Thất vọng Tràm Chim: Vĩnh viễn sếu sẽ không về?

ThienNhien.Net – Không còn cái ăn, chỗ ngủ, đàn sếu về Tràm Chim thưa thớt dần, trước đây có hàng nghìn con, thậm chí có năm lên đến hơn 1.700 con nhưng hiện nay chỉ lưa thưa vài chục.

Tháng 4/2014 vừa qua, tôi được Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp mời về thăm lại Đồng Tháp Mười (ĐTM), nơi tôi đã có thời gian dài công tác từ năm 1992 về trước.

Chuyến đi đã giúp tôi chứng kiến những sự thay đổi lớn lao về cuộc sống của người dân, sự phát triển của hạ tầng, sản xuất nông nghiệp… nhưng cũng day dứt về sự biến dạng của Vườn Quốc gia Tràm Chim, nơi kỳ vọng lưu giữ được cảnh quan của một ĐTM cùng hệ sinh thái đặc trưng.

rên kinh Mười Nhẹ- đỉnh điểm mùa khô mà cây cối xanh um, không khí mát rượi (Ảnh: nongnghiep.vn)
rên kinh Mười Nhẹ- đỉnh điểm mùa khô mà cây cối xanh um, không khí mát rượi (Ảnh: nongnghiep.vn)

Đâu rồi Đồng Tháp Mười xưa

Chúng tôi về thăm VQG Tràm Chim (huyện Tam Nông) vào cuối tháng 4/2014, thời điểm khốc liệt nhất của mùa khô.

Trái ngược với cái nóng chang chang 36oC trên đường đi, Tràm Chim, cái rốn của ĐTM, lại xanh ngắt và mát rượi. Chiếc tàu chở chúng tôi vào trung tâm vườn theo lối kinh bao phía Phú Hiệp – kinh Mười Nhẹ – trạm quan sát số 3, kinh vẫn đầy ắp nước bạc và nếm thử vẫn không thấy vị chát của phèn.

Ngày trước ông cha mình thấy kinh có màu đỏ “Trời xanh, kinh đỏ, đất xanh” (ca dao) và mùa khô năm 1986, tôi cũng từng thấy nước trong các bưng, các kinh nhỏ ở Tam Nông này có màu đỏ, còn trên các kinh lớn nước lại trong xanh như mắt mèo, nếm có vị chát xít. Màu và vị của nước được tạo nên bởi phèn.

Phèn là nhân tố chính làm cho ĐTM có tên gọi khác là cánh đồng chết. Vào mùa khô, khi mực nước trên sông Mekong xuống thấp, cánh đồng rơi vào tình trạng khô hạn, phèn trong đất xì lên làm cho độ pH giảm xuống chỉ còn từ 3-4, thậm chí 2-3.

Trong môi trường axít như vậy, ngoài một số cây có tính chống chịu cao vẫn sống sót được nhờ rơi vào trạng thái tiềm sinh, còn hầu hết các cây cỏ khác đều bị chết khô.

Trước đây người Pháp không gọi tên Đồng Tháp Mười mà gọi là cánh đồng lau sậy. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của ĐTM đã tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng, phần lớn diện tích đều là những trảng cỏ, lung bàu, năn, lác, đưng, đế, sậy…

Các cây thân gỗ bản địa như tràm, trâm bầu, tre gai, tuy vẫn phát triển được nhưng không tập trung và vẫn như là còi cọc. Vậy mà, thảm thực vật VQG Tràm Chim nay vào đỉnh điểm mùa khô vẫn xanh tươi.

Trên con kinh Mười Nhẹ, hàng hàng cây tràm, bạch đàn, gáo lực lưỡng, xanh um nối tay nhau tít tắp che rợp cả dòng kinh. Trước đây cây tre gai cũng được người dân trồng nhiều dọc theo các dòng kinh Phú Hiệp, Đồng Tiến nhưng tre ngày đấy xơ xác như chiếc chổi cọng dừa dựng ngược, còn nay cũng những cây tre gai đấy ở VQG Tràm Chim nhưng sao chúng xanh tốt chẳng khác gì tre dọc sông Tiền.

Cũng là cây tràm, nhưng tràm ĐTM khác xa tràm rừng U Minh ở Cà Mau, Kiên Giang bởi U Minh là nước ngọt. Rừng tràm U Minh có nguồn gốc rừng tự nhiên, to lớn hơn còn tràm ở ĐTM là rừng trồng, tự nhiên chỉ có cây phân tán không to cao được như U Minh.

