Nông dân Trung Quốc “bức tử” đất đai

ThienNhien.Net – Sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu đã giúp khu vực Đông Bắc Trung Quốc trở thành vùng sản xuất lương thực hàng đầu nước này. Thế nhưng, việc đó dẫn đến ô nhiễm đất và phải mất nhiều năm để khắc phục, tờ Quan sát Kinh tế nhận định.

Khu vực Đông Bắc (gồm 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh) cùng với phần phía Đông của khu tự trị Nội Mông chiếm 24,1% sản lượng lúa gạo của nước này trong năm 2013.

Những nông dân địa phương nói rằng phân bón giúp nông dân tăng gấp đôi sản lượng bất kể đất nghèo dinh dưỡng đến đâu. Nhiều nông dân cho hay phân bón và thuốc trừ sâu rất cần thiết vì quy mô trang trại rộng lớn cùng chi phí thuê người diệt cỏ dại rất cao.

Nông dân đang trồng trọt trên ruộng bắp ở tỉnh Hắc Long Giang (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Nông dân đang trồng trọt trên ruộng bắp ở tỉnh Hắc Long Giang (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trương Thanh Phong, chủ sở hữu một doanh nghiệp kinh doanh phân bón ở Hắc Long Giang, tiên lượng có thể sẽ không có đất đai đủ tiêu chuẩn cho canh tác trong ba bốn thế hệ kế tiếp vì sử dụng nhiều phân bón hóa học dẫn đến hiện tượng vôi hóa đất đai.

Ông Lưu Huệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp, cho biết việc sử dụng các hóa chất đang tăng lên trên toàn Trung Quốc. Những hóa chất này xâm nhập vào nước vốn được sử dụng trên các trang trại, khiến tình trạng ô nhiễm nặng hơn. Hiện tại, miền Nam Trung Quốc đang bị ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng vì có quá nhiều mỏ khoáng sản trong khu vực.

Tại một diễn đàn tổ chức ở Thanh Đảo gần đây, chuyên gia kinh tế Diêu Cảnh Nguyên khuyến cáo Trung Quốc sử dụng phân bón nhiều gấp 4 lần Mỹ, gấp 3 lần so với Ấn Độ. Vì diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp đang bị thu hẹp nên người nông dân lạm dụng các hóa chất để gia tăng sản xuất. Trong khi đó, tình trạng thiếu lương thực ở Trung Quốc khiến người dân khó áp dụng luân canh cây trồng, giúp phục hồi độ màu mỡ của đất.