ThienNhien.Net – Vùng biển Hải Phòng trải rộng ra đến đảo Bạch Long Vĩ và được xem là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên trong vịnh Bắc Bộ với nhiều giá trị bảo tồn mang tầm quốc gia và quốc tế. Thời gian qua Hải Phòng đã huy động nhiều nguồn lực để triển khai xây dựng một “Thành phố cảng xanh” với nhiều cách tiếp cận và giải pháp khác nhau.
Trong đó biển, đảo luôn đóng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố và tạo “thương hiệu” cho Hải Phòng – một thành phố biển với mô hình phát triển: Cảng-biển-đô thị-khu công nghiệp.
Xu thế tất yếu phát triển xanh
Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh đang tạo cơ hội để Hải Phòng tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có kinh tế biển, phù hợp với Chiến lược và Định hướng phát triển bền vững TP. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội TP Hải Phòng giai đoạn 2011-2020 đã nêu rõ “Phát triển kinh tế – xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” để Hải Phòng cùng lúc phải thực hiện 2 mục tiêu: một mặt phải đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, duy trì nhịp độ phát triển kinh tế ở mức cao, mặt khác phải đảm bảo phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và bền vững. Vì thế, xây dựng một nền kinh tế biển xanh và tăng trưởng xanh, bên cạnh các cơ hội, Hải Phòng sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức về phát triển bền vững biển và hải đảo trong thời gian tới.
Mặc dù còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng “Kinh tế xanh được hiểu là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái”. Một cách đơn giản, kinh tế xanh là một nền kinh tế phát thải ít cacbon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, đổi mới công nghệ và tăng trưởng bền vững, tạo ra việc làm và công bằng xã hội, hướng vào cải thiện sinh kế của người dân. Kinh tế xanh lấy môi trường làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền “kinh tế nâu” và tăng cường phúc lợi xã hội.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: “Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế cùng với bảo đảm rằng các nguồn vốn/tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới”.
Tăng trưởng xanh là một định hướng mới, thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ hệ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào. Như vậy, có thể xem tăng trưởng xanh định hướng mục tiêu cần đạt cho một phương thức phát triển kinh tế mới (kinh tế xanh) trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (global change) và trở thành nền tảng cho PTBV.
Ở Việt Nam, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đây là cơ hội lớn để nước ta có thể hướng đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và PTBV. Chính vì thế, ngày 25 tháng 9 năm 2012 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014.
Theo đó, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Chiến lược xanh) yêu cầu: “Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”. Chiến lược xanh cũng đề ra mục tiêu chung là: “Tăng trưởng xanh, tiến tới các nền kinh tế cac-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội”. Hiện nay, các ngành và các địa phương cả nước, trong đó có Hải Phòng, đang triển khai thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có lĩnh vực kinh tế biển.
Chiến lược xanh ra đời là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, chủ động chuyển dần từ nền “kinh tế nâu” sang một nền “kinh tế xanh” với các lợi ích cơ bản: góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên (natural assets), cải thiện nguồn vốn văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới PTBV.
Cơ hội cho Hải Phòng phát triển kinh tế biển xanh
Hải Phòng có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển và trên thực tế kinh tế biển chiếm tỷ trọng rất đáng kể trong cơ cấu kinh tế của TP. Chính vì thế, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Hải Phòng luôn được xem là TP cảng, là cửa chính ra biển của thủ đô Hà Nội và của miền Bắc, là trung tâm nghề cá, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, là cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cũng như đông bắc Việt Nam. Hải Phòng nằm ở nút giao của hai hành lang và một vành đai kinh tế hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên thuận lợi trong hội nhập và hợp tác kinh tế thế giới, đặc biệt với các nước khu vực Đông Á.
Yếu tố biển, đảo đã tạo cho Hải Phòng một vị thế địa chính trị-địa kinh tế-địa quân sự trọng yếu của miền bắc và cả nước. Các mảng không gian như: không gian ven biển Nam Đồ Sơn và Bắc Đồ Sơn, không gian biển-đảo Cát Bà-Long Châu và không gian biển-đảo Bạch Long Vĩ có tiềm năng và lợi thế khác nhau cần phải tính đến trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế trong dài hạn của thành phố. Khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tiềm năng và lợi thế nói trên sẽ giúp kinh tế biển Hải Phòng phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh đang trở thành mối quan tâm toàn cầu và được xem là động lực để phục hồi, thúc đẩy kinh tế toàn cầu và là công cụ để PTBV. Các nỗ lực quốc tế đã thể hiện rõ quan điểm và các bài học chia sẻ trong các Tuyên bố Đại dương Manađô, Tuyên bố Manila về Biến đổi khí hậu và Quản lý tổng hợp vùng bờ biển (2009), Tuyên bố Đại dương Rio+20, Chương trình Nghị sự Đại dương đến 2030 (2012), các Hội nghị thượng đỉnh Khu vực và Thế giới về Kinh tế Đại dương và Tăng trưởng xanh vào cuối các năm 2012 và 2013 lần lượt ở Bali và Washington D.C.