Vẫn có người nhầm rằng ở ĐTM có kèo ong tràm như rừng U Minh nên đến Tràm Chim cứ nằng nặc mua mật ong tràm. Đáp ứng nhu cầu đấy, VQG Tràm Chim đã đặt nuôi những tổ ong Ý dọc theo một số bờ kinh có tràm. Thật ra ong tự nhiên ở ĐTM chủ yếu là loại ong nhỏ (ong ruổi) làm tổ trong lau sậy, có tổ chỉ bằng chai nước suối. Việc đưa ong ngoại lai vào Tràm Chim dễ gây hiểu nhầm.

“Vựa Năm Kim” mất dần

Không còn cái ăn, chỗ ngủ, đàn sếu về Tràm Chim thưa thớt dần, trước đây có hàng nghìn con, thậm chí có năm lên đến hơn 1.700 con nhưng hiện nay chỉ lưa thưa vài chục. Không những giảm về số lượng, trước đây chúng thường về từ cuối tháng 1 đến tháng 6, nhưng nay chỉ vài ba tuần.

Năm 1986, người ta mới phát hiện ra ở Tràm Chim có sếu đầu đỏ (còn gọi là chim hạc), một loại chim quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thực ra, người dân Tràm Chim không xa lạ gì với sếu, bởi tự bao giờ, cứ vào khoảng sau Tết Nguyên đán đến rằm tháng 5 âm lịch thì đàn sếu ở đâu lại về đây kiếm ăn. Chúng về đây vì Tràm Chim là “vựa năn kim” mà củ năn kim là thức ăn khoái khẩu của chúng.

Theo TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ, ĐTM có đến 5 loài năn khác nhau, nhưng dân giã thì chỉ phân biệt 2 loài là năn ống và năn kim. Có trảng chỉ chủ yếu là năn ống, có trảng chủ yếu năn kim hoặc cũng có thể hỗn giao cùng với một số cỏ khác như cỏ ống, cỏ mờm…

Cây năn bắt đầu phát triển vào mùa mưa, đến tháng 11 cây năn ống có thể cao tới trên 2 m, thân to gần bằng chiếc đũa, còn năn kim thì thấp, nhỏ và mềm hơn. Khi bước vào mùa khô, năn kim già, tàn và để lại chùm củ cho mùa sau và sếu là kẻ dự phần khai thác.

Đi tìm cây năn kim như thể tìm kim (Ảnh: nongnghiep.vn)
Đi tìm cây năn kim như thể tìm kim (Ảnh: nongnghiep.vn)

Khi yêu cầu được xem năn kim, cô hướng dẫn viên du lịch Tràm Chim tỏ ra lúng túng và phải mất nhiều cuộc điện thoại, cô mới xác định được vị trí là khu A1, cách trạm C4 600 m. Tàu tấp vào bờ, nước trong kinh đào chỉ thấp hơn mặt ruộng khoảng 30 cm, nước vẫn bạc và nếm vẫn ngọt.

Trước đây, vào tháng cao điểm mùa khô này, nước đã đỏ quạch, cánh đồng này đã khô cong lên, năn ống, năn kim, cỏ ống, cỏ bờm đã khô vàng nhưng nay vẫn xanh tươi. Phải dùng tay vạch lối qua thảm cỏ tốt um khoảng gần 100 m mới đến chỗ năn mọc và cũng phải tìm mãi mới thấy được một bãi có năn kim ước chừng 3.000 m2 xen lẫn trong năn ống.

Nhìn các gốc cây năn kim được nhổ lên, tôi biết đã có đàn sếu qua đây nhưng với diện tích, năng suất và sản lượng ít như thế thì không đủ cho sếu ăn 1 ngày. Cô gái cùng tôi cố bới tìm mấy củ năn kim nhưng loay hoay mãi mới may mắn tìm được một củ chỉ bằng hột đậu, có hình thù như củ ấu.

Cùng với việc mất nguồn thức ăn, bãi ngủ của sếu cũng không như trước vì sếu thường ngủ đêm ở những bãi đất cao, khô ráo, trống trải giữa các trảng cỏ, còn hiện nay cả Tràm Chim không còn tìm được chỗ nào “khô cong lên” cho sếu ngủ.

(Còn nữa)