ThienNhien.Net – Khung cảnh yên bình của xã miền sơn cước Tân Tri (Bắc Sơn, Lạng Sơn) bỗng bị phá tan bởi tiếng gầm rú của hàng đoàn xe máy chở gỗ nghiến. Những chiếc xe máy lấm lem bùn đất, chở gỗ cao quá đầu người, oằn mình vì sức nặng, lấy đà phóng đi như bay.
Những chuyến nghiến “bay”
6h sáng, 11h trưa, 3h chiều, 11h đêm, thậm chí là 3 giờ đêm, mỗi ngày có cả trăm mét khối gỗ nghiến được các “lâm tặc” vận chuyển trót lọt trước mắt của chính quyền sở tại và lực lượng Kiểm lâm địa bàn.
Lần theo dấu vết…
Theo thông tin chúng tôi nắm được, những đối tượng này vận chuyển gỗ từ xã Nghinh Tường (Võ Nhai, Thái Nguyên) xuyên rừng rồi chở qua địa bàn xã Tân Tri. Hai con đường mòn đất nhão nhoẹt tạo thành gọng kìm chính là đường đi của những lâm tặc này. Một đường nối từ Nghinh Tường qua thôn Thâm Xi (thuộc xã Tân Tri), đường còn lại nối từ bản Mùn (xã Nghinh Tường) xuyên thẳng về con đường chính trước cổng UBND xã Tân Tri.
Ngày thứ nhất, chúng tôi ngược từ Nghinh Tường về Tân Tri qua con đường mòn của thôn Thâm Xi. Khung cảnh núi rừng rộng lớn, tĩnh mịch đến rợn người. Đoạn đường nối giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn chỉ có duy nhất một gia đình người dân tộc Dao đỏ sinh sống. Phục kích từ sáng, thêm một buổi chiều, chúng tôi vẫn chưa phát hiện được những đối tượng chở nghiến “bay”.
Trời về chiều, ánh nắng nhạt dần, hơi lạnh từ cây rừng phả vào mặt khiến chúng tôi rùng mình. Vượt tiếp cung đường đất dựng đứng, nhão nhoẹt sau đêm mưa, chúng tôi về “đóng quân” tại trung tâm xã Tân Tri.
Đoạn đường chừng 6km nhưng phải mất đến một tiếng đồng hồ chúng tôi mới có thể vượt qua. Nhiều đoạn, xe máy cài số 1 vẫn không thể lên. Cậu đồng nghiệp sợ toát mồ hôi hột phải nhảy xuống đẩy xe, đoạn thì chạy trước kiểm tra đường để hoa tiêu.
Ngày thứ hai, chúng tôi dậy thật sớm, lần theo cung đường thứ hai có vẻ dễ “nhằn” hơn, cách UBND xã Tân Tri không xa. Hết đoạn đường sỏi đá, chúng tôi đi sâu vào chừng 5km, khu vực suối Tính, suốt Tát rồi dừng lại “săn mồi”.
Vờ bị hỏng xe, chúng tôi vác cờ-lê, tuốc-lơ-vít ra “chọc ngoáy” vài đường cơ bản. Từ con đường cái dẫn vào, chúng tôi gặp ít nhất 2 người… cũng hỏng xe như chúng tôi. Những người này dựa xe vào tảng đá rồi ngồi hút thuốc, mắt đảo như rang lạc. Thấy chúng tôi, nhóm người này nhìn với ánh mặt không thận thiện và bắt đầu “phát sóng ngắn”, nói tiếng bản địa.
Cứ khoảng nửa tiếng lại có chiếc xe Wave phóng vèo qua, hai bên kẹp hai can xăng, loại 5 lít. Những chiếc xe này mang biển kiểm soát của tỉnh Thái Nguyên. 3 tiếng đồng hồ chờ đợi, từ xa, chúng tôi nghe thấy tiếng xe máy thồ hàng nặng, “vít” ga khét lẹt. Tiếng người nói oang oang, vang cả một góc rừng. Tôi quay sang cậu đồng nghiệp, nháy mắt “Đến rồi đấy, chuẩn bị nhé”.
Cánh rừng xã Tân Tri cũng như nhiều xã của huyện Bắc Sơn chủ yếu là rừng trồng, rừng tái sinh. Cây lâm nghiệp chủ yếu tại đây là cây keo và hồi. Lượng cây gỗ nghiến loại lớn thuộc cánh rừng huyện Bắc Sơn có thể khẳng định là không còn. |
Từ con dốc xa xa, một tốp 7 xe máy lầm lũi tiến lên, những người này vẫn cười nói rôm rả. Đằng trước, đằng sau, hai bên, gỗ nghiến được chằng chặt bằng dây cao su trên khung sắt. Gỗ được xẻ thành từng khúc nhỏ như chiếc hộp, rồi thành thớt. Chắc chắn đây là những cây gỗ nghiến lâu năm, đường kính thân cây lớn. Mỗi xe như vậy chở được vài mét khối gỗ nghiến cho mỗi chuyến.
