ThienNhien.Net – Phần lớn các loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng hiện nay không được các khu bảo tồn trên thế giới bảo vệ. Đây là cảnh báo từ một nghiên cứu mới được công bố, đúng vào thời điểm các quốc gia đang hướng đến một công cuộc mở rộng diện tích bảo tồn quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Nghiên cứu nói trên cho biết 85% các loài chim, động vật có vú và lưỡng cư đang bị đe dọa trên toàn thế giới hiện chưa được bảo vệ nghiêm ngặt tại các vườn quốc gia và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các khu bảo tồn hiện nay còn hạn chế trong mục tiêu bảo vệ các loài đang bị đe dọa nhất của thế giới. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi như vậy các khu bảo tồn đã không thực hiện được sứ mệnh trở thành đất lành cho những loài động vật đang nguy cấp”- Tiến sĩ Oscar Venter, thuộc ĐH James Cook và ĐH Quensland cho biết.
193 quốc gia thành viên Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) năm 2010 đã cam kết tăng diện tích bảo tồn của thế giới từ 13 dến 17% vào năm 2020. Tuy nhiên, việc mô phỏng các kịch bản mở rộng diện tích bảo tồn trong tương lai bằng mô hình máy tính cho thấy các vườn quốc gia mới thành lập vẫn chưa ưu tiên bảo tồn phần lớn các giá trị đa dạng sinh học chưa được bảo vệ của thế giới.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nếu việc mở rộng các khu bảo tồn tương lai vẫn được thực hiện theo cách hiện nay thì số các loài đe dọa được bảo vệ chỉ tăng lên không đáng kể. Vấn đề nằm ở chỗ các quốc gia thường chọn những vùng đất có thể xây dựng vườn quốc gia mà không mấy tốn kém thay vì hướng đến vùng đất quan trọng đối với động vật hoang dã. Điều này không đóng góp nhiều cho công việc bảo tồn các loài nguy cấp.” – Phó giáo sư James Watson, giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu của WCS, tác giả chính của nghiên cứu khẳng định.
Từ đó, nghiên cứu khuyến cáo, chìa khóa cho vấn đề bảo vệ các loài động thực vật nguy cấp nhất là đảm bảo rằng việc mở rộng diện tích bảo tồn phải phục vụ cho mục tiêu bảo tồn các loài đang bị đe dọa. Điều này đồng thời cũng giúp kết hợp thực hiện hai cam kết trong Mục tiêu Aichi mà các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học đã ký kết vàtăng cường cơ hội bảo tồn đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau.
Tiến sĩ Venter cũngcho biết các vườn quốc gia không thể hoàn thành sứ mệnh bảo tồn nếu không được thành lập với mục tiêu này. Bởi vì, dẫu có biến 30% diện tích Trái đất thành khu bảo tồn theo cách làm cũ thì nhiều loài sinh vật quý hiếm vẫn ở ngoài vòng bảo vệ. Tuy nhiên, khi các loài nguy cấp trở thành mục tiêu bảo tồn, chúng ta có thể áp dụng nhiều phương pháp ít tốn kém để các loài này được bảo vệ trong các vườn quốc gia mới thành lập.
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc đại học James Cook, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), Đại học Queensland, Đại học Stanford, Tổ chức Birdlife Quốc tế, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và một số tổ chức khác thực hiện.