ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, tính đến hết quý I năm nay, công tác bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số vụ vi phạm về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản giảm từ 40% đến 80% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhờ chủ động trong việc giao kế hoạch, các địa phương chuẩn bị được hơn 200 triệu cây giống, tăng 65%; trồng chín triệu cây phân tán, tăng 69%; có 12 tỉnh trọng điểm triển khai trồng hơn 11 nghìn ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2013.
Công tác khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản cũng đạt cao với gần hai triệu m3 gỗ rừng trồng, tăng 31%; trong đó xuất khẩu lâm sản tăng 11%. Việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 200 tỷ đồng; giải ngân hơn một nghìn tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 đến nay cho chủ rừng. Tính đến nay, toàn quốc đã trồng mới được hơn 17 nghìn ha rừng ngập mặn, góp phần đáng kể trong việc phòng hộ, bảo vệ vùng bờ biển trước biến đổi khí hậu và thiên tai.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện được đến nay vẫn còn rất thấp so với mục tiêu đề ra; nhiều nội dung cần tiếp tục đầu tư thực hiện, nhất là công tác trồng rừng và bảo vệ rừng ven biển. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sử dụng đất còn bất cập, thiếu sự phối hợp thống nhất giữa các ngành liên quan. Quy hoạch rừng ở địa phương thiếu ổn định và thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế, công nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch.
Việc giao, khoán rừng, đất lâm nghiệp cho cộng đồng và các hộ gia đình để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ở các địa phương còn hạn chế. Hiện nay, trồng rừng ven biển mới chỉ đạt khoảng 18% so với mục tiêu đề ra. Chỉ tiêu đạt thấp là do nguồn vốn đầu tư trồng và bảo vệ rừng ven biển được bố trí từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch hằng năm chưa đáp ứng yêu cầu; chưa huy động hoặc lồng ghép được các nguồn vốn khác để đầu tư trồng rừng ven biển.
Bên cạnh đó, mặc dù điều kiện trồng rừng ven biển rất khó khăn nhưng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho trồng rừng phòng hộ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặc thù của rừng ven biển; công tác quản lý, chỉ đạo các dự án trồng rừng ven biển hiện do nhiều bộ, ngành hoặc địa phương trực tiếp quản lý, chưa có đầu mối để quản lý, tổng hợp và chỉ đạo thống nhất.
Vì vậy, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Ðề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020” trình Chính phủ. Nhưng để thực hiện hiệu quả, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương cần chỉ đạo tốt việc bảo vệ và phát triển rừng ven biển trên phạm vi cả nước, trong đó có các dự án trồng rừng ven biển; hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể rừng phòng hộ ven biển toàn quốc đến năm 2020; ban hành một số cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn cho trồng rừng ven biển; nghiên cứu, đề xuất về nguồn vốn hỗ trợ. Ðối với các địa phương, trong năm 2014 và 2015 tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng, phê duyệt mới các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển tại địa phương (bao gồm tất cả các nguồn vốn). Ưu tiên trồng các vành đai rừng phòng hộ xung yếu trước đê biển; kết hợp chặt chẽ giữa việc trồng mới, phục hồi rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có.