Tốp xe này đều mang biển kiểm soát tỉnh Thái Nguyên. Thấy chúng tôi đứng ở ven đường, nhóm này quay ra nhìn, tiếng cười nói tắt lịm. Qua con dốc, những con “ngựa sắt” được vít ga hết cỡ, như chồm lên rồi lao ra con đường cái. Đây đều là những chiếc xe được “độ” thêm một cặp giảm sóc, bộ khung sắt chở đồ.
Một vài chiếc, lốp còn được quấn xích, tăng độ bám đường để chở gỗ. Chớp mắt một cái, những chiếc xe chở gỗ nghiến đã đi cách chúng tôi đoạn khá xa. “Đường xấu mà chúng đi như thế, phải anh em mình chắc toi rồi”, cậu đồng nghiệp tặc lưỡi. Chiếc xe thứ 11 đi cuối cùng không chở gỗ mà mang theo 2 can xăng, có nhiệm vụ tiếp xăng cho những xe nghiến “bay”.
Cú điện thoại bí ẩn
Ghi hình đã đầy đủ tại khu vực suối Tính, suối Tát, chúng tôi ngược ra con đường cái, đoạn ngay trước cổng UBND xã để phục kích. Đúng 1h chiều, đoàn xe mười chiếc chở gỗ cao vượt đầu người bắt đầu phóng qua.
Đường đẹp và vắng, những đối tượng này cho xe chạy hết tốc lực, tiếng pô xe gầm lên đinh tai nhức óc. Vận tốc trung bình nhóm này đạt 70 – 80 km/h. Thoạt nhiên, một đối tượng dừng lại, rút điện thoại ra nghe. Sau vài câu “sóng ngắn”, đột nhiên đối tượng này quay đầu xe đánh vèo rồi chạy như ma đuổi. Thấy vậy, một số đối tượng khác cũng cho xe luồn sâu vào khu vực thôn Ngọc Lâu.
Giáp gianh với xã Tân Tri là những cánh rừng đặc dụng, phòng hộ với nhiều loại gỗ quý hiếm. Những cánh rừng này thuộc thẩm quyền quản lí của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (Sở NN-PTNT Thái Nguyên). Liệu đây có phải là nơi xuất phát của những xe nghiến “bay” kia không? |
Để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi bỏ xe ven đường, đi theo nhóm đối tượng này vào thôn Ngọc Lâu. Đến cuối đường bê tông, những người này dừng lại, bỏ xe một chỗ rồi đứng cách đó chừng chục mét ngó nghiêng.
15 phút sau, chuông điện thoại lại réo rắt rồi nhóm người này vòng xe lại con đường cái, tiếp tục phóng như bay. Tốp lúc nãy từ đâu cũng xuất hiện, nhập đoàn như chưa có gì xảy ra. Đêm hôm đó, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cảnh hàng đoàn xe máy chở gỗ nghiến phóng qua với tốc độ kinh hoàng.
Mỗi nhóm từ 6 – 10 xe, đèn pha bật cao, rọi thẳng vào chúng tôi. Chuyến nghiến “bay” cuối cùng chúng tôi ghi nhận được là vào 3h sáng. Trung bình có khoảng 50 – 60 chuyến nghiến “bay” như thế đi qua khu vực xã Tân Tri mỗi ngày.
Những người dân khu vực thôn Ngọc Lâu đã quen cảnh chúng tôi vừa chứng kiến nhiều năm nay, ngày nào cũng vậy, giờ không ai buồn để ý. Khu vực suối Tính, suối Tát và sâu hơn nữa hoàn toàn không có sóng điện thoại. Nhưng chỉ khi ra gần trung tâm xã, những đối tượng chở gỗ này liên tục được điện để báo “chốt”.
Khi thấy lực lượng kiểm lâm hoặc cảnh sát giao thông ở phía trước, sẽ có người gọi điện báo để những đối tượng này tìm cách lẩn trốn. Và sau những cú điện như thế, nhóm chở gỗ nghiến lại tách ra, bủa đi như ong vỡ tổ. Nhiều học sinh trường cấp hai gần đó kể lại, có hôm đang học thì đoàn xe chở gỗ mang theo bùn đất phi thẳng vào cửa lớp.
Sau đó, những đối tượng này bỏ của chạy lấy người, chớp mắt chỉ còn những chiếc xe gỗ chỏng chơ giữa sân trường. “Ban đầu chúng em còn thấy sợ, nhiều lần rồi thấy bình thường. Họ vứt xe đó, lúc sau quay lại lấy rồi đi”, một học sinh kể.
Chính vì sự “chuyên nghiệp”, tinh vi, những đối tượng này ít khi bị dính lưới, có chăng chỉ bắt được lẻ tẻ… vài xe cho vui. Ai là người báo “chốt” cho những đối tượng này là câu hỏi không lời đáp.
Và số gỗ nghiến này chở từ đâu đến đây, khu rừng đang bị tàn phá là nơi nào, có ai tiếp tay cho những đối tượng này hay không? Một loạt những câu hỏi thôi thúc chúng tôi ngược cung đường đất nối hai tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn để tìm hiểu. Trong giấc ngủ giữa núi rừng, hơi sương phả vào chúng tôi lạnh toát. Thỉnh thoảng, tôi giật mình tỉnh giấc, đầu chập chờn nghĩ về những chuyến nghiến “bay”, những chặng đường tiếp theo sắp phải trải qua…