ThienNhien.Net – Đồ gỗ đang là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 5,6 tỷ USD, chiếm khoảng 80% tổng giá trị sản xuất của cả ngành, đem lại thu nhập cho gần 300 nghìn lao động ngành chế biến gỗ và hàng nghìn hộ gia đình tại các làng nghề, khu vực trồng rừng.
Tuy nhiên, thị trường EU (chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) là một trong những thị trường “khó tính”, với những thách thức, đòi hỏi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật liên quan nguồn gốc gỗ hợp pháp theo chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) và quá trình tham gia Hiệp định đối tác tự nguyện (FLEGT-VPA) mà Việt Nam đang đàm phán với EU.
Khi thời điểm ký dự kiến đã đến gần (tháng 10-2014) nhưng hiện tại rất nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ chưa nắm được các đòi hỏi của FLEGT cũng như chưa biết những tác động của FLEGT-VPA đối với hoạt động kinh doanh và xuất khẩu của mình sang EU. Qua thực hiện 81 cuộc phỏng vấn tại 63 DN gỗ, các hiệp hội gỗ và các cơ quan truyền thông liên quan, kết quả cho thấy, chỉ có 57% số DN hiểu biết về FLEGT-VPA, 75% số DN chưa biết các nội dung chủ yếu của FLEGT-VPA. Điều đáng nói là 73% số DN này đang xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất sang EU, chiếm 51% thị phần xuất khẩu. Phần lớn DN hiện nay gặp khó khăn về việc yêu cầu các giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp khi thu mua gỗ trong dân, một phần do nhận thức, một phần do người dân chưa có thói quen lưu trữ hồ sơ và sự thiếu thống nhất về các yêu cầu giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ. Do vậy, việc nâng cao tuyên truyền để người dân, DN nắm vững thông tin nhằm đáp ứng những sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu đang là những đòi hỏi bức thiết.
Phó Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) Nguyễn Tường Vân cho biết, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam phát triển nhanh trong 10 năm qua, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007 -2013 đạt gần 16%/năm. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong năm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với bốn thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang chiếm khoảng gần 4% thương mại đồ nội thất, đứng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 2 châu Á. Tuy nhiên, hiện ngành chế biến gỗ xuất khẩu vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn như giá trị gia tăng còn thấp (tỷ trọng xuất khẩu dăm gỗ còn cao), chủ yếu xuất qua nhà nhập khẩu EU, chưa có thương hiệu. Năng lực cạnh tranh còn kém do tính liên kết các DN còn yếu, phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu (40 – 50%). Bản thân các DN cũng chưa thật sự chú trọng đến thị trường trong nước, trong khi thị trường quốc tế lại đưa ra các quy định ngặt nghèo về nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp như luật Lacey của Hoa Kỳ, EUTR của EU,… Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua các “rào cản” trong xuất khẩu, các DN phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất và giá trị sản phẩm xuất khẩu, chú trọng mở rộng tiêu thụ thị trường trong nước, tránh bị ảnh hưởng, phụ thuộc vào một đối tác nhất định. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh đàm phán, ký FLEGT-VPA với EU nhằm cam kết chỉ xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp, cũng như thiết lập hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (TLAS) để xác minh và cấp phép FLEGT cho gỗ và sản phẩm gỗ khi xuất khẩu vào thị trường EU.