ThienNhien.Net – Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Ðằng sau niềm vui vì lượng nước sẽ bù đắp cho những tháng dài khô hạn, cho cây trồng tươi tốt… thì người dân sống ven các triền sông Ba đang phải nơm nớp lo sợ những hiểm nguy do việc chuẩn bị xả lũ của các công trình thủy điện.
Chi chít công trình thủy điện
Bắt nguồn từ đỉnh núi Kon Plông (Kon Tum), với chiều dài 388 km, sông Ba chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, đến cửa sông Ðà Rằng (Phú Yên) rồi đổ ra biển lớn. Với độ cao hơn 1.500 m, sông Ba được xếp thứ sáu trên chín hệ thống sông chính của cả nước về tiềm năng lớn để phát triển thủy điện. Sông Ba bây giờ còn được biết đến như một “dòng sông điện”, do vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, trên dòng chính của sông Ba và các phụ lưu, nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng.
Từ thượng nguồn, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã xây dựng công trình thủy điện An Khê-Ka Nak có thiết kế công suất lắp máy 173 MW, mỗi cụm hai tổ máy, điện lượng trung bình 685,03 triệu kWh/năm, có tổng mức đầu tư 5.616 tỷ đồng. Ðây là công trình thủy điện lớn nhất trên sông Ba, đoạn chảy qua Gia Lai. Trên địa phận huyện Kông Chro và Krông Pa, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng kịp chọn cho mình vị trí thuận lợi để xây dựng thêm bốn công trình thủy điện, gồm: Ðak Srông 2, Ðak Srông 2A, Ðak Srông 3A, Ðak Srông 3B nằm trên sông Ba, với tổng công suất lắp máy của các nhà máy là 71,5 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trên dòng chính của sông Ba còn có thêm thủy điện Ðak Srông (Công ty cổ phần Ðak Srông) công suất lắp máy 18 MW và thủy điện Sông Ba Hạ (giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên), hai tổ máy với tổng công suất lắp đặt máy 220 MW, cung cấp sản lượng điện trung bình hơn 825 triệu kWh/năm.
Tháng 1-2011, Công trình thủy điện An Khê-Ka Nak tiến hành chặn dòng, cũng là lúc sông Ba gần như cạn kiệt, kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do bị nắn dòng, lượng nước chủ yếu đổ về sông Kôn (Bình Ðịnh). Lượng nước quá ít đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của hơn 300 nghìn người dân sinh sống dọc sông Ba thuộc sáu huyện, thị xã là Kbang, thị xã An Khê, huyện Kông Chro, huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa (Gia Lai) và các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Phú Yên mà theo tính toán của cơ quan chuyên môn, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tại đây khoảng 14 triệu m3/năm và nhu cầu nguồn nước phục vụ cho sản xuất hơn 300 tỷ m3.
Tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Ðào Xuân Liên cũng kiến nghị cần xem xét lại việc điều hòa lượng nước xả sao cho khoa học, phù hợp, không để tái diễn tình trạng như thời gian qua: Mùa mưa, nước nhiều thì xả ào ạt gây lũ lụt; mùa khô thì lượng nước quá ít và với mức 4 m3/giây của thủy điện An Khê-Ka Nak như hiện nay không chỉ gây ô nhiễm nặng cả sông Ba mà còn không bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ lưu. Mùa khô thì vậy nhưng đến mùa mưa, khi mà lượng nước đổ về quá lớn, công trình này đã bất ngờ xả nước dẫn đến tình trạng lũ cuốn kinh hoàng, điển hình là vụ xả lũ đêm 24 rạng sáng 25-5-2012, khiến gần 50 ha hoa màu, 10 con trâu, bò và 62 máy nổ, máy bơm nước của hơn 140 hộ dân ở xã Ðông và Nghĩa An (huyện Kbang) bị cuốn trôi, thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 10 tỷ đồng. Chung cảnh như vậy, trận lũ vào tháng 11-2013, hàng trăm ha đất nông nghiệp dọc hai bên suối Cát (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh) bị quét sạch, hàng chục điểm bị sạt lở, nước khoét sâu vào bờ mỗi bên hàng chục mét.
Không chỉ ồ ạt xây dựng các công trình thủy điện và không tính đến sự cân đối, điều tiết nước hợp lý của các hồ chứa, nhiều công trình thủy điện còn xây dựng cẩu thả, sai thiết kế đã gây nên hậu quả khôn lường cho người dân mà sự cố vỡ đập thủy điện Ia krêl 2 vào đêm 12-6-2013, trên địa bàn xã Ia Dom (Ðức Cơ-Gia Lai) do Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư là thí dụ điển hình: Ðập được thiết kế và xây dựng bằng đất, chỉ một vài phần được xây dựng bằng bê-tông và vì vậy, chỉ một vài cơn mưa lớn, hồ chứa mới tích nước được khoảng 50% dung tích thì đập đã không chịu đựng nổi… Công trình thủy điện Ðak Srông 2A của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được khởi công xây dựng năm 2006. Khi tích đủ nước đã làm hệ thống ngầm trên sông Ðak Pơ Kơ chìm trong nước…
Rà soát quy hoạch phát triển thủy điện
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên những năm qua đã và đang để lại nhiều hệ lụy và vướng mắc, nhất là trong công tác đền bù, tái định cư, tác động xấu đến môi trường. Toàn khu vực Tây Nguyên đang có 287 dự án thủy điện, với tổng công suất gần 7.000 MW. Hiện đã có 84 dự án được đưa vào sử dụng, công suất gần 5.000 MW. Các dự án còn lại đang được xây dựng và lên kế hoạch đầu tư.
Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp Bộ Công thương rà soát đánh giá lại quy hoạch phát triển các công trình thủy điện gắn với việc sử dụng đất đai, tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái và bảo đảm không gian sinh sống của đồng bào ở các vùng dự án tại Tây Nguyên, kiên quyết loại bỏ những dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến rừng và sản xuất nông nghiệp. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng cho biết: Bộ Công thương đã hoàn tất việc đi thực tế một số thủy điện để có báo cáo đánh giá chung. Quan điểm của Ban Chỉ đạo là đồng ý rà soát nghiêm túc quy hoạch thủy điện ở Tây Nguyên. Ðối với những dự án có tác động lớn tới môi trường, đời sống người dân mà không khắc phục được thì kiên quyết không để. Thậm chí, từ nay đến cuối năm, khi chưa có ý kiến chính thức về thủy điện, thì cũng nên tạm dừng các công trình thủy điện mới.
Với những hệ lụy do thủy điện gây ra vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, do thiếu quy hoạch chung cho nên các công trình thủy điện không có lưu lượng xả để duy trì dòng chảy, việc xây hồ chứa chưa quan tâm đến chức năng phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du nên hạn hán và lũ lụt đã không chỉ là “thiên tai” mà còn do “nhân tai”(!).
Không thể phủ nhận, việc phát triển thủy điện có vai trò quan trọng trong việc ổn định an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, với những hệ lụy “hậu thủy điện” mà người dân đang phải gánh chịu, các doanh nghiệp không thể làm ngơ mà cần phải nâng cao trách nhiệm dựa trên phương châm: Gắn lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người dân thì việc làm trên mới mang ý nghĩa xã hội thiết thực.