ThienNhien.Net – Nhiệm vụ bảo vệ môi trường nói chung, xử lý rác thải, nước thải và giữ gìn vệ sinh môi trường nói riêng đã được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo, đầu tư và có bước chuyển rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc vẫn tiếp tục gây áp lực lớn tới sự phát triển bền vững của Thủ đô; đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh hơn nữa từ nhận thức đến hành động. Năm 2014 được xác định là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường để thành phố sáng – xanh – sạch – đẹp, vì thế cũng là nội dung chính trong kế hoạch triển khai. Đây là công việc thường xuyên hằng năm nhưng qua “Năm trật tự và văn minh đô thị”, thành phố mong muốn sẽ tạo được bước đột phá trong lĩnh vực này.
Xử lý bằng… công nghệ “nhà nghèo”
Theo thống kê, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 6.400 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực nội thành phát sinh 4.200 tấn. Nếu tỷ lệ thu gom, vận chuyển tại nội thành cơ bản đạt 100% thì ở khu vực ngoại thành tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 85%. Đáng lưu ý, 90% lượng rác thải sinh hoạt sau khi thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chỉ có 10% xử lý bằng công nghệ đốt hoặc tái chế.
90% rác thải sinh hoạt xử lý bằng chôn lấp
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội vận hành, bình quân mỗi ngày tiếp nhận 3.800-4.200 tấn rác thải thu gom từ 12 quận. Ngoại trừ rác công nghiệp, y tế, toàn bộ rác sinh hoạt được đưa về chôn theo từng ô. Sau khi lấp đầy, các ô chôn lấp được “đóng” bằng cách phủ đất và đậy bạt che. Để hạn chế ô nhiễm và tình trạng thẩm thấu nước rác, Khu liên hợp đầu tư hệ thống thu gom nước rỉ rác về trạm xử lý. Hoạt động từ năm 1999, đến nay 83ha giai đoạn 1 đã kín, thậm chí nhiều ô sau khi rác phân hủy, lún cốt đã được đổ tiếp lớp rác mới. Khả dĩ hơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), tiếp nhận rác thải sinh hoạt thu gom từ 5 huyện, có 2 nhà máy sử dụng công nghệ đốt do Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long và Hợp tác xã Thành Công đầu tư, vận hành; bình quân mỗi ngày đốt khoảng 450 tấn rác. Số còn lại, khoảng 250 tấn/ngày được xử lý bằng chôn lấp.
Đối với khu vực ngoại thành, việc thu gom, xử lý đơn giản hơn rất nhiều. Nếu nội thành, thị trấn, thị tứ việc thu gom thực hiện hằng ngày thì ở thôn, xã việc thu gom với tần suất 2-3 lần/tuần. Ngoài 3 huyện Gia Lâm, Ứng Hòa, Mỹ Đức đã chủ động xây dựng bãi chôn lấp tập trung của huyện, các huyện còn lại, rác thải được tập trung về các bãi chôn lấp tạm của thôn, xã và xử lý bằng rắc vôi bột khử trùng hoặc sử dụng chế phẩm sinh học EM giảm thiểu mùi.
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, tổng lượng rác thải phát sinh bình quân trên địa bàn là 6.400 tấn/ngày, trong đó khu vực nội thành khoảng 4.200 tấn/ngày, cơ bản đều được thu gom, xử lý bằng chôn lấp. Chỉ có tỷ lệ nhỏ, khoảng 10% được xử lý bằng công nghệ đốt hoặc tái chế thành sản phẩm khác. Dù được gọi là “công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh”, có chống thấm, có thu gom nước rác về hệ thống xử lý nhưng thực chất vẫn là công nghệ lạc hậu, công nghệ của “nhà nghèo”. So với các phương pháp xử lý hiện đại chi phí có thấp hơn nhưng chiếm dụng quỹ đất và vẫn phát thải gây ô nhiễm môi trường. Tại Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, theo phản ánh của các xã lân cận là Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, ngày hè oi bức nắng nóng, mùi hôi thối của rác thải có thể lan xa cả cây số. Một số hồ, suối thẩm thấu nước rác thải đã bị ô nhiễm nặng nề. Thậm chí lấy nước từ các hồ, suối này bơm vào ruộng lúa, lúa không sống nổi. Đặc biệt, việc xe vận chuyển rác thải, trong đó nhiều xe tải trọng lớn hoạt động liên tục làm cho tuyến đường vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thường trong tình trạng hư hỏng, trời mưa nước đọng, trời nắng bụi phủ trắng xóa hai bên đường. Thành phố đã đầu tư đáng kể hạ tầng xã hội, giải quyết vấn đề dân sinh như trường học, trạm nước sạch, đường giao thông, tổ chức quan trắc môi trường, khám chữa bệnh định kỳ cho nhân dân để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng… Tuy nhiên, cũng không ít lần vì quá bức xúc người dân xung quanh đã chặn không cho xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp. Tình trạng người dân bức xúc do ô nhiễm chặn xe chở rác vào các điểm chôn lấp cũng xảy ra liên tiếp tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn hay Núi Thoong – huyện Chương Mỹ.
Rác thải công nghiệp nguy hại vẫn phải lưu giữ tại cơ sở
Khác với rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp được phân thành hai loại: nguy hại và không nguy hại. Trung bình, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh 750 tấn rác thải công nghiệp, trong đó lượng rác công nghiệp không nguy hại khoảng 646 tấn và rác công nghiệp nguy hại là 104 tấn. Theo báo cáo của các đơn vị vệ sinh môi trường, tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp không nguy hại khoảng 85-90%, tương đương khoảng 450-580 tấn/ngày, song chỉ có 380-405 tấn trong số đó được xử lý. Đạt tỷ lệ thấp hơn, lượng rác thải công nghiệp nguy hại được thu gom khoảng 62-73 tấn/ngày, bằng 60-70%. Số rác nguy hại này sau khi thu gom được xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Như vậy, còn một lượng khá lớn rác thải công nghiệp, kể cả rác nguy hại, vẫn lưu giữ tại các cơ sở phát sinh.
Đối với rác thải y tế, một loại rác cũng được cho là nguy hại không kém rác công nghiệp, trung bình mỗi ngày có 1,1 tấn trong hơn 8 tấn phát sinh được xử lý tại chỗ bằng lò đốt của bệnh viện. Số còn lại sau phân loại là rác y tế thông thường được thu gom và tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý tại các điểm tập trung. Được biết, rác thải công nghiệp và y tế đều phải xử lý bằng lò đốt. Song do số lượng lò đốt có hạn, công nghệ hạn chế nên có tình trạng chưa thể thu gom và xử lý hết số rác thải công nghiệp, y tế tại các cơ sở phát sinh. Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, khu xử lý rác tập trung lớn nhất hiện nay, cũng chỉ có 2 lò đốt rác công nghiệp và 1 lò đốt rác y tế. Lò đốt thứ tư, với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, công suất 75 tấn/ngày đang trong quá trình xây dựng, dự kiến phải đến đầu năm 2016 mới có thể đưa vào vận hành.