Ngành khai khoáng và vấn đề bảo tồn loài khỉ

ThienNhien.Net – Báo cáo State of the Apes: Extractive Industries and Ape Conservation (tạm dịch: Tình trạng loài khỉ: Ngành công nghiệp khai thác và Bảo tồn loài khỉ) vừa được công bố bởi Quỹ Arcus Foundation – một quỹ toàn cầu hoạt động nhằm hướng tới một cuộc sống hài hòa giữa con người với nhau và con người với tự nhiên.

nhbs.com

Đây là ấn phẩm đầu tiên nằm trong một chuỗi các báo cáo toàn cầu đánh giá các vấn đề phát triển kinh tế và xã hội trong mối liên quan tới vấn đề bảo tồn loài khỉ.

Trong bối cảnh các nguy cơ đối với công tác bảo tồn đang ngày một gia tăng do các hoạt động phát triển kinh tế, loạt báo cáo State of the Apes đã đưa ra những phân tích khách quan về bảo tồn loài khỉ, đồng thời gợi ý các cơ hội giúp hóa giải tác động phát triển, cũng như cơ hội đạt được các cam kết ý nghĩa.

Báo cáo đầu tiên này phân tích mối quan hệ giữa ngành công nghiệp khai thác đối với vấn đề bảo tồn loài khỉ; đồng thời gợi ý các giải pháp, các thỏa hiệp có thể mang lại lợi ích cho cả ngành công nghiệp khai thác và công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Từ các nghiên cứu và phân tích được minh họa bằng các nghiên cứu điểm và các mô hình quản trị tốt, Báo cáo đã đưa ra cái nhìn tổng quan về ảnh hưởng và vai trò của ngành khai khoáng đối với hiện trạng, tương lai của loài khỉ, loài vượn lớn và loài người tại các môi trường sống mà chính ngành khai thác và các cộng đồng địa phương đang phải phụ thuộc vào đó.

Các chủ đề được Báo cáo phân tích bao gồm thương mại quốc tế, các xu hướng và các yếu tố ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác; vấn đề quản trị; sở hữu đất đai; các tác động trực tiếp và gián tiếp của ngành khai khoáng; và các phản ứng chính sách cấp quốc gia.

Báo cáo được thực hiện với mục tiêu thúc đẩy đối thoại giữa các nhà lãnh đạo về nhu cầu cấp thiết phải có một phương pháp tiếp cận mới giúp giải quyết những căng thẳng leo thang giữa phát triển kinh tế và công việc bảo tồn.

“Mục tiêu của chúng tôi là đưa các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp khai thác, các nhà hoạch định chính sách, các nhà bảo tồn xích lại gần nhau để có được một tiến trình mới nhằm bảo tồn các môi trường sống là mái nhà của loài khỉ và vô số sinh vật đang bị đe dọa khác trên thế giới – Bà Annette Lanjouw, Phó Chủ tịch Sáng kiến chiến lược và Chương trình bảo tồn các loài khỉ lớn đồng thời là một biên tập viên của Báo cáo, cho hay.