ThienNhien.Net – Theo lộ trình thì tháng 10 tới Việt Nam sẽ tiến hành ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Chương trình hành động Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (FLEGT-VPA) với EU. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp gỗ chưa nắm được các đòi hỏi của FLEGT cũng như chưa biết những tác động của FLEGT-VPA đối với hoạt động kinh doanh và xuất khẩu của mình sang thị trường quan trọng này.
Cơ hội xuất khẩu là rất lớn
Tại hội thảo sáng 9/7 phổ biến về FLEGT-VPA, bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác Quốc tế – Tổng cục Lâm nghiệp, trưởng đoàn đàm phán Hiệp định FLEGT-VPA khái quát, EU là một trong bốn thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam, chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, các thị trường còn lại bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới, và đứng thứ 2 trong khu vực về xuất khẩu đồ nội thất, chiếm khoảng gần 4% thị phần trên thế giới. Tuy nhiên, ở thị trường nội địa các DN gần như đang bỏ ngỏ cho các DN Đài Loan hay Trung Quốc chiếm lĩnh.
Do được xác định là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2013 đạt 5,6 tỷ USD tăng 19,2% so với năm 2012. Bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 24,45% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm vào năm 2020 như kế hoạch ngành, theo đánh giá của Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores), là sẽ vượt qua mục tiêu này.
Thêm một tín hiệu tốt nữa, đó là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết vào cuối năm nay, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, tới các quốc gia trong TPP như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… nhờ thuế sẽ được cắt giảm.
Đồ gỗ Việt Nam sẽ có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, vì Trung Quốc chưa được tham gia TPP. Việc thực thi cam kết TPP cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Điều này cũng dự báo, cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng thị trường và thị phần gỗ, sản phẩm gỗ trên thế giới.
Sức ép chứng minh nguồn gốc
Thực hiện FLEGT, các quốc gia như Việt Nam sẽ phải ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện với EU. Và các doanh nghiệp sẽ chỉ có thể xuất khẩu đồ gỗ sang EU nếu đảm bảo rằng gỗ nguyên liệu (tại chỗ hoặc nhập khẩu từ nước khác) đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và bền vững theo quy định và quy trình tại FLEGT-VPA. Đây là yêu cầu sống còn đối với ngành đồ gỗ Việt Nam ở thị trường EU.
Vào tháng 4 vừa rồi, Trung tâm giáo dục và phát triển (CED) đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan, làm một khảo sát nhỏ tại 63 doanh nghiệp gỗ và các hiệp hội gỗ. Kết quả cho thấy, chỉ có 57% doanh nghiệp biết về FLEGT-VPA, 75% doanh nghiệp chưa biết các nội dung chủ yếu của FLEGT-VPA. Điều đáng nói là 73% các doanh nghiệp này đang xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất sang EU.
Khảo sát cũng cho thấy, khó khăn lớn nhất của các DN gặp phải hiện nay là việc xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp khi thu mua gỗ trong dân. Một phần do nhận thức, một phần do thói quen lưu trữ hồ sơ hạn chế của người dân và sự thiếu thống nhất về các yêu cầu giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ.
Thêm vào đó, như đã nói ở trên, do nhu cầu thị trường đồ gỗ nội thất thế giới ngày một tăng cao nên buộc các DN gỗ Việt Nam phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nước lân cận. Nếu không kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ, những sản phẩm này sẽ bị quy vào khai thác bất hợp pháp.
Ngành gỗ của Việt Nam hiện đem lại thu nhập cho gần 300.000 lao động ngành chế biến gỗ và hàng ngàn hộ gia đình tại các làng nghề, khu vực trồng rừng… Do vậy, việc phát triển bền vững và ổn định ngành chế biến gỗ, có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và xã hội của nhiều khu vực.