Nắm bắt cơ hội, khắc phục các thách thức và khó khăn, TP Hải Phòng đang là một trong số ít địa phương trong cả nước đi đầu trong quá trình chuyển đổi từ nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” để triển khai Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về xây dựng Hải Phòng trở thành “Thành phố cảng xanh”. Là một thành phố ven biển, việc ưu tiên xây dựng kinh tế biển xanh hướng tới PTBV biển, đảo và vùng ven biển là một nhu cầu và đòi hỏi thực tế khách quan.
Để đạt được mục tiêu nói trên, đối với kinh tế biển xanh, Hải Phòng cần bốn yếu tố cơ bản: Phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững; Đầu tư cho khoa học biển và tăng cường năng lực công nghệ trong khai thác, sử dụng biển, đảo của các ngành kinh tế biển chủ chốt; Xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển, đảo, vùng ven biển để giải quyết đồng bộ các quan hệ khác nhau trong phát triển; Mở rộng hợp tác đa phương và hội nhập quốc tế để phát triển biển và kinh tế biển xanh
Theo tinh thần đó, quan điểm chỉ đạo quan trọng của Hải Phòng là: thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội biển; bảo tồn nguồn vốn tự nhiên và môi trường biển một cách chủ động, tích cực mở cửa; giảm phát thải và xử lý chất thải trên các hải đảo và cảng. Phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài để xây dựng một nền kinh tế biển xanh ở TP.
Chính vì vậy, các vấn đề cơ bản để xây dựng kinh tế biển xanh ở Hải Phòng cần sớm triển khai như xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh; Nên ban hành một Nghị quyết riêng của thành ủy Hải Phòng để chỉ đạo việc triển khai Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 phù hợp với đặc thù của một TP cảng-biển; Xây dựng một Kế hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo của thành phố, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế biển xanh hướng tới PTBV; Chú trọng áp dụng các giải pháp khai thác các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển, ven biển và hải đảo; Triển khai quy hoạch sử dụng biển và hải đảo (với việc áp dụng công cụ quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái) ở cấp độ khác nhau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, địa phương nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát, thiếu quy hoạch, góp phần giảm thiểu mâu thuẫn trong sử dụng không gian biển.
Xây dựng và thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ biển, bao gồm thiết chế tổ chức và cơ chế, chính sách phối hợp liên ngành và phân vùng chức năng vùng bờ cho phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ dải bờ biển của thành phố được áp dụng phương thức quản lý tổng hợp ở mức độ khác nhau; Chủ động nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo Hải Phòng và đề xuất giải pháp thích ứng và giảm thiểu.
Đưa các cân nhắc và các vấn đề môi trường – tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở vùng ven biển, biển và hải đảo của TP; Quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ nguồn đất liền, từ các hoạt động kinh tế trên biển, ở các cảng và trên các hải đảo. Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc,…Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các habitat đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái. Xây dựng cảng xanh, các con tàu xanh.
Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên biển và trên đảo Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vĩ để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững. Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản, nguồn giống hải sản tự nhiên,…đang giảm sút. Trước mắt tái cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng ưu tiên đánh bắt xa bờ, duy trì đánh bắt gần bờ hợp lý.
Trên cơ sở đó tổ chức lại nghề cá xa bờ theo hướng CNH, HĐH và áp dụng mô hình đồng quản lý nghề cá nhỏ ven bờ; Thường xuyên nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo về kinh tế biển xanh. Cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo, trên cơ sở đó giúp họ thay đổi hành vi cá nhân của cộng đồng trong cách đối xử với môi trường biển; Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, phát triển khoa học-công nghệ biển, xây dựng kết cấu hạ tầng cho kinh tế biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ.
Hải Phòng là TP ven biển trực thuộc trung ương, nằm ở trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 102 km. Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4.000 km2, gấp 2,6 lần diện tích đất liền của thành phố, chiếm 5,4% diện tích vịnh Bắc Bộ. Toàn bộ phần đất liền của thành phố được biển và các sông bao bọc và có 6 cửa sông chính đổ ra biển trên chiều dài 125 km đường bờ biển Hải Phòng, như: cửa sông Thái Bình, cửa sông Văn Úc (nam Đồ Sơn), cửa Lạch Tray, cửa sông Cấm, cửa Bạch Đằng và cửa Lạch Huyện (ở phía bắc Đồ Sơn).
Hiện nay chỉ còn 5 cửa sông do cửa Cấm bị bồi lấp hoàn toàn sau đắp đập Đình Vũ năm 1978. Hải Phòng có 3 quận (Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An) và 3 huyện (Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thuỷ Nguyên) tiếp giáp với biển và 2 huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vĩ. |
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi