taxol, nguyên liệu chính điều chế dược chất điều trị ung thư. |