ThienNhien.Net – Trung Á đang nhanh chóng nổi lên như một sân chơi quan trọng trong cuộc đua nhằm tiếp cận nguồn tài nguyên năng lượng phong phú tại đây. “Trò chơi Lớn” đang diễn ra một lần nữa trong khu vực, nhưng không phải trên lĩnh vực chính trị hay lãnh thổ, mà là nguồn tài nguyên giàu có, vốn thuộc sở hữu của Liên Xô cũ, đặc biệt là nguồn dầu khí nằm gần biển Caspian.
Trung Á là trung tâm hệ thống đường ống dẫn khí, đường ống đầu tiên trong số đó được hoàn thành vào năm 1960. Nó cho phép khí đốt của Uzbekistan và Turkmenistan được chuyển giao cho Nga, sau đó được bán lại cho Châu Âu để thu lợi nhuận hay sử dụng nó cho mục đích sinh hoạt.
Moscva luôn nỗ lực tăng sức ảnh hưởng của mình ở khu vực này để từ đó gia tăng địa vị chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô, các quốc gia Trung Á thoát dần khỏi Nga. Một hệ thống đường ống độc lập được ưu tiên xây dựng để vận chuyển dầu khí ra bên ngoài. Tuy nhiên, khí đốt và dầu cần phải vượt qua nhiều biên giới trước khi đến khách hàng cuối cùng. Điều này đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn, và đa dạng hóa năng lượng.
Những ông lớn
Kazakhstan là nước sản xuất dầu hàng đầu trong khu vực, với sản lượng khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, trong đó khoảng 90% được xuất khẩu. Mạng lưới đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan hình thành năm 2006 nhằm phá vỡ sự độc quyền của Nga.
Đường ống đầu tiên kết nối bờ Caspian với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, là một trong những liên kết dài nhất thế giới với gần 2.300km. Bắc Kinh kiểm soát khoảng 20% sản lượng dầu của Kazakhstan và là đối tác thương mại quan trọng.
Turkmenistan là nước xuất khẩu khí đốt chính và sở hữu các mỏ khí đốt lớn nhất ở Trung Á và là một trong những nước giàu nhất trên thế giới.
Turkmenistan lần đầu tiên phá vỡ sự thống trị của Nga bằng cách xây dựng một đường ống dẫn đến Iran vào năm 1997. Đường ống dẫn khí Trung Á-Trung Quốc gần đây cho phép Ashgabat vận chuyển khí trực tiếp sang Bắc Kinh. Turkmenistan cũng là nước trung gian vận chuyển khí đốt cho Kazakhstan và Uzbekistan.
Khối lượng bán cho Trung Quốc được cho là sẽ tăng gấp 3 lần vào cuối thập kỷ này, trong khi con số bán cho Nga, sau vụ nổ đường ống dẫn trong năm 2009, giảm đáng kể và cho thấy không có dấu hiệu quay trở lại mức trước đó. Turkmenistan đang đầu tư mạnh cho năng lượng.
Nước này đang xây dựng một đường ống dẫn khí Đông-Tây trong nước, và sẽ hoàn thành vào năm 2016. Ngoài ra, một đường ống nối Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ dự kiến sẽ được hoàn thành trong tương lai gần. Cuối cùng, kế hoạch lớn nhất vẫn là tuyến đường ống xuyên Caspian.
Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan – 3 quốc gia của Liên Xô cũ khác ở Trung Á – chưa được xem là “người chơi lớn”. Tajikistan và Kyrgyzstan không có nguồn tài nguyên đáng kể. Dushanbe và Bishkek đang tìm kiếm sự hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thay đổi với khoản đầu tư mới đang được xem xét.
Trung Quốc nổi lên như một đối tác với Tajikistan và Kyrgyzstan. Một dự án thương mại điện Trung Á-Nam Á đang được thảo luận có thể kết nối Kyrgyzstan và Tajikistan với Pakistan.
Tuy nhiên dự án CASA-1000 này có thể không được thực hiện vì lý do tài chính và chính trị. Uzbekistan – một quốc gia ở hạ nguồn – lo ngại rằng các nhà máy thủy điện mới sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh năng lượng của nó.
Chính sách của Nga…
Trung Á không chỉ là nhà cung cấp nguồn năng lượng cho Trung Quốc. Nga, đất nước cung cấp 1/3 nhiên liệu cho Châu Âu, cũng tập trung về phía đông. Xuất khẩu năng lượng chiếm một nửa nguồn thu ngân sách liên bang của Nga. Moscva cũng quan tâm đến các thị trường mới.
Nga từ lâu xây dựng mối quan hệ với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đường ống dẫn dầu Đông Siberia-Thái Bình Dương với công suất tối đa 1,2 triệu thùng/ngày, trong đó 0,3 triệu thùng/ngày được đưa tới Trung Quốc.
Nga-Trung gần đây ký thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD. Đường ống dẫn khí mới sẽ được xây dựng vào năm 2018, cung cấp 38 tỷ m3 khí/năm, chiếm 8% doanh thu hàng năm của Gazprom. Mặc dù lợi nhuận rất lớn, mở hoạt động đến Châu Á không phải không có rủi ro.
Điện Kremlin Nga tất nhiên nhận thấy, việc cung cấp nguồn năng lượng cho Trung Quốc đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự phát triển của một đối thủ ngày càng ảnh hưởng mạnh trong khu vực.
… và vai trò của Trung Quốc
Chuyến thăm năm 2013 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến các nước Trung Á dẫn đến các giao dịch năng lượng với các quốc gia tại đây.
Các khoản vay hàng chục tỷ USD cho Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Uzbekistan làm thay đổi tình hình năng lượng trong khu vực. Tầm quan trọng của Bắc Kinh đang gia tăng trong khi Moscow đang suy giảm. Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính, nếu việc mở rộng của Trung Quốc vào Trung Á vẫn tiếp tục với tốc độ như hiện nay, Bắc Kinh sẽ nhập khẩu một nửa số khí đốt của khu vực vào năm 2020.
Tình trạng này sẽ dẫn đến trò chơi mà cả hai bên đều thắng, trong đó Bắc Kinh cung cấp tài chính và Trung Á đáp ứng cơn khát năng lượng khổng lồ của Trung Quốc. Nhưng nếu các nước trong khu vực không thận trọng, Trung Á có thể thoát khỏi Nga nhưng lại rơi vào sự thống trị của Trung Quốc.